Một anh kỹ sư hóa dầu không biết "lưỡi trai" là tên một loại mũ, dù nó được đặt cùng những câu trả lời vô cùng khôi hài khác như: Lưỡi rắn, lưỡi lê, lưỡi hái.
Một cô nàng không biết El Nino là một hiện tượng thời tiết và càng tệ hơn khi cô tiếp tục không biết canh cua phải nấu với rau đay.
Dù đây chỉ là những lỗ hổng kiến thức xuất hiện trong một game show truyền hình - nơi người ta không phải chịu trách nhiệm cho sự thiếu hiểu biết của mình - cũng không hẳn là nó không đáng quan ngại.
Vậy bạn bình luận gì khi một thanh niên lấy túi nilon thay… bao cao su và rồi cả đôi bạn trẻ nhập viện vì nhiễm trùng?
Hiếm hoi lắm "Ai là triệu phú" mới có người chơi phải sử dụng hai quyền trợ giúp ngay từ hai câu đầu thế này
Giới trẻ bây giờ có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều kiến thức cao siêu thông qua sách báo, internet, thậm chí thông qua các fanpage trên Facebook nghiên cứu về những thứ rất hàn lâm như tên lửa, tàu ngầm nhiều vô số kể.
Nhưng cũng giống như câu "chưa học bò đã lo học chạy", rất nhiều người coi kiến thức giống như một món đồ trang sức: Tức là càng biết về những thứ cao siêu thì bạn càng uyên bác, tài ba trong mắt người đối diện.
Vậy nên họ sẽ có xu hướng quan tâm đến những câu chuyện vô cùng to tát như Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ thì ảnh hưởng ra sao tới Việt Nam, ai là người đang giữ mật mã để kích hoạt chiến tranh hạt nhân, tình hình chính trị Philippines ra sao…
Trong khi đó những thứ rất thiết thực xung quanh chúng ta như câu chuyện mũ lưỡi trai, canh cua, hiện tượng El Nino… phải chăng vì nó quá tầm thường nên không ai để ý tới
Canh cua nấu với rau gì? Điều tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng biết. Ảnh minh hoạ
Giới trẻ bây giờ có thể đọc vanh vách những thành ngữ tiếng Anh và sử dụng chúng thành thục, trong khi đó lại không hề hiểu ca dao, tục ngữ Việt Nam.
Đơn cử như câu tôi vừa trích ở trên: Chưa học bò đã lo học chạy. Tôi đã từng phải giải thích cho một bạn trẻ về nghĩa của nó.
Giới trẻ bây giờ đâm đầu vào đọc sách, phát cuồng về những tấm gương doanh nhân làm giàu từ 2 bàn tay trắng. Họ mua những quyền sách dạy làm giàu, những con người vĩ đại truyền động lực để đọc ngấu nghiến.
Họ sử dụng những thứ đó như món đồ trang sức để tăng "chân kính" cho bản thân trong mắt người khác. Họ cười nhạo những người suốt ngày chỉ nói về kỹ năng sinh tồn trong xã hội, hay đơn giản là nói về bát canh cua được nấu với cái gì.
Thế rồi khi bước chân ra xã hội, tất cả đều nhận ra rằng cuộc sống và sách vở khác nhau hoàn toàn. Trong cuộc sống người ta sẽ hỏi bạn về bát canh cua được nấu với cái gì, thay vì hỏi tên lửa được phóng từ đâu hay Jack Ma làm giàu thế nào.
Đọc sách là điều đáng quý nhưng nên đọc cái gì cho đáng. Ảnh minh hoạ
Tôi lấy làm kinh ngạc khi một đứa trẻ 5 tuổi ở Việt Nam biết Donald Trump đã thắng bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng lại không được bố mẹ dạy tự xúc cơm, tự đánh răng, thậm chí là tự vệ sinh cá nhân.
Ở nước ngoài, quy trình sẽ ngược lại: Người ta dạy trẻ con làm thuần thục những việc nhỏ như đánh răng, xúc cơm… trước mới dạy việc lớn.
Khoảng 3 năm về trước, mạng xã hội Việt Nam từng xôn xao trước lá thư của một ông bố Đức viết về câu chuyện: bầu lớp trưởng ở cả bậc tiểu học tại Việt Nam.
Ông không chỉ trích. Ông chỉ viết rằng ở Đức, người ta không bầu lớp trưởng khi đứa trẻ chưa đủ nhận thức. Bởi việc chọn lựa lớp trưởng sẽ tạo ra thói quen thích quyền lực của những đứa trẻ.
Trong khi đó người Việt sẽ thích thú khi một đứa trẻ biết về những thứ cao siêu như khoa học, toán học, văn học nhưng lại cảm thấy bình thường khi đứa trẻ không biết những kỹ năng mềm như tự chăm sóc bản thân, tự mặc áo, cởi áo tùy theo thời tiết.
Kiến thức cũng giống như bạn đi du lịch vậy: Người đi khám phá sẽ có thứ để mang về, trong khi người cưỡi ngựa xem hoa chỉ mang ảnh lên Facebook để khoe mà thôi.