Một đối tượng đã bị HIV giai đoạn cuối lở loét khắp người, vợ đang thi hành án 3 năm tù về tội mua bán ma túy tại trại tạm giam Hà Nội, con trai lớn 15 tuổi thì đang giáo dục bắt buộc tại Trường Giáo dưỡng số 2 của Bộ Công an (trường để giáo dục đối tượng dưới 16 tuổi phạm tội). Chỉ còn thằng bé 12 tuổi không đi học đang sống cùng Thái tại đây.
Tác giả (bên trái) gặp gỡ đối tượng Thái tại Trại giam Tân Kỳ (Nghệ An).
Bắt hay không bắt Thái là câu hỏi thường trực trong đầu Trưởng Công an phường Ô Cầu Dền khi đó, cũng dễ hiểu bởi với anh em Công an cơ sở thì mọi loại đối tượng hung hăng nhất vẫn là người “lễ phép, biết điều, đi chào về hỏi”. Thế nhưng với lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy thì khác - mỗi ngày Thái đang cung cấp ma túy cho hàng trăm con nghiện, trong này có bao nhiêu đối tượng hình sự? Liệu sẽ có bao nhiêu kẻ “túng làm liều” sẵn sàng gây án, thậm chí là giết người khi lên cơn nghiện mà không có thuốc? Điều nguy hiểm nữa là ngôi nhà của Thái nằm ngay sau một trường Trung học cơ sở, liệu có đứa học trò nào đã mua heroin từ Thái để sử dụng?
Để giải đáp câu hỏi này và cũng để quyết định phương án bắt hay không bắt, phóng viên đã thu thập chứng cứ. Hai chiếc máy quay VHS M3000 chẳng phải nhỏ để giấu kín khi tác nghiệp, một quay phim đành phải leo lên một ngôi nhà xây dở với đầy… phân và kim tiêm để đặt máy, hướng quan sát còn lại không cách nào khác phải công khai mục đích với thày hiệu trưởng để được leo lên nóc trường (tất nhiên không thể nói chuyện nghi ngờ học sinh của trường cũng mua heroin sử dụng).
Cái khó là việc đặt máy sao cho bí mật thôi chứ ghi hình ảnh thật dễ dàng: Từ 2 hướng quan sát, Thái ngồi sau cánh cửa sắt khóa chặt bằng dây xích to tướng và thò tay ra bán. Lần lượt đều đặn và rất quen thuộc, người mua có thể đi xe máy, xe đạp hay đi bộ tạt vào với động tác đưa tiền rồi nhận tép heroin trong vòng 5 giây.
Chỉ trong vòng hơn một tiếng mật phục ghi hình, đã có vài chục con nghiện đến mua, điều chúng tôi lo sợ nhất rồi cũng đến: Đã có 2 học sinh của Trường THCS Đinh Tiên Hoàng trèo tường tiến đến cổng nhà Thái, cũng “thò tay vào và rút tay ra với 1 gói nhỏ heroin” rồi ngồi ngay bên mương nước sau trường đốt và hít khói.
Chừng ấy là đủ để thống nhất quyết định: Bắt!
Có 3 chiến sĩ Cảnh sát hình sự từ hai phía lao đến, bằng chiếc kìm cộng lực to tướng, các anh nhanh chóng cắt đứt sợi dây xích và ập vào. Thái cũng rất nhanh chạy lên gác ném cả hộp đựng các tép heroin sang vườn nhà hàng xóm để “quyết chiến” với Cảnh sát.
Một đối tượng nhiễm HIV giai đoạn cuối mà to béo và “khỏe như trâu”, hắn vùng vẫy quật lên quật xuống làm cả lính hình sự lẫn Công an phường cùng với hắn lăn lóc xuống cầu thang. Lúc chưa thu được tang vật thì Thái vẫn gào thét rằng bắt oan hắn rồi đe dọa: “Đằng nào cũng sắp chết vì HIV sẽ cho chúng mày dính hết” – trông hắn lở loét khắp người cũng kinh, nhỡ chẳng may… Vì thế cả 5 chiến sỹ cũng vừa đè vừa tránh hồi lâu mới khống chế được Thái.
Đưa được Thái ra khỏi nhà, tôi mới để ý thấy thằng Cường, con trai 12 tuổi của Thái từ trên gác xép đi xuống, khuôn mặt bầu bĩnh ngơ ngác của nó thật tội nghiệp. Tôi cho nó ít tiền để ăn tối và cùng Cảnh sát khu vực đợi để “bàn giao” cho chị hàng xóm chăm sóc nó giai đoạn này, mới yên tâm về số 7 Thiền Quang tiếp tục công việc.
Sau hồi vật lộn “ăn thua” với Cảnh sát không xong, Thái trở nên ngoan ngoãn và ký vào biên bản thu giữ 73 gói heroin mà y ném sang vườn hàng xóm định tẩu tán. Lúc ngồi riêng với tôi, Thái bắt đầu lo lắng khi nghĩ đến thằng con trai 12 tuổi phải sống một mình ở nhà: “Tôi thì chắc không có ngày về, mẹ nó phải 3 năm nữa mới hết án, thằng anh nó cũng hơn 2 năm… Thằng Cường nó không bình thường về thần kinh, không biết có sống nổi không”. Quả thực nước mắt đàn ông, kể cả chảy trên gương mặt kẻ phạm tội cũng thật đáng thương!
Để đưa hình ảnh vụ bắt giữ Thái cùng mấy đứa học sinh THCS sử dụng heroin này lên sóng nhằm tạo sức hấp dẫn cho chương trình như phóng viên vẫn làm thì “hiệu quả giáo dục” sẽ ngược lại, còn để “răn đe tội phạm” cũng chẳng được bao nhiêu. Vì thế tôi quyết định thay đổi cách phản ánh và cũng là để giữ đúng lời hứa với Thái. Đầu tiên chúng tôi đến Trường Giáo dưỡng số 2 tại Ninh Bình để gặp thằng Sơn, con trai đầu 15 tuổi của Thái. Trong câu chuyện, Sơn chỉ hỏi đúng một câu về bố “Lại bị bắt rồi à?”, còn nó hỏi nhiều và tỏ ra lo lắng cho thằng em – “Không biết sẽ sống một mình ở nhà như thế nào, ai cho ăn, ngủ với ai”…
Tôi phải nói rõ là hiện giờ bác hàng xóm sẽ sang nấu ăn và trông nom thằng Cường, còn anh Cảnh sát khu vực cùng tên Cường đang tìm cơ sở để nhận nuôi nó trong vài năm. Thế rồi thay vì viết thư thăm hỏi, động viên bố mẹ yên tâm cải tạo, Sơn chỉ viết duy nhất cho thằng em nó. Sơn viết xong và nhờ tôi trực tiếp đưa và đọc cho em nó nghe “vì nó chưa đi học nên không biết chữ”. Tôi đã thực hiện nguyện vọng của thằng Sơn. Không biết thằng Cường có cảm nhận được tình cảm của anh nó trong lời dặn em phải thế này, phải thế kia không, chỉ biết khi tôi hỏi Cường: “Có nhớ bố, mẹ không?” thì nó trả lời gọn lỏn: “Nhớ Sơn”.
Chúng tôi đã ghi hình và chụp ảnh lúc thằng Cường nghe đọc thư của anh, lúc ăn cơm do bác hàng xóm đưa sang… để mang vào Trại tạm giam của Công an Hà Nội gặp mẹ nó đang lao động trồng rau, tôi ngồi gợi chuyện, cô ta thản nhiên nói việc đã biết chồng bị bắt và đưa vào trại Tân Kỳ, Nghệ An rồi, cũng biết chuyện thằng út đang gửi bà hàng xóm chăm sóc… Thế nhưng lúc tôi đưa bức thư của thằng Sơn viết cho em và hình ảnh thằng Cường trong căn nhà trống thì cô ta khóc nấc lên. Tôi hiểu cả tình Mẫu – Tử và cả sự tủi thân khi hai anh em nó đang cưu mang nhau.
Chúng tôi quyết định chuyến đi cuối cho bộ phim này: Vào Trại giam Tân Kỳ, Nghệ An để gặp Thái đang lao động cải tạo tại đó. Nhìn Thái béo tốt, khuôn mặt nhẹ nhõm và có phần khép nép khi nhận ra tôi đã cùng Công an vào bắt nó – tôi ngạc nhiên, chẳng nhẽ đây là đối tượng bị HIV giai đoạn cuối? Cán bộ quản giáo cho tôi biết, Thái có nhiễm HIV đang điều trị có tiến triển tốt do cai được heroin và ăn ngủ, lao động điều độ.
Hóa ra chuyện “HIV giai đoạn cuối” cũng chỉ là “bài” của Thái để cho Công an phải ngại khi bắt hắn. Vẫn “bài” cũ, khi nói chuyện “đúng độ”, tôi mới đưa Thái bức thư của thằng Sơn gửi em trai nó, ảnh của hai thằng và ảnh của cô vợ đang trồng rau trong Trại tạm giam Hà Nội. Thái nhìn trân trân hồi lâu, nhất là bức thư gửi em của thằng Sơn rồi quay mặt ra ngoài, vai rung lên.
Tròn 8 năm sau, ra tù được một thời gian, Thái đã đến Truyền hình CAND gặp tôi, kể rằng thằng Sơn, con trai lớn đã chết vì tai nạn giao thông mấy năm trước. Vợ Thái cũng đi lấy chồng khác có sự đồng ý của nó lúc còn trong tù. Khi ra tù Thái mang bằng được thằng Cường về để hai bố con sống với nhau, giờ thằng Cường chạy xe ôm, còn nó đã xin vào làm ở công ty khai thác khoáng sản… Bố, con đắp đổi cũng đủ sinh nhai.
Dù gia đình nay chỉ còn 2 nhưng cũng đã ổn định, điều quan trọng nhất là bố con Thái đang sống bằng công việc lao động chân chính, không còn những ngày tháng chui lủi, lo lắng nữa. Tôi mong cho điều tốt đẹp sẽ ở lại với bố con Thái.