Ở thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc có một người con bất hiếu tên là Thạch. Gia đình anh ta chẳng lấy gì làm khá giả, bản thân anh ta không có trình độ học vấn, lại dày ăn mỏng làm, lấy được cô vợ cũng ngang ngược, không biết điều.
Thạch có một người mẹ già mù lòa. Bà họ Lưu nên người trong thôn đều gọi bà là bà Lưu. Kể từ sau khi chồng mất, vì mù lòa nên bà chẳng thể làm gì, lại cần có người chăm sóc.
Người con dâu rất khó chịu về việc này. Một hôm, cô ta buông lời tàn nhẫn, nói bà chỉ biết ăn bám, tốn tiền của trong nhà. Bà Lưu giận lắm, quyết định bỏ nhà ra đi.
Tối đến, Thạch ra ngoài trở về, thấy mẹ thu dọn đồ thì vội giữ bà lại và nói vợ một hồi: "Tại sao lại để mẹ đi, mẹ là cây tiền của chúng ta đó."
Cô con dâu hứ một tiếng, đúng lúc định mắng chồng, nghe đến hai từ cây tiền thì im bặt, lập tức hỏi lại chồng nói thế là có ý gì. Thạch cố làm ra vẻ bí mật, nói: "Đến mai cô sẽ biết".
Thì ra lúc trên thành phố, ngồi trong quán rượu, anh ta nhìn thấy một người ăn xin kiếm được khối tiền nhờ có người bố thí. Anh ta có tay có chân mà mỗi ngày còn kiếm ra nhiều tiền thế, mẹ mình, một bà già mù lòa, tuổi lại cao, người ta nhìn thấy sẽ thương tình mà nhất định sẽ bố thí nhiều tiền.
Phát hiện này khiến Thạch mừng như bắt được vàng. Anh ta tự cho rằng mình thật thông minh, nhà anh ta sắp giàu to.
Kế hoạch này, Thạch đem trình bày với người mẹ già mù lòa, đồng thời còn bỏ cả buổi tối ra dạy bà cách làm để xin được nhiều.
Bà Lưu vốn không muốn đi nhưng rồi lại bị những lời ngon ngọt của con trai làm cho mềm lòng. Cuối cùng, bà đồng ý, vì bà nghĩ mình tuổi đã cao, cũng không muốn hằng ngày phải va chạm với con dâu. Đây xem ra cũng là một cơ hội cho bà.
Ngày hôm sau, trời vừa sáng, Thạch đã dắt mẹ già mù lòa lên thành phố. Anh ta chọn một gốc cây lớn ngay cạnh một đầu cầu đông người qua lại, bảo mẹ ngồi ở đó rồi đưa cho bà một cái gậy, một cái bát vỡ và nói:
"Mẹ, công cụ cần thiết con đã đặt cả trong tay mẹ rồi, mẹ cứ làm ra vẻ đáng thương một chút, càng đáng thương càng tốt, người ta nhìn thấy mới cho mẹ tiền.
Nếu có ai hỏi mẹ vì sao phải đi ăn xin, mẹ cứ nói là mình mắc bệnh nặng, không có tiền chữa trị sẽ chết. Con cái trong nhà thấy mẹ bệnh nặng đều bỏ mặc, không biết giờ chúng sống chết ra sao. Tối con sẽ lại đến đón mẹ về nhà."
Bà Lưu nghe con trai nói vậy liền đáp: "Con trai, con yên tâm, mẹ biết rồi."
Ảnh minh họa.
Thạch rút từ trong túi ra một cái bánh bao, đặt vào tay mẹ, nói rằng đó là đồ ăn cả ngày, mẹ phải ăn tiết kiệm. Bố trí xong xuôi, anh ta nhanh chóng vào quán trà đánh bài.
Đến tối, anh ta mới ra khỏi quán rượu trong trạng thái say túy lúy. Thấy mẹ vẫn đang ở chân cầu ăn xin nhưng bà không ngồi mà nằm, giống như đang nằm ngủ.
Thạch vội lại gần, lay mẹ, hỏi mẹ làm sao. Bà Lưu biết con đến đón, vội giải thích: "Mẹ già rồi, không kiếm được bao nhiêu lại còn nằm ngủ".
