Các quan chức và chuyên gia phương Tây cho rằng các lệnh trừng phạt tài chính, kinh tế, quân sự và năng lượng áp đặt lên Nga kể từ tháng 2/2022 đã gây tổn hại cho nền kinh tế và năng lực sản xuất vũ khí của Nga, đồng thời sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho Moscow trong những năm tới. Nhưng họ thừa nhận, những biện pháp hạn chế đã tác động chậm hơn kỳ vọng.
Trò chơi mèo vờn chuột
Tuần này, các nước phương Tây sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga. Liên minh châu Âu dự kiến lần đầu tiên nhắm mục tiêu vào các công ty từ Trung Quốc đại lục. EU đã thay đổi chiến lược từ việc thuyết phục Bắc Kinh duy trì các biện pháp trừng phạt Nga sang cách tiếp cận mạnh mẽ hơn.
Vương quốc Anh hôm 21/2 đưa vào danh sách trừng phạt 6 công dân Nga mà London cho là có liên quan đến cái chết của nhân vật đối lập hàng đầu Alexei Navalny. Nước này cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực hàng hóa và vũ khí của Nga. Các mục tiêu bao gồm một số nhà kinh doanh dầu mỏ và các công ty vận tải biển, cùng 3 công ty Trung Quốc đang cung cấp các thiết bị điện tử và động cơ máy bay không người lái cho Nga. Theo lệnh trừng phạt, mọi thực thể của Vương quốc Anh sẽ không được làm ăn kinh doanh với các công ty này.
Mỹ có kế hoạch công bố các biện pháp trừng phạt Nga liên quan cái chết của Navalny trong ngày 23/2. Gói trừng phạt này cũng bổ sung thêm nhiều công ty quốc phòng Nga vào danh sách trừng phạt.
Một số quan chức Mỹ thừa nhận, các biện pháp mới của Washington cũng sẽ chỉ có tác động hạn chế. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden lập luận rằng các biện pháp như vậy theo thời gian sẽ bóp nghẹt nền kinh tế cũng như ngành công nghiệp quốc phòng Nga và cản trở khả năng Moscow tiến hành xung đột ở Ukraine.
Đối với Nga, việc né tránh các lệnh trừng phạt đã trở thành ưu tiên hàng đầu. Các quan chức phương Tây cho hay, Điện Kremlin đã chỉ đạo các cơ quan tình báo Nga tìm kênh thay thế và lách trừng phạt. Moscow đã tăng cường thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác, giúp nước này tiếp tục bán dầu mỏ và khí đốt đồng thời đảm bảo nguồn cung cấp hàng nhập khẩu quan trọng.
Nga đã sử dụng các công ty bình phong và các nước láng giềng để mua linh kiện sử dụng trong xung đột. Moscow cũng có được một số lượng lớn các tàu cũ hoạt động dưới quyền sở hữu không rõ ràng để tránh mức trần giá dầu do phương Tây áp đặt.
Việc Moscow né tránh các lệnh trừng phạt đã tạo ra “trò chơi mèo vờn chuột” phức tạp. Phương Tây thiết kế các biện pháp nhằm gây tổn hại cho Nga, nhưng Điện Kremlin cuối cùng đã thích nghi được và buộc các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và châu Âu phải quay lại bàn vẽ. Đó là một cuộc cạnh tranh mà Điện Kremlin không thể để thua.
Sức mạnh kinh tế khiến Nga khó bị cô lập
Các quan chức phương Tây cho rằng Nga không thể tự mình sản xuất đủ đạn dược để đạt được mục tiêu ở Ukraine.
Iran và Triều Tiên được cho là đã chuyển UAV và tên lửa cho Nga, trong khi Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên cung cấp cho Moscow các hàng hóa lưỡng dụng do phương Tây sản xuất mà quân đội nước này cần vào để tiến hành xung đột.
Không giống như các lệnh trừng phạt trước đây chống lại Iran hay Triều Tiên, sức mạnh kinh tế của Nga khiến nước này khó bị cô lập. Thực tế, Nga không chỉ xuất khẩu dầu khí mà còn xuất khẩu các tài nguyên khác bao gồm urani và titan mà các nền kinh tế phương Tây vốn phụ thuộc vào chúng.
Các quan chức Mỹ, Anh và EU đã thuyết phục các nước trung lập duy trì hạn chế đối với hàng hóa quân sự quan trọng và hàng hóa lưỡng dụng. Họ đạt được mục đích ở một số nơi, trong đó có Trung Á nhưng không thành công khi vận động các nền kinh tế khổng lồ như Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc.
Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Mỹ và các đối tác coi trừng phạt là trụ cột thứ ba trong việc hỗ trợ Ukraine, bên cạnh viện trợ kinh tế và quân sự cho Kiev. Họ hy vọng các biện pháp có quy mô chưa từng thấy này sẽ tước đi vũ khí hiện đại, công nghệ cao của Nga, hạn chế doanh thu của Nga và gây ra tổn thất kinh tế đủ lớn để thuyết phục Điện Kremlin tìm kiếm hòa bình. Kết quả kém xa những gì họ mong đợi.
Theo các quan chức Mỹ và châu Âu, các lệnh trừng phạt của họ đã tước đi doanh thu khoảng 400 tỷ euro của Nga mà lẽ ra Moscow có thể có được kể từ tháng 2/2022.
Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện RUSI có trụ sở tại London, Anh cho rằng các lệnh trừng phạt đã buộc Nga phải sử dụng tới cả những chiếc xe tăng cũ lấy từ trong kho thay vì những phương tiện hiện đại mà họ sản xuất trước cuộc xung đột. Những hạn chế cũng đang cản trở khả năng chiến đấu vào ban đêm của quân đội Nga, vốn phụ thuộc vào công nghệ phương Tây.
Nhưng Nga vẫn tiếp cận được vi mạch của phương Tây, thành phần quan trọng để sản xuất tên lửa, mặc dù với giá cao hơn trước đây. Moscow cũng có thể tìm được nguồn hàng từ Trung Quốc. Có một dấu hỏi lớn về kho phụ tùng thay thế dành cho các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Nga.
Một nghiên cứu của Trường Kinh tế Kiev công bố hồi tháng 1/2024 cho thấy khoảng 95% trong số 2.800 thành phần nước ngoài được tìm thấy trong vũ khí Nga trên chiến trường kể từ khi xung đột bắt đầu là của phương Tây. Hơn 70% đến từ các công ty Mỹ.
Trong một số ít trường hợp, Nga mua linh kiện từ các nhà cung cấp phương Tây. Sự bất đồng về các lệnh trừng phạt ở châu Âu đã giúp Moscow duy trì nguồn cung cấp quan trọng.
Nền kinh tế thời chiến bùng nổ
Trong khi đó, Điện Kremlin đang thiết lập một nền kinh tế thời chiến toàn diện. Nga đã tăng ngân sách quân sự lên gần 70% trong năm nay, lên mức kỷ lục hơn 100 tỷ USD thời hậu Xô Viết.
Trong nửa đầu năm 2023, doanh thu từ dầu khí trong ngân sách Nga đã giảm 47% so với cùng kỳ năm 2022 do mức trần giá dầu và việc Nga mất thị trường châu Âu. Tuy nhiên, Nga đã phá bỏ mức giá trần bằng cách tập hợp một đội tàu bóng tối, cho phép họ xuất khẩu phần lớn dầu mà không cần dựa vào tàu và bảo hiểm của phương Tây.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga đã kiếm được 15,6 tỷ USD từ xuất khẩu dầu trong tháng 1/2024, trong khi con số này vào mùa hè năm ngoái là 11,8 tỷ USD.
Theo dữ liệu chính thức, GDP của Nga tăng 3,6% vào năm 2023, vượt mức trung bình trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên toàn cầu là 3% trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển chỉ là 1,5%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo mức tăng trưởng GDP của Nga trong năm 2024 là 2,6%. Phần lớn sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga là nhờ việc chính phủ nước này chi tiêu mạnh cho các ngành công nghiệp phục vụ cho chiến dịch quân sự đặc biệt và các biện pháp kích thích tài chính nhằm xoa dịu người dân trong nước.