Theo các nhà phân tích đến từ Trung Quốc, lợi thế đầu tiên là những biện pháp trừng phạt chống Nga không mang lại kết quả như các nước phương Tây từng trông đợi.
Đối phương mong đợi rằng với sự trợ giúp của nhiều hạn chế khác nhau, có thể dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế Nga, nhưng điều này đã không xảy ra. Vượt qua những khó khăn ban đầu, Liên bang Nga dần thoát ra khỏi "vũng lầy" mà không gặp nhiều gian khó.
Ấn phẩm Baijiahao viết: “Trong khi đó, sự thật một lần nữa chứng minh rằng các biện pháp trừng phạt có hiệu ứng ngược đối với phương Tây".
Mặc dù Nga dần mất đi thị trường năng lượng châu Âu, nhưng nước này đã khéo léo chuyển hướng dòng chảy tài nguyên sang phương Đông. Hiện tại Moskva có đủ người mua khí đốt và dầu để kiếm lợi nhuận.
Vào thời điểm hiện tại, hiệu ứng ngược từ trừng phạt đã giáng xuống Liên minh châu Âu, nơi nhiều nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng và sự tăng giá phi mã.
Trên thực tế, các lệnh trừng phạt đã làm trầm trọng thêm vấn đề gia tăng chi phí trong lĩnh vực công nghiệp và dân dụng trong khối EU, đồng thời đẩy xã hội châu Âu vào tình trạng hỗn loạn.
Như vậy một trong những lợi thế của Nga trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine leo thang là các biện pháp trừng phạt của phương Tây chưa có hiệu lực và Moskva vẫn có thu nhập từ việc bán tài nguyên.
Căng thẳng Nga - phương Tây leo thang nhưng Moskva vẫn đứng vững
Lợi thế thứ hai là Nga chỉ tiến hành một đợt động viên, không giống như Ukraine. Về lý thuyết, Moskva có nguồn nhân lực dự trữ lớn hơn nhiều, trong khi Kyiv đang cạn kiệt nhanh chóng.
Đồng thời, rõ ràng NATO sẽ không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột này, họ muốn thoát khỏi việc cung cấp vũ khí. Các quốc gia thuộc Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương không vội gửi quân đội của mình đến đó, họ hy vọng binh sĩ Ukraine sẽ giải quyết được mọi thách thức.
Cuối cùng, lợi thế thứ ba của Nga là đồng minh. Mặc dù các nước NATO đang cố gắng tạo ra dư luận rằng cả thế giới đang chống lại Moskva, nhưng thực tế không phải vậy. Mặc dù rất nhiều quốc gia nghiêng về phía phương Tây, nhưng một vài nước khác sẵn sàng hợp tác với Liên bang Nga.
Tờ Baijiahao viết: “Mỹ và các nước phương Tây đã thành lập một liên minh chặt chẽ để áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, nhưng Moskva không chiến đấu một mình”.
Đầu tiên, đó là quan hệ đồng minh Nga - Belarus. Thứ hai, Moskva đã thiết lập liên hệ với các đối tác trong những tổ chức như CIS, SCO và BRICS. Điều này một lần nữa chứng minh rằng khi đối mặt với biện pháp trừng phạt và phong tỏa do Mỹ cũng như phương Tây áp đặt, Nga vẫn có sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế và đủ khả năng hành động.
Đồng thời sự chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu đang hình thành, nhiều quốc gia không đặc biệt lo lắng cho lợi ích của người dân EU và bán cho họ khí tự nhiên hóa lỏng với giá rất cao, đồng thời thu hút những doanh nghiệp công nghiệp châu Âu đến lãnh thổ của họ.
Ấn phẩm Baijiahao cho rằng theo thời gian, sự chia rẽ giữa châu Âu và Mỹ sẽ ngày càng lớn hơn. Đối với Nga, mối quan hệ của nước này với các đối tác phía Đông ngày càng bền chặt hơn và trong khi tình hình hiện tại không hề đơn giản, những khó khăn chỉ là tạm thời. Trên thực tế, Nga có ít nhất 3 lợi thế so với các nước NATO.
Theo Baijiahao