Theo Sina, việc Lữ đoàn pháo binh 168 - Quân khu 2 thực hiện bắn đạn nước kiểm tra kỹ thuật với pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85 chính là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy vũ khí này đã được đưa trở lại biên chế chiến đấu sau thời gian dài niêm cất bảo quản.
Tờ báo Trung Quốc bình luận rằng ASU-85 được Liên Xô viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam sau khi chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 nổ ra.
Mặc dù vai trò chính theo thiết kế là chi viện hỏa lực cho bộ binh trong tiến công hoặc phòng ngự như một lựu pháo nòng dài, nhưng vì pháo chính D70 cỡ 85 mm của ASU-85 có nguồn gốc từ pháo chống tăng D48 mà nó hoàn toàn đủ khả năng đảm nhiệm vai trò của pháo tự hành xung kích khi hạ nòng bắn trực xạ.
Sina cho rằng đây là một vũ khí rất lợi hại, đặc biệt phù hợp khi tác chiến tại địa hình rừng núi, và quan trọng hơn, họ cho biết lực lượng đổ bộ đường không của Trung Quốc hiện chưa được trang bị loại phương tiện tương tự.
Pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85 của Việt Nam xuất hiện trên trang Sina
Sự quan tâm của Sina tới pháo tự hành ASU-85 của Việt Nam, kèm theo "ghen tị" rằng lính dù Trung Quốc không có vũ khí tương đương rất có thể là hành động dọn đường cho việc chế tạo loại phương tiện này trong tương lai.
Hiện nay chiếc thiết giáp xương sống của lực lượng đổ bộ đường không Trung Quốc là ZBD-03, nó có khả năng chở theo 5 binh lính và lắp tháp pháo tự động 30 mm.
Xe thiết giáp nhảy dù ZBD-03 của Trung Quốc
Trên khung gầm ZBD-03, Trung Quốc hoàn toàn đủ sức chế tạo một chiếc xe tăng hạng nhẹ (pháo tự hành xung kích) bằng cách loại bỏ khoang chở quân rồi tích hợp cho nó tháp pháo cỡ 105 mm. Cách làm trên đã được họ thực hiện với dòng xe thiết giáp ZBD-2000 với hai biến thể xe chiến đấu bộ binh ZDB-05 và xe tăng lội nước ZTD-05.
Dự báo với trình độ khoa học kỹ thuật phát triển của Trung Quốc, việc chế tạo chiếc chiến xa nhảy dù trên khung gầm ZBD-03 là điều nằm trong tầm tay. Đây sẽ là diễn biến đáng để quan tâm và theo dõi sát sao trong thời gian tới.