Từ thứ đang săn diệt tăng NATO
Từ đầu năm 2023, truyền thông Phương Tây bắt đầu nhắc đến UAV (Máy bay không người lái) cảm tử dòng "Lancet" của Nga ngày một nhiều, đồng thời mô tả nó là một loại vũ khí khủng khiếp và nguy hiểm có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho đối phương ở Ukraine.
Được coi là "cánh tay nối dài" của lực lượng Nga, "Lancet" chuyên tấn công và vô hiệu hóa các vũ khí, khí tài hiện đại của Ukraine.
Nó cũng được coi là "bậc thầy" về tấn công chiến thuật chiều sâu, với các mục tiêu ưu tiên là pháo tự hành, pháo kéo, hệ thống phòng không, radar... những thứ Kiev vốn rất khan hiếm.
Việc đối phó với "Lancet" không phải việc dễ dàng do UAV có khả năng bay thấp để tránh radar, tính cơ động cao, hiển thị nhiệt thấp và đường bay khó xác định, vì thế các hệ thống phòng không rất khó phát hiện hoặc đánh chặn.
Theo các chuyên gia quân sự Phương Tây cũng như chính lực lượng Ukraine, có 2 biện pháp đối phó với "Lancet". Đầu tiên là sử dụng khí tài EW (tác chiến điện tử) và tiếp theo là các loại lồng, lưới. Tuy nhiên phía Nga hiện đã có nhiều phương án khắc chế cả hai biện pháp này.
Tuy nhiên phần tiếp theo của bài viết tập trung vào một chủ đề khác, đó chính là thiết kế của những thứ đang tích cực săn diệt vũ khí, khí tài NATO có thể đã xuất hiện từ rất lâu trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine (SMO).
Đến "1944"
Các đổi mới công nghệ quốc phòng của Liên Xô trước và trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (cách người Nga gọi Thế chiến 2) được định vị bởi nguyên tắc chính đó là "đơn giản hơn, rẻ tiền hơn".
Theo nguyên tắc này, các dự án chế tạo bom liệng đã được tiến hành từ những năm trước khi cuộc chiến bùng nổ.
Kết quả là họ đã chế tạo ra 2 trái bom KAB-436 (1938) và KAB-5103 (1939) với loại đầu tiên là bom chống hạm hạng nhẹ còn loại sau là hạng nặng (với mục tiêu là tuần dương và thiết giáp hạm).
Được phát triển nhằm xuyên thủng lớp giáp dày của tàu chiến, phần đầu đạn của bom nhiều khả năng là đạn lõm và có thể vì lý do này nên hệ thống dẫn đường được đặt ở phần đuôi bom.
Lẽ dĩ nhiên chúng không giống những hệ thống trong bộ kit UMPC trên trái bom liệng FAB ngày nay mà chỉ được trang bị một hệ thống dẫn đường đơn giản bằng quang học, giúp phân biệt giữa mặt biển và mục tiêu.
Cả 2 trái bom này là gần như vô dụng khi trời tối hoặc thời tiết xấu, đi cùng với nó là hạn chế về tầm bắn và độ chính xác.
Thế chiến 2 bùng nổ, trong điều kiện chiến tranh tổng lực, thiếu nhân lực và tài nguyên cũng như hoàn toàn không có linh kiện nhập khẩu nhưng vào năm 1942, người Liên Xô đã đề xuất một ý tưởng mới với thiết kế được gọi là SB-1.
Điều đáng chú ý nhất của SB-1 là hình dáng bên ngoài của bom giống y đúc "Lancet" ngày nay.
Theo các tài liệu thời Liên Xô, loại bom này có thiết kế khí động học đối xứng nhằm đảm bảo hệ thống dẫn đường tự động gần như không thể bị chế áp. Kết quả là các cặp cánh được sắp xếp thành hình chữ X đã ra đời.
SB-1 ra đời với chiều dài 3,24 mét, đường kính thân 0,34 mét, sải cánh gần 2 mét và tổng trọng lượng là 320 kg (Để so sánh thì Lancet-3 dài 1,2 mét, sải cánh 1,6 mét và trọng lượng 5,5 kg).
Biến thể nâng cấp SB-1M có thể vô hiệu hóa thiết giáp hạm ở khoảng cách từ 6,5 đến 12 km và số liệu này trước mục tiêu là tuần dương hạm là từ 4 đến 8 km.
Bom SB-1M.
Máy bay ném bom tiền tuyến (cường kích) Tu-2 của Liên Xô khi đó chỉ có khả năng mang theo 1 trái bom nên trong một trận đánh cần toàn bộ phi đội cấp trung đoàn không quân để đánh chìm một chiến hạm.
Những nguyên mẫu đầu tiên của bom xuất hiện vào năm 1944, việc thử nghiệm kết thúc vào năm 1946 và điều đó có nghĩa là SB-1/SB-1M đã lỡ cả một cuộc thế chiến.
Nhưng với những gì "Lancet" đang làm được ngày nay, có vẻ những nỗ lực hơn 80 năm trước của người Liên Xô đã không trở nên vô ích.
Hoài Giang