Bất lực với hàng nhái giá “cắt cổ” ở chợ Bến Thành?

Tú Uyên |

Việc kinh doanh hàng giả tại chợ Bến Thành gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Nằm ở khu vực trung tâm, từ lâu chợ Bến Thành đã trở thành biểu tượng của TP.HCM. Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, ngôi chợ này còn là địa điểm tham quan không thể thiếu với đông đảo khách du lịch quốc tế khi đến TP.HCM.

Thế nhưng điều đáng buồn là mỗi khi lực lượng chức năng kiểm tra đều phát hiện ngôi chợ nổi tiếng này bán tràn lan hàng giả, hàng nhái.

Giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng

Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã đồng loạt ra quân kiểm tra 20 cửa hàng kinh doanh đồng hồ, mắt kính, túi xách… tại chợ Bến Thành. Qua đó đều phát hiện những cửa hàng này bán hàng giả, không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ.

QLTT TP.HCM thu giữ gần 3.200 sản phẩm, trong đó có 1.380 sản phẩm hàng giả và 1.914 sản phẩm hàng lậu. Toàn bộ những sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam như Omega, Chanel, Rolex, Rado, Gucci, CK…

Một số người bán khai mua đồng hồ, mắt kính, túi xách… có nguồn gốc Trung Quốc tại các đầu mối ở TP.HCM. Giá mua sỉ những mặt hàng này chỉ vài chục ngàn đồng mỗi sản phẩm nhưng giá bán lẻ đến tay người mua dao động từ 100.000 đến 1,5 triệu đồng/sản phẩm.

Điều đáng nói là sau khi lực lượng QLTT TP.HCM ra quân kiểm tra, ghi nhận thực tế tại chợ này chúng tôi nhận thấy một số cửa hàng vẫn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc đội lốt các nhãn hiệu hàng đầu thế giới như Dior, Gucci, Chanel, Lacos. Tuy là hàng trôi nổi, không có nguồn gốc, chứng từ nhưng giá cao ngất ngưởng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá hàng nhái, hàng giả cũng rất đa dạng. Ví dụ túi xách LV chính hãng có loại 20 triệu đồng nhưng hàng nhái bán sỉ 4-8 triệu đồng, sau đó bán đến tay khách hàng khoảng 8-10 triệu đồng.

Một tiểu thương bán bóp da, túi xách chào mời: “Chiếc thắt lưng thương hiệu Chanel giá 1,2 triệu đồng. Đây là hàng xịn làm hoàn toàn bằng da bò thứ thiệt”. Thấy mắc chúng tôi bỏ đi thì chủ quầy gọi lại ra giá chỉ... 400.000 đồng. Điều đáng nói dù nhiều người bán cam kết bảo hành sản phẩm nhưng khi chúng tôi hỏi hóa đơn thì nhận được câu trả lời “không có” hoặc “cứ mua sẽ gửi hóa đơn sau”.

“Chi phí mặt bằng, thuế cao, rồi tiền điện, nước… nên khi lấy hàng về phải bán giá cao. Nếu lời vài chục ngàn đồng không đủ trang trải các chi phí” - người bán giải thích.

Ông Phạm Hải Phong, đại diện nhà phân phối độc quyền đồng hồ Thụy Sĩ như Tissot, Saint Honoré, Calvin Klein, Mido…, nói:

“Khi cơ quan chức năng phát hiện bán hàng giả, hàng nhái không có giấy tờ hợp lệ thì hàng hóa bị tịch thu, xử phạt hành chính. Sau đó người bán lại nhập về bán tiếp.

Lý do là mức phạt không là gì so với lợi nhuận thu được từ việckinh doanh hàng giả”.

Đã xử phạt, cam kết nhưng vẫn tái phạm

Chi cục QLTT TP.HCM cho biết năm 2017 tiểu thương chợ Bến Thành và nhiều chợ khác đã ký cam kết thỏa thuận không tàng trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với Chi cục QLTT TP.HCM.

Thế nhưng cứ mỗi lần lực lượng chức năng kiểm tra đều phát hiện hàng loạt hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc. Nguyên nhân vì lợi nhuận của kinh doanh hàng lậu, hàng giả lớn nên tiểu thương bất chấp.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục QLTT TP.HCM, cho biết: “Toàn bộ số hàng giả phát hiện tại chợ Bến Thành đều bị tịch thu, tiêu hủy.

Các chủ cửa hàng vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo mức quy định. Cửa hàng nào tái phạm nhiều lần sẽ bị xử phạt theo tình tiết tăng nặng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bách thừa nhận mức chế tài hiện nay còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe nên dù bị kiểm tra, xử phạt nhiều lần nhưng các cửa hàng vẫn tái phạm. “Mọi người phải nói không với hàng giả, vì có người mua thì họ sẽ còn bán.

Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của ban quản lý chợ, các cơ quan địa phương; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh thực hiện đúng. Hàng bán phải có hóa đơn, chứng từ, chính hãng, chất lượng; không được kinh doanh hàng nhái, hàng giả” - ông Bách nhấn mạnh.

Ông Trần Hùng, Cục phó Cục QLTT thuộc Bộ Công Thương, cũng nhìn nhận chợ Bến Thành có quy mô lớn, lâu đời, thu hút rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến mua sắm. Tuy nhiên, rất nhiều hàng hóa bày bán tại đây là hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới.

“Hàng giả bày bán ở chợ trong nhiều năm qua là không thể chấp nhận được. Cần phải kiểm tra, kiểm soát triệt để cũng như quy trách nhiệm rõ ràng. Không thể để tình trạng cơ quan chức năng kiểm tra xong đâu lại vào đấy, hàng giả vẫn tiếp tục bày bán” - ông Hùng nói.

Cục phó Cục QLTT Trần Hùng cũng nhận định việc kinh doanh hàng giả, hàng lậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, môi trường đầu tư, doanh nghiệp cũng như khách du lịch quốc tế vì đây là điểm trung tâm tham quan, mua sắm của khách du lịch.

“Cần tăng cường kiểm tra liên tục và xử lý nghiêm, tránh tình trạng bắt cóc bỏ đĩa. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị cần phân công trách nhiệm rõ ràng của từng đơn vị” - ông Hùng nhấn mạnh.

Đừng để mang tiếng là chợ hàng giả

Chị Nguyễn Thị Lệ, du khách đến từ Lâm Đồng, kể trong một lần đi du lịch có ghé chợ Bến Thành mua đôi dép hiệu Levis giá 1 triệu đồng.

Người bán quảng cáo là hàng xịn nhưng dùng được nửa tháng thì đứt quai te tua, đế dép bị bung. Mang đi sửa thì thợ bảo “đây là hàng Trung Quốc làm thủ công chứ không phải chính hãng”.

photo-1

Kiểm tra, thu giữ hàng giả ở chợ Bến Thành. Ảnh: Tú Uyên.

“Mong muốn của khách du lịch, nhất là người ngoài là được mua những sản phẩm thật. Nếu cứ kinh doanh kiểu như hiện nay thì không biết đến bao giờ khách hàng mới hết chịu cảnh “chặt chém” và mua phải hàng dỏm ở chợ Bến Thành.

Hơn nữa, nếu cơ quan chức năng không làm mạnh tay thì có thể chợ sẽ mang thương hiệu mới là… chợ hàng giả” - chị Lệ nói.

Thường xuyên phải cảnh báo du khách

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty Du lịch Fiditour, nhận xét: Tại nhiều chợ, trong đó có chợ Bến Thành bán hàng giả, hàng Trung Quốc nhưng gắn mác “made in Vietnam” rất nhiều.

Mỗi khi đưa khách đến tham quan chợ Bến Thành, hướng dẫn viên thường xuyên phải lưu ý du khách vấn đề trên để không bị “tiền mất tật mang”. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý du khách cũng như việc quảng bá hình ảnh du lịch TP.HCM.

Do đó các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại chợ Bến Thành nói riêng và các chợ nói chung. Qua đó góp phần để TP.HCM là điểm đến thực sự an toàn, thân thiện, hấp dẫn du khách.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại