Trong một diễn biến thú vị về việc sử dụng xe tăng Ukraine bị bắt trên chiến trường, một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy các binh sĩ Nga đang thử nghiệm trên một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-72AMT, đã được cải tiến với thiết bị điều khiển từ xa. Vẫn chưa rõ Nga sẽ sử dụng phương tiện mới này với vai trò như thế nào, nhưng đã có tiền lệ về việc sử dụng xe tăng điều khiển từ xa trong các hoạt động rà phá bom mìn, hoặc thậm chí được sử dụng như một xe tăng không người lái.
Xe tăng không người lái
Đoạn phim về chiếc T-72AMT được cải tiến gần đây đã lan truyền trên mạng xã hội. Thời điểm và địa điểm quay video chính xác vẫn chưa được xác định. Theo trang tin Oryx, Nga đã thu giữ được sáu chiếc T-72AMT của Ukraine, nhưng số lượng thực tế có thể cao hơn. T-72AMT là phiên bản nâng cấp của T-72A, chiếc đầu tiên được bàn giao cho lực lượng vũ trang Ukraine là vào năm 2017.
Video bắt đầu với góc nhìn hướng về phía trước, được quay từ bên trong khoang lái của xe tăng. Sau đó, máy quay thu nhỏ lại, cho thấy góc nhìn đó thực tế đang được xem từ màn hình của người điều khiển. Có thể thấy một người lính Nga đang cầm một bộ điều khiển từ xa và đứng ở rìa cánh đồng để lái chiếc xe tăng.
Một đoạn video khác cho thấy một người lính đang cố gắng điều khiển tháp pháo của xe tăng bằng hệ thống điều khiển trên. Ngoài ra, video cũng mô tả cảnh hai binh sĩ đang vận hành xe tăng bằng thiết bị điều khiển từ xa, một người có lẽ đang lái xe tăng, người còn lại có thể đang điều khiển tháp pháo và hệ thống vũ khí.
Vai trò của xe tăng không người lái
Việc Nga tái triển khai những chiếc xe tăng Ukraine bị bắt giữ để chiến đấu là điều không hiếm gặp. Nhưng lý do tại sao họ chọn bổ sung khả năng điều khiển từ xa cho xe tăng là vẫn chưa rõ ràng.
Trong cuộc xung đột, cả Nga và Ukraine đều sử dụng nhiều loại thiết bị hiện đại để dọn sạch các bãi mìn dày đặc trên chiến trường. Gần đây nhất, Nga đã triển khai "xe tăng rùa" để dọn đường cho các xe bọc thép cơ động trên chiến trường và chiếc xe tăng rùa đầu tiên được nhìn thầy là vào tháng 4/2024 được gắn thêm một máy cày mìn.
Tuy nhiên, xe tăng rùa và ngay cả những phương tiện chiến đấu có mức độ bảo vệ cao hơn, vẫn dễ bị tổn thương trước máy bay không người lái FPV. Trong bối cảnh tần suất hoạt động của máy bay không người lái FPV trên chiến trường ngày càng tăng, rõ ràng là cần phải hạn chế đến mức thấp nhất sự tham gia của con người trong thực hiện các hoạt động rà phá bom mìn.
Việc lắp đặt xe tăng có điều khiển từ xa, đặc biệt là để rà phá bom mìn, là điều từng được Quân đội Mỹ làm trong quá khứ. Các xe rà phá bom mìn (MDCV) M60A3 Panther và M1 Panther II của Quân đội Mỹ, đã tham gia chiến đấu ở Bosnia, Kosovo và Iraq. Những phương tiện này có thể được vận hành bởi một kíp lái hoặc điều khiển từ xa, giúp bảo đảm an toàn cho các nhân viên khi làm việc ở những địa điểm cực kỳ nguy hiểm.
Một khả năng khác là những chiếc xe tăng thu được từ Ukraine có thể được Nga triển khai như một loại phương tiện FPV, nhằm thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm như tham gia tấn công vào các khu vực tiền tuyến. Nó cũng có thể được trang bị một lượng lớn thuốc nổ để tấn công theo kiểu tự sát vào các mục tiêu kiên cố.
Bên cạnh đó, để duy trì liên lạc, kết nối giữa người điều khiển từ xa và xe tăng trong điều kiện chiến đấu, các chuyên gia Nga sẽ sử dụng một chiếc UAV bay theo sau chiếc xe tăng không người lái và hoạt động như một trạm tiếp chuyển tín hiệu trên không.
Việc tìm ra những phương pháp cải tiến mới để giảm thiểu rủi ro cho xe bọc thép và các nhân viên điều khiển rõ ràng là rất quan trọng đối với Nga, xét đến tổn thất lớn về xe bọc thép và nhân sự mà nước này phải chịu kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.
Nếu như ý tưởng xe tăng không người lái này thành công, có khả năng nó sẽ được lắp đặt cho các loại xe tăng và xe bọc thép cũ hơn. Việc bổ sung khả năng điều khiển từ xa cho xe tăng cho thấy mức độ thích ứng linh hoạt của Quân đội Nga trước những thay đổi từ thực tế chiến trường, đặc biệt là liên quan đến máy bay không người lái và mìn.