"Hiểm họa hiện hữu"?
Sukhoi Su-34 hiện là cường kích chủ lực của Nga trong các cuộc không kích bằng bom và tên lửa vào các vị trí tiền tuyến của lực lượng Ukraine cũng như khu vực biên giới.
Được Không quân Vũ trụ Nga (VKS) gọi là "tiêm kích - ném bom", chúng đã tham gia Chiến dịch quân sự đặc biệt (SMO) của Nga từ những thời khắc đầu tiên.
Đối với phía Ukraine, việc vô hiệu hóa Su-34 đã trở thành nhiệm vụ ưu tiên - bao gồm cả các cuộc tấn công trên không lẫn nhằm vào các căn cứ không quân của người Nga.
Ý tưởng chế tạo một loại cường kích dựa trên tiêm kích Su-27 nhằm thay thế Su-24 xuất hiện ở Liên Xô vào những năm 1980.
Biến thể huấn luyện hai chỗ ngồi Su-27UB đã được lựa chọn đơn giản là vì thiết kế này cho phép có 2 phi công trong đó 1 xạ thủ.
Chiếc cường kích mới nặng hơn nhiều so với Su-27, nó có khả năng mang lượng vũ khí lớn hơn và tầm bay xa hơn, tấn công mục tiêu trên mặt đất, mặt nước và trên không trong mọi điều kiện thời tiết, ánh sáng cũng như có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát.
Nguyên mẫu T10V-1 (hiện được gọi là Su-34-1) với những khác biệt đáng kể với Su-27 bao gồm phần mũi, cụm động cơ, cửa hút gió... đã được Nga lắp ráp vào đầu năm 1990 và 3 năm sau, nguyên mẫu đầu tiên được chính thức gọi là Su-34 đã được chế tạo và thử nghiệm.
Người Nga đã mất khá nhiều thời gian để thử nghiệm và mãi tới tháng 3/2014, VKS mới chính thức tiếp nhận loại máy bay mới. Tính tới thời điểm hiện tại, trên 160 chiếc Su-34 đã được sản xuất và công việc vẫn đang tiếp tục.
Có thể nói khác biệt chính giữa Su-34 và Su-27 là phần trước thân máy bay với buồng lái bọc thép, ghế được làm bằng hợp kim titan, bổ sung điều hòa không khí... các bộ phận quan trọng khác của máy bay cũng được bọc thép. Tổng thể lớp giáp của máy bay nặng gần 1,5 tấn.
Phi công và xạ thủ ngồi cạnh nhau với người trước ngồi bên trái và người sau tất nhiên là ở bên phải.
Buồng lái rộng rãi giúp các phi công co duỗi thoải mái sau khi phải ngồi trong thời gian dài - chủ yếu là do các loại cường kích có thể phải ở trên không trong nhiều giờ (với hỗ trợ bằng tiếp nhiên liệu trên không) trong các phi vụ.
Su-34 được trang bị pháo tự động 30 mm và có 12 mấu cứng bên ngoài có thể mang theo các loại vũ khí. Tải trọng tối đa của nó là 8,5 tấn.
Theo nhà sản xuất, Su-34 dài 23,4 mét, cao 6,09 mét, sải cánh 15,2 mét. Trọng lượng rỗng là 22,5 tấn, trọng lượng cất cánh thông thường là 39 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa là 45 tấn.
2 động cơ AL-31F giúp máy bay đạt tốc độ tối đa là 1,5 Mach trong điều kiện không trang bị vũ khí. Bán kính chiến đấu của nó lên tới 1.100 km. Trần bay lên tới 15 km, tầm bay với nhiên liệu có trên máy bay là khoảng 4.000 km và có thể được tiếp nhiên liệu trên không.
Su-34 ở Ukraine
Kể từ khi phát động cái gọi là SMO, Su-34 Nga đã tích cực tham chiến bằng các loại bom "ngu" như các loại bom nổ mạnh FAB-250, FAB-500 M62, bom xuyên bê tông BetAB-500... và đôi khi chúng cũng tung ra bom phân mảnh nổ mạnh OFAB-500 ShR.
Ngoài ra, các loại tên lửa dẫn đường như Kh-31, Kh-59 và Kh-35U cũng được sử dụng.
Sau các nỗ lực tấn công bất thành vào hậu phương của Ukraine cũng như tổn thất, người Nga đã chuyển trọng tâm sang các vị trí dọc theo tuyến đầu và ở các khu vực biên giới. Tuy nhiên tình hình đã thay đổi từ khi họ nhận được bộ kit UMPC.
Từ đầu năm 2023, bộ kit UMPC (Module lập kế hoạch và hiệu chỉnh) đã biến bom "ngu" của Nga trở thành những trái bom liệng có sức mạnh tương đương với bom JDAM của Mỹ. Và kể từ mùa thu năm đó, những quả bom này đã trở thành mối đe dọa đáng kể với phía Ukraine.
UMPC tăng tầm bay của những quả bom không điều khiển lên hàng chục km, bộ hiệu chỉnh bằng quán tính và tín hiệu vệ tinh cũng làm tăng độ chính xác của bom.
Người Nga tuyên bố rằng các phi công Su-34 có thể nhập tọa độ mục tiêu giữa chuyến bay cho phép rút ngắn thời gian giữa việc phát hiện và vô hiệu hóa mục tiêu.
Tính tới thời điểm hiện tại của năm 2024 thì trung bình mỗi tuần người Nga đã sử dụng trung bình 500-800 quả bom kiểu này ở Ukraine.
Để đối phó Su-34 và bom liệng, Ukraine chỉ có một số ít hệ thống phòng không bao gồm Patriot của Mỹ và SAMP/T của Pháp/Italia nhưng việc triển khai chúng gần tiền tuyến là rất nguy hiểm.
Tiêm kích Ukraine (bao gồm F-16) cũng có khả năng đánh chặn Su-34 tuy nhiên các phi công Ukraine sẽ phải chấp nhận rủi ro vì bay gần tiền tuyến và tiếp cận phạm vi bao phủ của các hệ thống phòng không tầm xa của Nga và các tiêm kích Su-35 hoặc MiG-31.
Tính đến giữa tháng 8/2024, các nguồn tin thân Ukraine đã thống kê được 26 Su-34/Su-34M Nga bị "tổn thất không thể phục hồi" trong chiến đấu.
Một số cũng bị thiệt hại do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine và các vụ rơi máy bay.
Ngoài ra do thiết kế phi tiêu chuẩn của bộ kit UMPC, một vấn đề mang tính hệ thống đã phát sinh và dẫn tới việc ghi nhận tỉ lệ lớn bom liệng rơi theo cách thông thường - tức là trở lại như những quả bom "ngu".
Kết luận
Người Nga vẫn đang sở hữu lượng lớn Su-34 và bom liệng, thứ có thể tấn công hàng trăm lần mỗi tuần từ ngoài phạm vi của các hệ thống phòng không Ukraine.
Chúng đã trở thành hiểm họa hiện hữu với binh lính Ukraine ở tiền tuyến cũng như các thành phố lớn bao gồm cả Kharkiv (Kharkov) cũng như một thách thức lớn với lực lượng Ukraine trong việc tiến hành các hoạt động nhằm giải phóng các khu vực người Nga tạm chiếm.
Có thể nói cách hiệu quả nhất để giảm số lượng Su-34 Nga là tập kích các sân bay nơi chúng trú đóng bằng tên lửa và UAV - và cũng đừng quên các kho lưu trữ và cơ sở sản xuất bom liệng.