Bất ngờ lời khai của nữ thợ may 'biến hình' thành chủ doanh nghiệp trong vụ án Trịnh Văn Quyết

Chi Chi |

Nghe lời em gái Trịnh Văn Quyết, nữ thợ may này đã nhận ký hợp đồng ủy thác đầu tư tới 360 tỷ đồng từ Faros.

Ngày 22/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 người khác.

Tại phần xét hỏi, Hội đồng xét xử đã đề nghị cách ly bị cáo Trịnh Văn Quyết; Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột ông Quyết),...

Bất ngờ lời khai của nữ thợ may 'biến hình' thành chủ doanh nghiệp trong vụ án Trịnh Văn Quyết- Ảnh 1.

Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa. Ảnh: NLĐ

Trong số các bị cáo, nữ thợ may lương 5 triệu/tháng "biến hình" thành nhà đầu tư uy tín, nhận ủy thác đầu tư 360 tỷ đồng của Faros được chú ý hơn cả. Người này là bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung, bị khởi tố về tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại tòa chiều nay, báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung khai gia đình bị cáo là thông gia với gia đình bị cáo Quyết. Bà Dung trình bày bản thân làm thợ may tại nhà, không phải cổ đông, không góp vốn, không cho Công ty Faros vay tiền. Tuy nhiên, do được nhờ, nên bà Dung đã ký các hợp đồng theo lời đề nghị của bị cáo Trịnh Thị Minh Huế và không được hưởng lợi gì.

"HĐXX: Việc cho mượn giấy tờ để mở tài khoản chứng khoán, bị cáo có thấy sai phạm gì không?

- Bị cáo do tin tưởng nên đã cho mượn để mở các tài khoản chứng khoán. Bị cáo không sử dụng các tài khoản này, không được hưởng lợi gì.

HĐXX: Ai đề nghị bị cáo ký hợp đồng này?

- Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế đề nghị.

HĐXX: Bị cáo có được hưởng lợi gì không?

- Bị cáo không được hưởng lợi gì" - báo Dân Trí trích dẫn cuộc xét hỏi trước hòa của bà Nguyễn Thị Hồng Dung.

Theo cáo trạng, mặc dù không trực tiếp nhận khoản vay từ Công ty Faros, bà Nguyễn Thị Hồng Dung đã ký một hợp đồng nhận uỷ thác đầu tư và Giấy nhận tiền vay từ Công ty Faros lên tới 360 tỷ đồng theo yêu cầu của Trịnh Thị Minh Huế, nhằm hợp thức hoá việc tăng vốn góp khống từ 1,5 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng.

Hành vi này đã giúp Huế nâng khống vốn chủ sở hữu, làm cơ sở để cổ phiếu ROS được niêm yết trên thị trường chứng khoán, qua đó Trịnh Văn Quyết có thể bán cổ phiếu và chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Bất ngờ lời khai của nữ thợ may 'biến hình' thành chủ doanh nghiệp trong vụ án Trịnh Văn Quyết- Ảnh 2.

Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột ông Quyết). Ảnh: TPO

Bên cạnh đó, bà Dung cũng đã cho Huế mượn giấy tờ tùy thân và ký giấy tờ để lập nên Công ty TNHH Khu Công nghiệp Toàn Cầu, giúp Huế mở 13 tài khoản chứng khoán và mở thêm 12 tài khoản chứng khoán dưới tên cá nhân của mình.

Huế đã sử dụng 12 trong số 25 tài khoản đó để thao túng thị trường trong 263 phiên giao dịch của 4 mã chứng khoán: HAI, GAB, ART, FLC, bằng cách đặt lệnh mua với tổng giá trị hơn 788 tỷ đồng và hủy bỏ 375 lần, đặt lệnh bán với giá trị gần 827 tỷ đồng và ký 102 chứng từ giao dịch tài chính, tổng cộng 1.241 tỷ đồng, giúp Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính 684 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Nguyễn Thị Hồng Dung thừa nhận hành vi phạm tội của mình và khai rằng chỉ nhận lương 5 triệu đồng mỗi tháng. Bị cáo đã tự nguyện nộp 70 triệu đồng để khắc phục một phần hậu quả.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại