Chủ nhân của khối gỗ quý này là ông Lôi Quân, chủ một xưởng sản xuất đồ gỗ nhỏ ở huyện Gia Ngư, Hồ Bắc, Trung Quốc.
Nói đến khối gỗ này, đó là cả một câu chuyện bất ngờ. Theo lời ông Quân, vào một buổi chiều tối của tháng 12/2012, một người ngư dân trong lúc đang đánh bắt cá trên sông Trường Giang đoạn chảy qua Gia Ngư thì thấy trong lưới của mình dường như có vật gì đó rất nặng mắc phải, kéo vớt thế nào cũng không đưa lên được.
Không biết phải làm sao, người này liền gọi điện thoại cho ông Quân nhờ giúp đỡ.
Đến nơi, ông Quân phát hiện đó là một khối gỗ chìm dưới đáy sông, hai người phải dùng lưới và dây thừng, xoay sở hơn 1 tiếng đồng hồ vẫn không vớt được nó lên.
"Cuối cùng chúng tôi phải thuê xe cẩu, dùng dây thừng bằng kim loại kéo khối gỗ lại gần bờ, sau đó cẩu lên. Khối gỗ dài hơn 19m, khá thô ráp, nặng hơn 5 tấn.
Vì không dễ vận chuyển nên chúng tôi đành dùng cưa cưa thành 2 đoạn rồi chở về xưởng. Tiền thuê cẩu, vận chuyển khi đó cũng mất đến 90.000 NDT (hơn 300 triệu đồng)."
Ông Quân cũng cho hay suốt 5 năm qua, khối gỗ vẫn được để ở mảnh đất trống sau vườn, phơi mưa phơi nắng.
Vào dịp quốc khánh Trung Quốc vừa qua, nhân dịp tham gia một hoạt động giám định tài sản miễn phí được tổ chức ở Vũ Hán, vô tình nhắc đến khối gỗ rất nặng vớt được trên sông, ông Quân đã khiến các chuyên gia chú ý.
Sản phẩm làm từ gỗ sụ nam mộc.
Sơ bộ định giá 20 triệu NDT (khoảng 70 tỷ đồng)
Theo chân các chuyên gia về gỗ đến xưởng của gia đình ông Quân, phóng viên tờ Chinanews phát hiện khối gỗ được chất làm 2 đống đặt sau vườn, màu hơi đen, vỏ gỗ rất dày, dài 19m, đường kính đoạn rộng nhất là 70cm.
Sau khi cắt một mẩu gỗ để giám định, các chuyên gia bước đầu cho rằng khối gỗ này chính là gỗ sụ nam mộc tơ vàng có từ thời nhà Minh, có tiền thân là cây Trinh Nam lá nhỏ, được trồng nhiều ở thành phố Nhã An, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, thời gian sinh trưởng là khoảng hơn 200 năm, ngâm dưới nước 400 năm.
Khảo giá sơ bộ, họ cũng nhận định khối gỗ 600 năm tuổi này có giá khoảng 20 triệu NDT.
Tại sao một khối gỗ sụ nam mộc từ Nhã An lại có thể trôi đến Gia Ngư?
Các chuyên gia phân tích sơ bộ cho rằng khúc gỗ trên nhiều khả năng đã được vận chuyển từ Tứ Xuyên tới Bắc Kinh để xây dựng cung điện từ thời nhà Minh nhưng bị trôi mất và theo dòng nước dạt đến tay ông Quân.
Theo một chuyên viên hiện đang làm việc tại Học viện Văn hóa Trung Quốc, gỗ sụ nam mộc rất hiếm và thường được dành riêng cho hoàng gia. Khi được đánh bóng loại gỗ này có màu vàng bóng bẩy và thường được sử dụng dầm, trụ trong cung điện hoặc đồ gia dụng trưng bày.
Sản phẩm làm từ gỗ sụ nam mộc.
Năm nay 46 tuổi và là bố của 3 người con, hoàn cảnh gia đình không khá giả song khi biết giá của khối gỗ, thậm chí có thương nhân tìm đến thu mua nhưng ông Quân đã từ chối không bán.
"Tôi vẫn thường theo dõi tin tức và biết rằng Trung Quốc có không ít văn vật bị đưa ra nước ngoài, tôi rất lấy làm tiếc. Khối gỗ này vốn dĩ thuộc về nhà nước, tôi nên trả lại nó cho Cố cung ở Bắc Kinh." – ông Lôi Quân chia sẻ với phòng viên.
Sau khi biết suy nghĩ của ông Quân, chuyên gia thuộc tổ giám định - cục văn vật Bắc Kinh cho biết, bà sẽ liên hệ với viện bảo tàng Cố cung để nhân viên tại đây giám định thêm và tiến hành công tác tiếp nhận khối gỗ quý từ người đàn ông hảo tâm này.