Về lý thuyết, việc phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa sẽ giúp cho Ukraine làm gián đoạn các hoạt động quân sự của Nga, bằng cách buộc phía Moskva phải phân tán lực lượng để bảo vệ các khu vực quân sự trọng yếu. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Nga sẵn sàng chấp nhận tổn thất mà không thay đổi kế hoạch của mình?
Ngày 17/10, Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất tấn công vào các sân bay ở miền đông Ukraine, phá huỷ 14 máy bay trực thăng trong đó có cả trực thăng tấn công Ka-52 hiện đại và đắt tiền.
Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao Nga lại đặt các máy bay trực thăng trong tầm bắn của ATACMS, mặc dù Nga đã biết Ukraine đã nhận được những vũ khí này.
Đối mặt với vũ khí từ phương Tây
"Mặc dù thông tin về việc vận chuyển tên lửa ATACMS cho Ukraine đã được thông báo rộng rãi, nhưng tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi thông báo cho phía Nga biết ngày, giờ và địa điểm chính xác của cuộc tấn công đầu tiên, thì họ sẽ vẫn không di chuyển những chiếc trực thăng đó đi đến nơi khác" . Ông Michael Kofman, một thành viên cấp cao tại Carnegie Endowment (tổ chức tư vấn các vấn đề quốc tế) cho biết.
Theo ông "Cách làm của Nga trước tiên là xử lý vấn đề, họ sẵn sàng chấp nhận tổn thất và sau đó mới bắt đầu tìm cách thích nghi thay vì thực hiện các biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa" .
Hình ảnh vụ phóng tên lửa ATACMS của quân đội Ukraine.
Ông Kofman cho biết, các sân bay của Nga đã bị tên lửa ATACMS phiên bản đạn chùm của Ukraine tấn công, loại vũ khí chỉ có tầm bắn khoảng 160 km nhưng được thiết kế để "tiêu diệt nhân lực, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng quan trọng của đối phương" .
Máy bay tiêm kích của Nga chỉ đóng vai trò thứ yếu trong cuộc xung đột, chúng chủ yếu hoạt động ngoài tầm kiểm soát của hệ thống phòng không Ukraine. Điều này đã đặt những chiếc trực thăng tấn công của Nga phải đảm nhiệm vai trò yểm trợ trên không cho lực lượng mặt đất.
Ukraine đã sử dụng nhiều lữ đoàn được trang bị xe bọc thép do phương Tây cung cấp để tiến hành chiến dịch phản công hồi đầu tháng 6. Tuy nhiên, các phương tiện bọc thép của Ukraine đã bị mắc kẹt trong các bãi mìn và nằm ngoài sự che chở của các hệ thống phòng không, vì vậy chúng đã trở thành mục tiêu dễ dàng của những chiếc trực thăng Nga.
Theo ông Kofman và các nhà quan sát khác, những căn cứ đặt trực thăng là "một trong những mục tiêu rõ ràng nhất" cho các cuộc tấn công bằng ATACMS của Ukraine.
Các căn cứ của Nga đặt tại Berdyansk và Lugansk đều đã được biết rõ với các bức tường ngăn và trực thăng nằm rải rác trên mặt đất. Đó là nơi xuất kích của những chiếc trực thăng Ka-52 và Mi-28, những phương tiện gây ra vấn đề lớn cho lực lượng Ukraine, ông Kofman cho hay.
Cách hóa giải của Nga
Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng Nga ở Ukraine bị tấn công bởi vũ khí do phương Tây cung cấp. Tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất và tên lửa chống tăng NLAW do Anh-Thụy Điển thiết kế đã phá huỷ nhiều phương tiện bọc thép của Nga trong giai đoạn đầu cuộc xung đột.
Mùa hè năm 2022, Ukraine nhận được tên lửa HIMARS của Mỹ và vũ khí này cũng đã phá hủy các kho đạn cùng một số sở chỉ huy của Nga. Tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh cũng phá hủy những cây cầu quan trọng nối với Crimea và các khí tài có giá trị trên bán đảo này.
Nhưng bất chấp những lời ca ngợi và hiệu quả ban đầu, những vũ khí này nhanh chóng mất đi ánh hào quang. Nga đã tìm ra cách gây nhiễu các loại tên lửa dẫn đường bằng GPS như HIMARS và di chuyển các kho vũ khí ra xa tiền tuyến, ngoài tầm bắn của tên lửa từ Ukraine, mặc dù việc di chuyển này có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác hậu cần.
Vấn đề thực sự không phải là công nghệ quân sự, thứ rất khó tránh khỏi bị đối phương vô hiệu hóa hoặc sao chép, mà là khả năng thích ứng hoặc khả năng phản ứng với thông tin tình báo về sự xuất hiện của một loại vũ khí mới hay việc thay đổi chiến thuật để đối phó với vũ khí đó trên chiến trường.
Sân bay của Nga bị Ukraine tập kích.
Ví dụ điển hình là Lực lượng Phòng vệ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur vào tháng 10/1973. Trong những ngày đầu tiên của cuộc xung đột, quân đội Ai Cập được trang bị tên lửa chống tăng Sagger do Nga sản xuất và tên lửa chống tăng RPG-7 đã gây nhiều tổn thất cho xe tăng của Israel. Nhưng trong vòng một tuần, Israel đã áp dụng chiến thuật binh chủng hiệp đồng, phối hợp xe tăng, bộ binh và pháo binh, giúp xe tăng Israel hoạt động hiệu quả hơn.
Về cuộc tấn công vào các căn cứ trực thăng của Nga hồi tháng 10, trước đó có nhiều cảnh báo về ATACMS cùng các loại vũ khí khác do phương Tây viện trợ trong tay Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã không bảo vệ các trực thăng tấn công quan trọng của mình như di chuyển chúng đến các căn cứ cách xa tiền tuyến, mà vẫn để chúng đậu lộ thiên ở các sân bay dễ bị tấn công.