Cùng với việc tuyên bố chủ quyền trái phép ở Biển Đông, Bắc Kinh đã liên tiếp xây dựng bất hợp pháp các căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo, khiến dư luận thế giới bất bình.
Nhưng không dừng lại ở đó, trong một bài xã luận được xuất bản mới đây, tờ Study Times của Trung Quốc còn ngang nhiên bình luận rằng: "Hoạt động can thiệp quân sự của các nước với tần suất cao chưa từng thấy là mối đe dọa lớn đối với nền hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Nếu không có sức mạnh quân sự áp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, thì việc giữ gìn hòa bình và ổn định sẽ chỉ là lý thuyết suông và không đạt được những gì chúng ta mong muốn".
Sau đó, tờ này còn "hiến kế" là Trung Quốc nên đẩy mạnh việc bành trướng ảnh hưởng ở Biển Đông bằng các hoạt động dân sự. "Trung Quốc nên tập trung xây các ngọn hải đăng, sân bay dân sự, cơ sở nghiên cứu hàng hải, cứu nạn trên biển, cơ quan nghiên cứu và dự báo thời tiết", tờ này viết.
"Như chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh, sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên đảo, Bắc Kinh sẽ cung cấp dịch vụ an ninh cho các nước trong khu vực".
Bài viết của trang báo Trung Quốc cũng trắng trợn tự bao biện rằng những công trình [xây dựng trái phép] nói trên là nhằm giúp cộng đồng quốc tế chống lại khủng bố và cướp biển.
Theo Reuters, trước đây, Trung Quốc từng nhiều lần bao biện rằng các công trình xây dựng phi pháp của họ ở Biển Đông là nhằm mục đích dân sự và cứu hộ cứu nạn, họ cũng sẵn sàng hỗ trợ các nước khác...
Nhưng trên thực tế, người nước ngoài cũng không được tiến gần các đảo nhân tạo bất hợp pháp. Mọi hoạt động xung quanh vùng đảo đều nằm trong quyền kiểm soát gắt gao của quân đội Trung Quốc.
Bắc Kinh đã thường xuyên chỉ trích Mỹ và đồng minh vì hoạt động hàng hải gần những đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép trong khu vực.
Về phần mình, đầu tháng này, Mỹ đã đưa ra lời kêu gọi cứng rắn, yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động quân sự ở Biển Đông.
TS. Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế, bình luận: "Trung Quốc đã xây dựng một số công trình dân sự như đài nghiên cứu, đài quan sát khí tượng… ở Biển Đông để nói với thế giới là chúng tôi phục vụ cho lợi ích cộng đồng quốc tế nhưng thực chất đằng sau là củng cố sự hiện diện của họ ở đây."
"Dù họ có nói gì thì mục tiêu của họ trên thực tế vẫn là củng cố quyền kiểm soát Biển Đông, do đó, không nên bị cách nói của dư luận báo chí Trung Quốc cho là họ đã thay đổi mục tiêu. Mục tiêu cơ bản của Trung Quốc không thay đổi. Đó là độc chiếm Biển Đông," TS. Nguyễn Ngọc Trường nhấn mạnh.
“Tôi cho rằng họ có nói gì cũng chỉ là bào chữa, còn mục tiêu của họ không thay đổi," TS Trường nói.
Năm nay, Trung Quốc không có động thái gây ra khủng hoảng lớn, trừ một số cuộc tập trận hồi tháng 4 nhưng họ ngấm ngầm từng bước quân sự hóa Biển Đông. Động thái này gặp sự chống đối của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ.
Những phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và các quan chức Mỹ vẫn rất gay gắt và tuyên bố sẽ không từ bỏ cuộc đấu tranh của Mỹ đối với việc Trung Quốc tìm cách khống chế Biển Đông.
Ngoài ra, năm nay có nhiều hoạt động như Nhật Bản và Anh tập trận ở Biển Đông; tàu chiến của Pháp và Anh - 2 cường quốc biển - vào tuần tra ở Biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải...