Thời báo Học tập (cơ quan ngôn luận của trường đảng trung ương Trung Quốc) ngày 5.6 nhắc lại bài học kiên quyết “chống Mỹ bắt nạt” trong đàm phán chấm dứt chiến tranh Triều Tiên như lý do để không khuất phục trước sức ép khi đàm phán thương mại hiện tại.
Theo Thời báo Hoc tập, ý chí cùng lòng quyết tâm của Trung Quốc lúc đàm phán chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên vẫn có giá trị.
“Đối mặt với sức mạnh quân sự - kinh tế hàng đầu thế giới lẫn đe dọa ngoại giao, lực lượng tình nguyện nhân dân Trung Quốc phát huy tinh thần không sợ áp lực, không ngại chiến đấu và chiến đấu giỏi. Ngày nay tinh thần này vẫn được đánh giá cao và cần lan truyền”, báo viết.
Tờ báo nhắc lại rằng Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên năm 1951 ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ bằng sự chân thành, đưa ra nhiều đề xuất các bên đều có thể chấp nhận. Tuy nhiên họ không nhượng bộ cũng như không đồng ý bất cứ điều khoản nào vì bị ép buộc.
Cuối cùng thì vào năm 1953, một hiệp ước đình chiến được ký kết, chủ yếu dựa trên các đề xuất ban đầu từ phía Trung Quốc và Triều Tiên, theo Thời báo Hoc tập.
Dù chẳng hề đề cập đến chiến tranh thương mại, nhưng bài báo lặp lại những tuyên bố mà Trung Quốc đã dùng để nói về vấn đề này, chẳng hạn như “Mỹ cố ý bắt nạt nhằm buộc Trung Quốc khuất phục” hay “Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận chân thành, đưa ra nhiều đề xuất mang tính xây dựng”.
Truyền thông Trung Quốc thời gian qua tập trung khai thác đề tài Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) nhằm mục đích vận động dư luận ủng hộ chính quyền Bắc Kinh giữa lúc căng thẳng về thương mại.
Đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế bất ngờ đổ vỡ vào tháng 5. Mỹ cáo buộc Trung Quốc thay đổi một số cam kết quan trọng ban đầu, Trung Quốc lại đổ lỗi Mỹ liên tục thay đổi yêu cầu và đòi hỏi nhiều điều tác động đến chính trị - xã hội nước này. Hai bên vừa tăng thuế đánh vào hàng hóa của nhau.
Giới chức Bắc Kinh tuyên bố sẵn lòng tái khởi động đàm phán, tuy vậy đã một tháng trôi qua mà hai bên chưa hề tổ chức thêm đợt làm việc nào. Tổng thống Donald Trump dự định gặp Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 (20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) cuối tháng 6. Phía quốc gia châu Á chưa xác nhận kế hoạch hội kiến.