Lồng bảo vệ chống máy bay không người lái là loại trang bị được phát minh ra trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Quân đội Nga đã triển khai thiết bị này trên hàng trăm phương tiện chiến đấu hạng nhẹ, vận tải và bọc thép đang hoạt động trên chiến trường Ukraine. Và mới đây nhất, những hình ảnh đầu tiên cho thấy tàu ngầm hạt nhân lớp Delta-IV của Nga cũng được trang bị những chiếc lồng bảo vệ như vậy.
Sự xuất hiện này càng chứng tỏ rằng, những chiếc máy bay không người lái cỡ nhỏ với giá rẻ nhưng có thể gây thiệt hại tới hàng chục triệu USD và khiến cho cả những cường quốc quân sự như Nga phải e ngại. Dù được trang bị lồng nhưng tàu chiến và tàu ngầm vẫn rất dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và dường như không có biện pháp phòng thủ hiệu quả nào chống lại chúng.
Tàu ngầm được nhắc đến là Tula, một loại tàu ngầm hạt nhân của Nga, thuộc Hạm đội phương Bắc. Đoạn phim ghi lại cảnh chiếc tàu ngầm đang hoạt động tại cảng Gadzhievo ở vùng Murmansk xa xôi phía bắc của Nga. Tấm lưới được gắn trực tiếp phía trên cửa chỉ huy, từ đó các sĩ quan quan sát xung quanh bằng phương tiện trực quan và quang điện khi tàu ngầm nổi lên.
Câu hỏi đặt ra
Giới quan sát quân sự đã đặt ra nhiều câu hỏi rằng, chiếc lồng có ảnh hưởng gì đến khả năng hoạt động của tàu ngầm? Cấu trúc của chiếc lồng có thể chịu được áp lực của nước biển ở độ sâu lớn không? Hay chiếc lồng sẽ được dỡ bỏ trước khi tàu ngầm lặn xuống? Nếu vậy, chiếc lồng có thể được thiết kế dể dễ dàng triển khai hoặc thu lại.
Vai trò của những chiếc lồng tương tự được trang bị trên các phương tiện chiến tranh trên bộ đã quá quen thuộc với chúng ta, tuy nhiên nó có thể có một mục đích hoàn toàn khác khi lắp trên tàu ngầm. Một số chuyên gia cho rằng đây có thể là một loại mái che để bảo vệ các sĩ quan giám sát xung quanh khi tàu ngầm nổi lên.
Từ thực tiễn cuộc xung đột ở Ukraine, vào thời gian đầu khi mới xuất hiện, những chiếc lồng bảo vệ từng bị chế giễu và cho rằng chúng vô giá trị. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cả hai bên tham chiến đều triển khai lồng bảo vệ trên rất nhiều các phương tiện chiến đấu của mình.
Ý tưởng này thậm chí còn lan đến Israel, nơi những chiếc xe tăng Merkava đầu tiên có lồng trên tháp pháo xuất hiện gần một tháng sau cuộc xung đột ở Dải Gaza.
Tại một trong những cuộc triển lãm quân sự gần đây ở Moskva, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã trưng bày hàng loạt phương tiện chiến đấu và vận tải bọc thép với kết cấu lồng được sản xuất hàng loạt. Điều này cho thấy rằng, những chiếc lồng chống UAV đang ngày càng trở nên phổ biến và là một biện pháp đối phó mang lại hiệu quả trên chiến trường.
Lồng đối phó là gì?
Lồng đối phó là một biện pháp bảo vệ được thiết kế để chống lại các mối đe dọa từ vũ khí chống tăng và máy bay không người lái. Nó hoạt động như một rào cản vật lý, phá vỡ quỹ đạo hoặc cơ chế kích nổ của loại vũ khí đang lao tới.
Loại giáp lồng thường được làm bằng thép, được bố trí theo dạng lưới xung quanh khu vực được bảo vệ. Khi máy bay không người lái thả vũ khí chống tăng, lớp giáp lồng sẽ làm kích nổ sớm đầu đạn giúp hạn chế khả năng xuyên thủng lớp giáp chính trên phương tiện được bảo vệ, do đó làm giảm đáng kể hiệu quả của vũ khí.
Hơn nữa, lớp giáp lồng có thể khiến đầu đạn bay tới bị đổi hướng, làm giảm động năng và khả năng xuyên thủng của nó. Điều này đặc biệt hiệu quả khi đối phó với các đầu đạn tích điện định hình, vốn dựa vào tia nổ tập trung để xuyên giáp.
Lớp giáp lồng còn được xem là phương án bảo vệ đơn giản và nhẹ cho các loại xe tăng, phương tiện vận chuyển và thậm chí cả tàu ngầm, bởi trọng lượng nhẹ sẽ ít ảnh hưởng đến khả năng cơ động của các phương tiện chiến đấu. Điều này rất quan trọng trong chiến tranh hiện đại, nơi tốc độ và khả năng cơ động thường là yếu tố quyết định trong các cuộc giao chiến.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là giáp lồng không phải là giải pháp hoàn hảo. Các loại vũ khí chống tăng tiên tiến và công nghệ máy bay không người lái có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ này. Do đó, nó thường được sử dụng kết hợp với các biện pháp phòng thủ khác như hệ thống bảo vệ tích cực và hệ thống tác chiến điện tử để cung cấp khả năng phòng thủ nhiều lớp trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
Dự án tàu ngầm Tula
Tàu ngầm lớp Tula Delta-IV, còn gọi là Dự án 667BDRM Delfin, là loại tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân được Hải quân Liên Xô và sau này là Hải quân Nga chế tạo và vận hành. Đây là một trong những lớp tàu ngầm tiên tiến nhất trong hạm đội Nga, được thiết kế để răn đe chiến lược và có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân.
Tàu ngầm Tula có lượng giãn nước khi lặn khoảng 18.200 tấn và lượng giãn nước khi nổi khoảng 11.700 tấn. Điều này khiến nó trở thành một trong những lớp tàu ngầm lớn nhất thế giới đang hoạt động. Con tàu có chiều dài khoảng 167 mét, chiều rộng 11,7 mét và mớn nước 8,8 mét.
Về đặc tính kỹ thuật, tàu ngầm Tula được trang bị hệ thống sonar, hệ thống tác chiến điện tử và hệ thống định vị tiên tiến. Nó có tốc độ tối đa 24 hải lý/giờ khi lặn và 14 hải lý/giờ khi nổi lên. Tàu ngầm có thể lặn tới độ sâu tối đa 400 mét và có thời gian hoạt động 80 ngày.
Tàu ngầm Tula cần thủy thủ đoàn khoảng 135 người để hoạt động, bao gồm các sĩ quan chỉ huy, sĩ quan bảo đảm và lính nghĩa vụ. Thủy thủ đoàn chịu trách nhiệm về mọi khía cạnh hoạt động của tàu ngầm, bao gồm điều hướng, kiểm soát vũ khí và bảo trì.
Hệ thống động lực của tàu ngầm Tula sử dụng nhiên liệu hạt nhân, gồm 2 lò phản ứng nước áp lực VM-4 và 2 tua-bin hơi nước dẫn động 2 trục. Điều này cho phép tàu ngầm có thể lặn dưới nước trong thời gian dài và di chuyển quãng đường xa mà không cần tiếp nhiên liệu.
Về vũ khí, tàu ngầm Tula được trang bị nhiều loại vũ khí hạng nặng, bao gồm 16 tên lửa đạn đạo R-29RMU Sineva, mỗi tên lửa có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra, nó còn được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533 mm và mang theo nhiều loại ngư lôi, tên lửa chống hạm để tự vệ.
Những suy đoán
Nhiều người vẫn đang thắc mắc rằng, mục đích của lưới chống máy bay không người lái trên tàu ngầm đóng tại Gadzhievo là gì? Bởi con tàu cách xa các khu vực xung đột ở Ukraine và chắc chắn nằm ngoài tầm với của máy bay không người lái tầm xa Ukraine.
Chúng ta đã chứng kiến các lực lượng đặc biệt của Ukraine thực hiện thành công các hoạt động phá hoại ở Nga bằng cách sử dụng máy bay không người lái có vũ trang tầm ngắn. Nhưng những lực lượng này cũng mới chỉ mở rộng hoạt động đến tận vùng Pskov của Nga, vẫn cách Murmansk hàng trăm kilomét.
Một số chuyên gia cho rằng, tháp chỉ huy lộ thiên của tàu ngầm, đặc biệt là tháp mang tên lửa đạn đạo hạt nhân chiến lược sẽ là mục tiêu hấp dẫn cho các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
Hơn nữa, tàu ngầm rất dễ bị tổn thương khi chúng ở trên mặt nước, khi vào hoặc ra khỏi cảng và khi di chuyển qua các tuyến đường biển đông đúc.
Ngoài ra, khả năng cơ động và hệ thống phòng thủ tầm gần của tàu ngầm cũng hạn chế hơn nhiều so với tàu chiến mặt nước, vì vậy chúng cần có những biện pháp bảo vệ bổ sung, đặc biệt trong điều kiên tác chiến hiện đại hiện nay.