Nói xong, bà vội nhét toàn bộ số tiền xin được trong ngày vào tay con trai. Thạch đếm, không nhiều lắm nhưng dù sao đó cũng là một sự khởi đầu thuận lợi với anh ta.
Những ngày sau đó, ngày nào Thạch cũng đưa mẹ lên thành phố ăn xin, tiền kiếm được ngày một nhiều, đủ để chi tiêu cho cả gia đình, thậm chí còn đủ cả cho anh ta vào quán trà, quán rượu ăn chơi.
Bà Lưu mất tích
Một buổi tối, chừng 1 tháng sau ngày bà Lưu đi ăn xin, Thạch đến chân cầu đón mẹ về nhà như thường lệ nhưng anh ta tìm khắp một lượt quanh đó không thấy mẹ đâu.
"Mẹ đi đâu được nhỉ, chẳng phải đã dặn là ở đây đợi mình sao?" – anh ta lẩm bẩm trong miệng rồi cấp tốc đi tìm. Thế nhưng tìm đã nhiều nơi mà vẫn không thấy bóng dáng mẹ đâu.
Cuối cùng, anh ta đốt đuốc lên định đi tìm tiếp thì phát hiện tại chỗ mẹ ngồi có dòng chữ: Muốn tìm bà cụ, hãy đến Chúc Gia Thôn ở ngoại thành.
Chúc Gia Thôn? Ai mà to gan vậy, dám đưa mẹ mình đến đó? Cho đến khi nhớ ra chủ nhân của Chúc Gia Thôn là Chúc viên ngoại giàu có nổi tiếng, Thạch mới giật mình.
Nhưng tại sao ông ta lại đưa mẹ mình đến đó? Lẽ nào ông ta sẽ cho mẹ tiền? Nhưng cho tiền thì đâu cần phải đưa người đi như vậy?
Nghĩ đến tiền, mắt anh ta sáng lên, bất chấp đường đến đó có xa đến mấy, anh ta vẫn quyết định sẽ đến đó làm cho rõ mọi chuyện.
Đến Chúc Gia Thôn, Chúc viên ngoại ra tận bên ngoài đón Thạch và nói rằng chính ông ta đã đón bà Lưu về nhà mình, hiện tại bà đang được người giúp việc trong nhà chăm sóc tử tế.
Thạch nghe vậy liền hỏi Chúc viên ngoại vì sao làm vậy, người này cười nói: "Trong nhà có người lớn tuổi giống như có báu vật trong nhà. Mẹ cậu trên người có bảo bối đó, lẽ nào cậu không biết?"
Thạch lắc đầu, nói không biết. Chúc viên ngoại lại nói:
"Hôm nay lúc đi qua cầu, tôi thấy mẹ cậu rất giống mẹ tôi nên bất chợt, tôi nhớ đến người mẹ quá cố của tôi. Thêm nữa, mẹ cậu có bán ngọc Lam Điền, đó là loại ngọc quý, một mẩu nhỏ cũng đã hơn trăm lượng.
Tôi không mang đủ tiền nên đã đưa bà ấy về nhà. Tôi muốn nhận bà ấy làm mẹ nên mới bảo cậu đến đây thương lượng, chắc cậu không có ý kiến gì chứ?"
Thạch tỏ ra kinh ngạc, đề nghị Chúc viên ngoại đợi một chút, giọng không tin tưởng cho lắm: "Làm sao có thể thế được. Mẹ tôi làm sao có thể làm mẹ ông được. Mẹ tôi không thể có ngọc Lam Điền. Nhà tôi nghèo khó suốt mấy đời nay, nếu có ngọc quý, chúng tôi đã sớm phát tài rồi, cần gì phải đi ăn mày nữa?"
Chúc viên ngoại giải thích: "Trước khi qua đời bố cậu làm nghề mài dũa ngọc Lam Điền, lẽ nào cậu không biết ông ấy có của riêng?"
Thạch biết bố mình trước đây từng làm thợ đá nhưng anh chưa từng nghe nói bố làm nghề mài dũa ngọc Lam Điền. Lẽ nào bố đã từng đến huyện Lam Điền thật? Thậm chí còn bí mật cất giữ một ít làm của riêng? Nếu như vậy thì đúng là số ngọc đó mẹ đang giữ rồi.
Bây giờ bà Lưu mới bỏ ngọc Lam Điền ra, Chúc viên ngoại lại muốn nhận mà làm mẹ, hai việc này đã khiến Thạch không thể không sinh nghi. Lẽ nào Chúc viên ngoại biết mẹ vẫn còn ngọc? Lẽ nào mẹ đã nói với ông ta như vậy?
Nghĩ đến đây, Thạch lo lắng ra mặt, biết đâu Chúc viên ngoại muốn cuỗm hết sốt ngọc mà mẹ anh ta đang giữ, phen này anh ta phải vạch trần âm mưu của Chúc viên ngoại.
"Vậy không được, mẹ tôi không phải mẹ ông, ông không thể nhận. Cho dù nhà tôi thực sự có ngọc Lam Điền đi chăng nữa thì ngọc đó cũng là của nhà tôi, không phải của ông. Nếu ông muốn, ông có thể bỏ tiền ra mua. Bây giờ tôi phải đưa mẹ tôi về." – Thạch quả quyết.
Chúc viên ngoại nói thế nào cũng không làm Thạch thay đổi quyết định, quyết gọi mẹ ra bằng được. Lúc đó, bà cụ mới lấy ra một viên ngọc Lam Điền, quả thực rất sáng, rất đẹp. Thạch nhìn không chớp mắt, quả nhiên nhà mình có bảo bối mà sao mẹ chưa từng nói với mình một câu.
Cuối cùng, Chúc viên ngoại đã bỏ ra 100 lượng bạc để mua viên ngọc đó, sau đó đồng ý để Thạch đưa mẹ anh ta về.
Lúc bà Lưu chuẩn bị đi, Chúc viên ngoại nói với bà: "Mẹ, dù mẹ có đi đâu thì mẹ vẫn là mẹ của con. Đã nhận mẹ là mẹ, con sẽ luôn là con của mẹ.
Từ giờ có khó khăn gì, mẹ cứ đến tìm con. Nếu trong nhà mẹ vẫn còn ngọc Lam Điền, mẹ cứ bán lại cho con, con sẽ trả mẹ giá cao, có bao nhiêu con sẽ mua bấy nhiêu, con sẽ không để mẹ chịu thiệt."
Bà Lưu gật đầu, rơm rớm nước mắt: "Chúc viên ngoại quả thực là một người tốt, tôi sẽ bán hết số ngọc tôi có cho cậu, cảm ơn cậu đã giúp tôi!"
Hồi kết
Đưa mẹ về nhà, Thạch nói với vợ chuyện mẹ có ngọc quý. Cả hai hí hửng lắm, nghĩ mình sắp giàu to. Kể từ đó, cả hai đối xử với mẹ vô cùng tử tế, không bắt mẹ làm bất cứ việc gì, ngày nào cũng cười nói hân hoan, giống như cung phụng đức phật vậy.
Tất nhiên, không ít lần Thạch dò hỏi mẹ về số ngọc quý nhưng bà Lưu nhất định không nói. Con dâu sợ mẹ chồng giận nên bảo chồng: "Đừng vội, chúng ta đều là người nhà, sớm muộn gì mẹ cũng sẽ lấy ra cho chúng ta thôi, không phải vội."
Cho đến ngày qua đời, bà Lưu vẫn không lấy ngọc ra cho con trai và con dâu. Tuy nhiên bà đã có những ngày cuối đời được chăm sóc tử tế, được vui vẻ hạnh phúc.
Sau khi bà Lưu chết, vợ chồng Thạch đã lục tung cả nhà lên tìm nhưng chẳng thấy ngọc Lam Điền đâu. Đến lúc này, cả hai mới vỡ lẽ rằng họ đã mắc lừa Chúc viên ngoại. Họ quyết tìm đến nhà ông này nói cho ra nhẽ.
Thấy vợ chồng Thạch, Chúc viên ngoại cười lớn, nói: "Đúng thế, mẹ hai người làm gì có ngọc. Đó là vở kịch do tôi tạo ra đó. Tôi thương mẹ các người, mục đích của tôi là để các người phải hiếu thảo với mẹ của mình."
Lúc này, Thạch tỏ ra hối hận lắm, nhưng anh ta vẫn còn một việc không hiểu: "Thế nhưng viên ngọc mẹ tôi bán cho ông thì sao?"
Chúc viên ngoại đáp: "Viên ngọc đó là của tôi đấy."
http://www.ntdtv.com/xtr/gb/2017/10/01/a1344574.html