Vào mùa hè hay những ngày nắng nóng cao điểm, các thiết bị làm mát như quạt hay điều hoà được người dùng ưa chuộng sử dụng nhằm phục vụ nhu cầu của các thành viên trong gia đình. So với quạt, điều hoà được đánh giá là thiết bị làm mát tốt hơn, sâu hơn. Tuy đã quen thuộc song không phải người dùng nào cũng biết hay hiểu rõ về cách sử dụng điều hoà.
Vấn đề sau đây là một ví dụ, đó là vấn đề về hướng gió của thiết bị. Trong quá trình điều hoà hoạt động, người dùng có thể tuỳ chỉnh hướng gió, hướng lên trên hoặc hướng xuống dưới. Vậy đâu là cách điều chỉnh giúp tối ưu hiệu quả hoạt động của thiết bị? Dưới đây là lời khuyên từ chuyên gia.
Chuyên gia đưa ra lời khuyên
Theo Chương trình Quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP), nhiều người dùng thường có thói quen chỉnh gió của điều hoà hướng xuống dưới, thấp xuống sàn nhà hay hướng vừa tầm, trực tiếp vào cơ thể con người với mục đích để cảm nhận được khí lạnh nhanh hơn. Tuy nhiên, đây là một hành động chưa đúng đắn.
Các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực điện tử - điện lạnh nhận xét, việc chỉnh hướng gió điều hoà như trên chỉ có thể làm mát cục bộ tại vị trí mà gió hướng tới. Tuy nhiên, tổng thể không gian sử dụng điều hoà lại không được làm mát tối ưu. Điều hoà sẽ mất nhiều thời gian và năng lượng hơn để làm mát toàn bộ căn phòng. Từ đó người dùng cũng phải bỏ ra chi phí tiền điện cao hơn.
"Điều này dựa trên nguyên lý cơ bản của hiện tượng giãn nở không khí: khí nóng luôn nhẹ hơn khí lạnh, và chúng tích tụ ở trên cao. Ở chiều ngược lại, không khí lạnh nặng hơn nên luôn có xu hướng bay xuống thấp. Từ đó việc điều chỉnh hướng gió xuống thấp sẽ khiến thiết bị mất nhiều thời gian hơn để làm mát toàn bộ không gian", chuyên gia từ VNEEP giải thích.
Ngoài ra, việc để gió lạnh từ điều hoà thổi liên tục vào cơ thể cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ con người. Đặc biệt là với trẻ em, người cao tuổi hay những người có sức đề kháng kém.
Vì những lý do trên, người dùng khi bật điều hoà nên chỉnh hướng gió hướng lên trên, không cần hướng quá cao song ở mức vừa phải. Việc làm này cho phép luồng khí lạnh từ thiết bị được phân bổ đều trong không gian, hiệu suất làm lạnh cũng được tăng cường, thời gian làm lạnh được rút ngắn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa thêm lời khuyên, lực hay tốc độ gió cũng rất quan trọng. Nếu muốn làm lạnh không gian nhanh, người dùng có thể điều chỉnh lực gió - tốc độ gió ở mức cao nhất, đồng thời sử dụng quạt vào thời gian ban đầu, khi mới khởi động thiết bị. Quá trình lưu thông không khí trong không gian sẽ được đẩy mạnh, từ đó khí mát lan toả nhanh và đồng đều hơn. Khi thấy căn phòng, ngôi nhà đã được làm mát tương đối, có thể điều chỉnh về mức gió thấp hơn.
Lưu ý sử dụng điều hoà tiết kiệm
Bên cạnh điều chỉnh hướng gió lên trên, dưới đây cũng là một số lời khuyên khác từ các chuyên gia để việc sử dụng điều hoà vào ngày nắng nóng cao điểm được tiết kiệm hơn.
Lưu ý về độ cao khi lắp đặt điều hoà
Không nên lắp đặt điều hoà quá cao, hay quá thấp so với nền nhà. Chiều cao lý tưởng đó là khoảng từ 1,7 - 1,8m. Ở độ cao này, điều hoà sẽ đảm bảo cung cấp khí lạnh cho toàn bộ không gian một cách nhanh chóng. Người dùng cũng không nên lắp điều hoà quá sát trần nhà bởi hành động này lại gây cản trở quá trình lưu thông không khí từ điều hoà, đồng thời gây khó khăn cho công tác vệ sinh.
Điều chỉnh nhiệt độ hợp lý
Cho dù vào những ngày đặc biệt nắng nóng, người dùng vẫn chỉ nên duy trì điều hoà hoạt động ở mức nhiệt từ 25 độ trở lên. Đây là mức nhiệt vừa giúp thiết bị hoạt động hiệu quả, vừa giúp tiết kiệm điện lại hạn chế khả năng thiết bị gặp tình trạng quá tải.
Người dùng có thể cài đặt nhiệt độ ở mức 23 độ khi mới khởi động thiết bị, sau khoảng 30 phút điều chỉnh về mức ổn định, khoảng 26-27 độ C.
Cân đối thời gian sử dụng
Không nên bật điều hoà cả ngày bởi điều này sẽ gây tốn lượng điện năng rất lớn, đồng thời dễ khiến điều hoà bị quá tải, gây suy giảm tuổi thọ thậm chí là chập cháy. Tốt nhất người dùng nên phân bổ thời gian sử dụng điều hoà một cách hợp lý, chỉ nên để điều hoà hoạt động tối đa 15-16 giờ/ngày.
Tận dụng tính năng phụ
Trên nhiều loại điều hoà hiện đại hiện nay được trang bị thêm nhiều tính năng phụ giúp tiết kiệm điện. Có thể kể tới như tính năng ECO (điều hoà tự động giảm công suất hoạt động), tính năng SLEEP (phù hợp bật qua đêm khi đi ngủ) hay tính năng HẸN GIỜ.
Vệ sinh, bảo dưỡng điều hoà định kỳ
Cuối cùng là vấn đề vệ sinh, bảo dưỡng điều hoà định kỳ. Các chuyên gia khuyên rằng người dùng nên thực hiện 1-2 lần/năm với bảo dưỡng tổng quát, còn vệ sinh tiến hành hàng tháng, đặc biệt với những thiết bị hoạt động với tần suất dày.