Bất mãn gia tăng trong quân đội Israel

Bình Giang |

Đứng trước mũi chiếc xe tăng ở rìa Dải Gaza, một vị tướng Israel dừng bài phát biểu của ông về cuộc chiến chống Hamas để trách các nhà lãnh đạo chính trị của Israel ngay trên sóng truyền hình.

Bất mãn gia tăng trong quân đội Israel- Ảnh 1.

Lính Israel đứng trên xe tăng ở miền nam Israel ngày 1/1/2024. (Ảnh: Reuters)

Chuẩn tướng Dan Goldfus kêu gọi các chính trị gia "ở mọi phía" từ bỏ chủ nghĩa cực đoan và đoàn kết, tránh quay lại hiện trạng trước khi xung đột bùng nổ ngày 7/10/2023, thời điểm mà sự chia rẽ chính trị và biểu tình dai dẳng nhiều tháng đã khiến Israel bị phân cực sâu sắc.

“Các ngài phải xứng đáng với chúng tôi. Các ngài phải xứng đáng với những người lính đã thiệt mạng”, Goldfus nói trong cuộc họp báo ngày 13/3 được phát sóng trên các kênh truyền hình chính của Israel .

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết ông Goldfus bị Tham mưu trưởng, Trung tướng Herzi Halevi, khiển trách 2 ngày sau đó. Nhưng phát biểu của ông khiến một số người Israel từ mặt trận trở về cảm thấy hài lòng.

Barak Reicher, 42 tuổi, vừa mãn hạn 5 tháng làm lính dự bị, nhận xét: “Ông ấy lên tiếng thay cho nhiều người cảm thấy họ đang hy sinh mạng sống và thời gian của mình trong lúc các chính trị gia bận rộn với những công việc chính trị nhỏ mọn”.

Reuters cho biết đã phỏng vấn 13 lính dự bị và nghĩa vụ tại các căn cứ quân sự, tại quốc hội, tại nhà riêng và các cuộc biểu tình. Họ đều nói về tinh thần cao của các đồng đội trên chiến trường, nhưng cũng bày tỏ thất vọng với giới lãnh đạo chính trị của Israel.

Một số người thể hiện sự tức giận trước việc chính phủ không giải quyết được những vấn đề then chốt như cải cách chế độ nghĩa vụ quân sự và khó khăn kinh tế mà những người lính dự bị phải đối mặt khi trở về.

IDF không bình luận về những ý kiến này.

Sau cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas, khiến 1.200 người thiệt mạng và hơn 250 người bị bắt làm con tin, Israel bị sốc nặng. Thủ tướng Netanyahu thành lập chính phủ khẩn cấp bằng cách lập ra một đảng trung dung do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz lãnh đạo.

Diễn biến này kết thúc giai đoạn bất ổn chính trị với hàng loạt cuộc biểu tình rầm rộ vào năm ngoái phản đối kế hoạch cải cách tư pháp không được lòng dân mà chính phủ cánh hữu quyết thực hiện.

Nhưng kể từ đó, chia rẽ lại xuất hiện, khi các bộ trưởng nội các chỉ trích lẫn nhau về sự cố an ninh ngày 7/10, ngụy biện về tài chính và tranh giành ghế trong nội các chiến tranh.

Trọng tâm căng thẳng là thời hạn 31/3 được Tòa án Tối cao đặt ra để chính phủ liên minh của ông Netanyahu soạn luật nghĩa vụ quân sự mới, điều có thể trở thành mối đe dọa cho sự tồn tại của chính phủ hiện nay.

Chính quyền của ông Netanyahu dựa vào sự hỗ trợ của các đảng chính thống giáo cực đoan. Những đảng đó tuyên bố sẽ bảo vệ quyền miễn trừ cho cộng đồng của họ về nghĩa vụ quân sự.

Ông Gantz dọa rời khỏi chính phủ nếu yêu cầu của ông về một luật công bằng hơn không được đáp ứng. Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đứng về phía ông Gantz, tuyên bố sẽ không ủng hộ dự luật không được tất cả mọi người trong nội các chấp nhận.

Miễn trừ nghĩa vụ là vấn đề khiến nhiều người Israel phẫn nộ, vì người bình thường phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong 2-3 năm khi đủ 18 tuổi.

Nhiều người theo chính thống giáo cực đoan có quyền bất khả xâm phạm trong việc nghiên cứu tôn giáo toàn thời gian. Họ không thuộc lực lượng lao động phải nộp thuế mà chủ yếu dựa vào phúc lợi của nhà nước. Trong khi đó, những người Israel từng phục vụ trong quân đội có thể bị gọi vào đơn vị dự bị cho đến 40 tuổi, thậm chí lớn hơn, bỏ lại công việc và gia đình.

Nhiều người dự bị đã tham gia cuộc biểu tình năm 2023 để phản đối kế hoạch cải cách tư pháp mà họ cho rằng sẽ làm tê liệt Tòa án Tối cao. Một số người tuyên bố sẽ không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

Trong tháng này, Brothers in Arms, một nhóm dự bị nổi bật nhất trong đợt biểu tình đó, tuyên bố sẽ trở lại đường phố để phản đối luật nghĩa vụ.

Theo Reuters

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại