18.000 chiếc sọ người ở bảo tàng Pháp thuộc về ai?

HOÀNG LINH |

Các nhà phê bình cho hay Bảo tàng Con người tại Pháp che giấu thông tin về bộ sưu tập khổng lồ 18.000 chiếc sọ người và có thể đối mặt với nhiều yêu cầu hoàn trả.

Theo New York Times, Bảo tàng Con người Pháp đang nắm giữ một bộ sưu tập di vật khổng lồ gồm hơn 18.000 chiếc sọ người. Các nhà phê bình và học giả cho rằng thông tin về bộ sưu tập nhạy cảm này đang bị che giấu do e ngại về các xung đột ngoại giao và yêu cầu hoàn trả từ những nước và tổ chức có liên quan.

18.000 chiếc sọ người ở bảo tàng Pháp thuộc về ai? - Ảnh 1.

Một hộp sọ được trưng bày tại Bảo tàng Con người. (Ảnh: NYT)

Bộ sưu tập 18.000 hộp sọ

Với mặt tiền tráng lệ theo phong cách Art Deco nhìn ra Tháp Eiffel, Musée de l’Homme, hay Bảo tàng Con người, là một địa danh nổi tiếng của Paris. Mỗi năm, hàng trăm nghìn du khách đổ xô đến bảo tàng nhân chủng học này để chiêm ngưỡng những bộ xương thời tiền sử và những bức tượng cổ.

Nhưng bên dưới các phòng trưng bày, ẩn dưới tầng hầm, là một bộ sưu tập gây tranh cãi - 18.000 hộp sọ, gồm cả hài cốt của các thủ lĩnh bộ lạc châu Phi, binh lính trong cuộc nội chiến Campuchia và người bản địa châu Đại Dương. Nhiều trong số này được thu thập tại các thuộc địa cũ của Pháp. Bộ sưu tập cũng bao gồm hộp sọ của hơn 200 người Mỹ bản địa, bao gồm các bộ lạc Sioux và Navajo.

Phần còn lại, được giữ trong các hộp các tông đặt trên các giá đỡ kim loại, tạo thành một trong những bộ sưu tập sọ người lớn nhất thế giới, có nguồn gốc kéo dài hàng thế kỷ và từ khắp mọi nơi trên trái đất.

Bộ sưu tập này là lời nhắc nhở rõ ràng về quá khứ nhạy cảm và do đó được giữ bí mật nghiêm ngặt. Thông tin về danh tính của các hộp sọ chưa bao giờ được công khai, nhưng được phác thảo trong các tài liệu bảo tàng do New York Times thu thập được.

Một bản tự thuật tuyệt mật ghi rằng bộ sưu tập bao gồm xương của Mamadou Lamine, một nhà lãnh đạo Hồi giáo Tây Phi ở thế kỷ 19, một người đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại quân đội thuộc địa Pháp, một gia đình người Inuit Canada được trưng bày trong vườn thú người ở Paris năm 1881 và 5 nạn nhân của nạn diệt chủng người Armenia vào giữa thập niên 1910.

Không minh bạch trong thông tin khiến Pháp "chậm trễ"

Philippe Mennecier, một nhà ngôn ngữ học đã làm việc dưới tư cách quản lí trong 4 thập kỷ tại Bảo tàng Con người, cho biết lãnh đạo ở đây sợ tai tiếng và cho rằng phải giấu kĩ bộ sưu tập đầy tranh cãi này.

Sự không minh bạch đó đã mâu thuẫn với chủ trương của Pháp ngày càng coi trọng di sản thuộc địa của mình. Xu hướng này đã và đang làm thay đổi nhiều tổ chức văn hóa của nước này. Sự mập mờ cũng cản trở các yêu cầu hoàn trả di vật từ các thuộc địa cũ hoặc các dân tộc khác. Và hài cốt thường được coi là ưu tiên hàng đầu trong những yêu cầu này - một vấn đề hiện được các viện bảo tàng lớn của châu Âu rất quan tâm.

Trong khi Pháp đi đầu ở châu Âu trong việc điều tra và trao trả các hiện vật văn hoá thời thuộc địa, thì nước này lại chậm trễ trong việc hoàn trả di hài.

18.000 chiếc sọ người ở bảo tàng Pháp thuộc về ai? - Ảnh 2.

Một góc Bảo tàng Con người tại Pháp. (Ảnh: NYT)

Các bảo tàng ở Đức, Hà Lan và Bỉ đều đã phát triển các giao thức rõ ràng để xử lý hài cốt, với các tiêu chí hoàn trả khác nhau đối với từng di vật. Yêu cầu hoàn trả các hiện vật văn hóa thường xem xét dựa theo phương thức chúng được sưu tập. Đối với hài cốt, người yêu cầu hoàn trả thường chỉ phải chứng minh mối liên hệ huyết thống. Trong một số trường hợp nổi tiếng gần đây, các viện bảo tàng quốc gia tại các nước kể trên đã trả lại hộp sọ và đầu xác ướp, hứa hẹn về sự minh bạch và trách nhiệm trong tương lai.

Tại Mỹ, luật liên bang năm 1990 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao trả hài cốt của người Mỹ bản địa. Một số trường đại học và viện bảo tàng nổi tiếng, bao gồm Bảo tàng Khảo cổ học và Nhân chủng học của Đại học Pennsylvania và Viện Smithsonian, đã thảo luận và phát triển các phương thức xử lý hài cốt của những người nô lệ trong bộ sưu tập của mình.

Nhưng ở Pháp, theo các nhà phê bình, Bảo tàng Con người hạn chế nghiên cứu các vật phẩm nhạy cảm trong bộ sưu tập của mình, giữ lại thông tin cần thiết cho các yêu cầu hoàn trả và bồi thường. Bảo tàng có chính sách lâu dài là chỉ trả lại những di vật “được xác định trên danh nghĩa”, nghĩa là những mảnh thi thể của một người cụ thể có mối liên hệ huyết thống với người yêu cầu hoàn trả.

Một số học giả nói rằng đó là một chiến thuật được tạo ra để "gây khó dễ" quá trình hoàn trả. Tuy nhiên, Christine Lefèvre, một quan chức hàng đầu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên - cơ quan giám sát Bảo tàng Con người tại Pháp, cho biết các nghiên cứu khoa học bài bản luôn có cơ hội tiếp xúc với các bộ sưu tập.

Tranh cãi xung quanh bộ sưu tập

Luật pháp tại Pháp cũng khiến quá trình hoàn trả tốn nhiều thời gian và gặp nhiều trở ngại.

Cũng như các bảo tàng thế kỷ 19 khác, bảo tàng này ban đầu là kho lưu trữ các vật phẩm được thu thập từ khắp nơi trên thế giới. Các hộp sọ được thu thập trong các cuộc khai quật khảo cổ và đôi khi là từ những người lính đã hành quyết lực lượng kháng chiến. Qua nhiều năm, những hài cốt này đã rơi vào quên lãng.

Năm 1989, ông Mennecier đã tập hợp cơ sở dữ liệu điện tử đầu tiên của bộ sưu tập. Nó cho phép ông xác định hàng trăm hộp sọ có khả năng gây “tranh cãi pháp lý”. Hài cốt của người bản địa và các chiến binh chống thực dân rất có thể được con cháu họ yêu cầu hoàn trả.

Trong nhiều năm, Mennecier nhiều lần cảnh báo các nhà lãnh đạo bảo tàng về tính nhạy cảm của các hài cốt, thúc giục họ “thông báo cho các cơ quan chính phủ, có thể là các đại sứ quán hoặc các cộng đồng có liên quan.”

Ông Mennecier và Alain Froment - một nhà nhân chủng học tại bảo tàng, cho biết những lời kêu gọi đó bị bỏ qua, khiến các chính phủ nước ngoài và cộng đồng bản địa không hề có thông tin gì về bộ sưu tập này.

Shannon O'Loughlin, giám đốc điều hành một tổ chức phi lợi nhuận quảng bá di sản văn hóa của người Mỹ bản địa, cho biết rất khó để biết được có những gì trong bộ sưu tập của họ. Cô cũng cảm thấy rất thất vọng khi biết về những chiếc đầu lâu của người Sioux và Navajo trong tầng hầm của Bảo tàng Con người Pháp.

Bảo tàng chỉ công bố phiên bản trực tuyến rút gọn của cơ sở dữ liệu hộp sọ. Bản trực tuyến này không chia sẻ tên hoặc chi tiết tiểu sử các hài cốt.

Lefèvre và Martin Friess, người chịu trách nhiệm về các bộ sưu tập nhân chủng học hiện đại của Bảo tàng Con người, cho biết thông tin đã bị giữ lại vì lo ngại về quyền riêng tư, lo ngại gây tranh cãi và một số hài cốt chưa thể chắc chắn danh tính hoàn toàn. Friess cho biết nguồn gốc của một hộp sọ được cho rằng thuộc về một thủ lĩnh người Sioux tên là White Cloud chưa được xác thực.

Nhưng một số học giả và nhà lập pháp cho biết lập trường của bảo tàng xuất phát từ việc không muốn hoàn trả các di vật và hài cốt.

Giống như các tổ chức khác, Bảo tàng Con người đã phải đối mặt với các yêu cầu hoàn trả ngày càng tăng. Tuy nhiên, bảo tàng không đầu tư đáng kể vào việc nghiên cứu nguồn gốc bộ sưu tập hài cốt người, cũng như không công bố phương thức xử lý và hoàn trả.

Trong hai thập kỷ qua, Pháp chỉ trao trả khoảng 50 bộ hài cốt cho Nam Phi, New Zealand và Algeria. Theo một nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa Brandenburg, Đức đã trả lại gấp tám lần trong cùng khoảng thời gian.

18.000 chiếc sọ người ở bảo tàng Pháp thuộc về ai? - Ảnh 3.

Nỗ lực hoàn trả di vật của Bảo tàng Übersee ở Bremen, Đức. (Ảnh: NYT)

Jeremiah Garsha, một nhà sử học tại Đại học College Dublin cho biết điều này khiến Pháp dường như bị tụt lại phía sau, đồng thời phát biểu thêm rằng Pháp “có lịch sử thuộc địa lâu đời hơn” và “chậm trễ hơn" trong các nỗ lực hoàn trả so với Đức.

Một phần lý do cho việc này là các chính sách yêu cầu xác định danh nghĩa của Bảo tàng Con người. Theo Mennecier và Froment, các kế hoạch trả lại hài cốt của người bản địa Úc trong bộ sưu tập đã phải hoãn lại do gặp khó khăn trong việc xác định nguồn gốc.

Tuy nhiên, chính sách này không được các bảo tàng châu Âu khác áp dụng và bị chỉ trích là “không có cơ sở pháp lý rõ ràng”.

Lefèvre, quan chức bảo tàng, nói rằng tiêu chí “liên kết với cộng đồng” quá mơ hồ, đồng thời lưu ý rằng rất khó để truy vết lại mối liên hệ với các nhóm bản địa thế kỷ 19. Nhưng bà nói thêm rằng hộp sọ vô danh của nhiều cá nhân chẳng hạn như các thủ lĩnh bộ lạc có thể xem xét trả lại được.

Để làm cho vấn đề phức tạp hơn, các đồ vật trong các bộ sưu tập của bảo tàng công cộng là tài sản của nhà nước Pháp và không thể thay đổi quyền sở hữu trừ khi việc trả lại được biểu quyết thành luật. Quy trình rườm rà này đôi khi khiến Pháp phải “cho mượn” hài cốt thay vì nhượng lại quyền sở hữu.

Một đại diện của Bộ Văn hóa Pháp cho biết các quan chức đang soạn thảo một đạo luật sâu rộng để điều chỉnh việc trao trả hài cốt trong tương lai.

Nhưng Pierre Ouzoulias, một thượng nghị sĩ của Pháp, người đã đưa ra một số báo cáo về việc bồi thường, cho biết chính phủ đã không thể hiện thiện chí với sự điều chỉnh này. Chính phủ đã từ chối đề xuất của Thượng viện thành lập một hội đồng tư vấn khoa học về việc hoàn trả và vẫn chưa xem xét một dự luật được Thượng viện thông qua vào tháng 1.

Mennecier, người phụ trách, và Delpuech, cựu giám đốc Bảo tàng Con người, cả hai đều cho rằng động thái “gây khó dễ" của bảo tàng và chính phủ sẽ để lại hậu quả.

Ouzoulias cho biết Pháp có nguy cơ “xảy ra xung đột ngoại giao lớn với một số quốc gia khi họ biết nội dung trong các bộ sưu tập của chúng tôi”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại