Bảo tàng tưởng niệm thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản

Lệ Trinh |

Mở cửa từ tháng 9-2020, Bảo tàng Tưởng niệm thảm họa hạt nhân và động đất phía Đông Nhật Bản (quận Futaba, tỉnh Fukushima) thu thập, trưng bày kho tư liệu về những gì đã xảy ra ở Fukushima vào năm 2011, cách ứng phó với thảm họa, bài học được rút ra và những nỗ lực hồi sinh.

Những năm gần đây, nhiều bảo tàng được hoàn thành trên khắp vùng Tohoku (Nhật Bản) với mục đích trưng bày tư liệu và bài học kinh nghiệm từ thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011. Trong khi nhiều cơ sở cung cấp tư liệu về thiệt hại do sóng thần gây ra thì Bảo tàng Tưởng niệm thảm họa hạt nhân và động đất phía Đông Nhật Bản tập trung vào sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Bảo tàng tưởng niệm thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Bảo tàng Tưởng niệm thảm họa hạt nhân và động đất phía Đông Nhật Bản

Tính đến tháng 10-2022, đã có hơn 150.000 lượt khách đến tham quan bảo tàng. Khoảng 270.000 tư liệu, hiện vật liên quan đến trận động đất phía Đông Nhật Bản và thảm họa hạt nhân được bố trí theo trình tự thời gian, chia làm 6 khu vực: sân khấu giới thiệu, thảm họa, ứng phó sau sự cố nhà máy điện hạt nhân, suy nghĩ của công dân, ảnh hưởng của thảm họa hạt nhân kéo dài và cuối cùng là thách thức tái thiết.

Bảo tàng tưởng niệm thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản - Ảnh 2.

Sân khấu giới thiệu tại tầng 1 bảo tàng

Chuyến tham quan bảo tàng bắt đầu từ sân khấu giới thiệu ở tầng 1. Tại đây, các màn hình lớn có chức năng "kể" khái quát về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân; trận động đất, sóng thần, sự cố hạt nhân, việc sơ tán cư dân và công cuộc tái thiết.

Bảo tàng tưởng niệm thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản - Ảnh 3.

"Dòng thời gian" hình thành nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi

Dọc theo đoạn đường uốn lượn đưa du khách đến khu vực triển lãm ở tầng 2, người ta bố trí những bức ảnh theo "dòng thời gian" hình thành nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, diễn biến thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011 và sự cố nhà máy điện hạt nhân ngay sau đó.

Năm 2010, dân số của tỉnh Fukushima là khoảng 2,04 triệu người. Cùng với công nghiệp chế tạo, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng phát triển mạnh. Tuy nhiên, vào ngày 11-3-2011, một trận động đất 9 độ Richter xảy ra, cơn sóng thần liền theo đó tấn công khu vực bờ biển Thái Bình Dương của vùng Tohoku (Nhật Bản).

Mất mát không dừng lại ở đó. Vào 15 giờ 36 phút, ngày 12-3-2011, một vụ nổ xảy ra tại tòa nhà lò phản ứng số 1 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Tiếp sau đó, hai vụ nổ lần lượt xảy ra trong tòa nhà lò phản ứng số 3 và 4 vào ngày 14, 15-3-2011.

Bảo tàng tưởng niệm thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản - Ảnh 4.

Du khách xem video giải thích nguyên nhân của sự cố hạt nhân

Bảo tàng tưởng niệm thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản - Ảnh 5.

Diễn biến về vụ nổ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi được trình chiếu tại bảo tàng

Sau khi nhà máy điện hạt nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm, các lệnh sơ tán liên tục được ban hành. Ngoài những tài liệu, video giải thích nguyên nhân của sự cố hạt nhân, bảo tàng còn thiết lập các mô hình để du khách hiểu sâu hơn về thảm họa phức tạp chưa từng có này.

Bảo tàng tưởng niệm thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản - Ảnh 6.

Mô hình Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi sau vụ tai nạn

Tình trạng hỗn loạn ngay sau sự cố hạt nhân, sự khắc nghiệt của cuộc sống sơ tán từ nơi này sang nơi khác được diễn giải ở khu vực thứ 3 - ứng phó sau sự cố. Khu vực đặc biệt thu hút đông du khách bởi một màn hình lớn trình chiếu về tình hình căng thẳng của tuần đầu tiên sau thảm họa.

Bảo tàng tưởng niệm thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản - Ảnh 7.

Màn hình lớn cho thấy thực tế của tuần đầu tiên sau thảm họa

Từ đây, khách tham quan có thể hình dung những xáo trộn mà người dân phải đối mặt. Họ sợ hãi khi không còn nhà và công việc. Họ mất tất cả và bắt đầu cuộc sơ tán dài hạn. Sự kết hợp giữa video, ảnh chụp, đồ thị và chú thích đã truyền tải một cách mạnh mẽ tiếng nói, suy nghĩ và cảm xúc của người dân địa phương về những gì đã xảy ra và những bài học nào có thể thu thập được để chuẩn bị và giảm thiểu các thảm họa trong tương lai.

Bảo tàng tưởng niệm thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản - Ảnh 9.

Bộ đồ hazmat được trưng bày tại bảo tàng

Hơn 10 năm trôi qua, tỉnh Fukushima vẫn đang dần tiến tới hồi sinh. Trong khi có những người buộc phải rời quê hương vì sơ tán, thì cũng có người đã trở lại và làm nên những điều mới, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Bảo tàng tưởng niệm thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản - Ảnh 10.

Hình ảnh người dân sau thảm họa động đất - sóng thần và sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi được triển lãm tại bảo tàng

Các thông tin về hoạt động tái thiết được bảo tàng đưa vào triển lãm, cập nhật theo thời gian thực với mục đích tạo ra năng lượng và động lực cần thiết cho các sáng kiến phục hồi ​​trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại