Mộ cổ Ai Cập 3.800 tuổi độc đáo: Mỗi năm tự bừng sáng một lần

Thu Anh |

Một ngôi mộ cổ Ai Cập đã trở thành minh chứng cho nền văn minh vượt thời gian từng ngự trị ở vùng đất này.

Theo Live Science, ngôi mộ độc đáo được phát hiện gần Aswan - Ai Cập, nằm trong nghĩa địa cổ Qubbet el-Hawa, chôn cất 2 người đứng đầu các thành bang cổ đại. Vào thời cổ đại, kẻ trộm mộ đã lấy đi hầu hết các tài vật quý giá bao gồm 2 xác ướp, tuy nhiên bản thân ngôi mộ còn lại vẫn là một báu vật vô song.

Ngôi mộ cổ Ai Cập này sở hữu một nhà nguyện ban đầu được đặt tượng của vị thống đốc hay lãnh chúa đã xây dựng lăng mộ, tuy nhiên việc xây dựng này chưa bao giờ được hoàn tất. Bên trong nhà nguyện là một bức tượng còn dở dang. Nguyên nhân vì sao vẫn chưa rõ.

Mộ cổ Ai Cập 3.800 tuổi độc đáo: Mỗi năm tự bừng sáng một lần - Ảnh 1.

Lối vào nhà nguyện của ngôi mộ cổ Ai Cập - Ảnh: Trường Đại học Jaén và Málaga

Thế nhưng điểm độc đáo nhất lại nằm ở kiến trúc của nhà nguyện. Mỗi năm vào ngày Đông Chí (22-12), toàn bộ nhà nguyện lại tự bừng sáng lên rực rỡ.

Hiện tượng nhuốm màu kỳ bí này thật ra là khoa học thuần túy: Lối vào nhà nguyện được tính toán tỉ mỉ khi xây dựng để tia nắng mặt trời đông chí chiếu thẳng vào bên trong - và chỉ một ngày đó mới có thể chiếu thẳng hoàn toàn để thắp sáng không gian bên trong nhà nguyện.

Điều này một lần nữa khẳng định nền văn minh "vượt thời gian" của người Ai Cập cổ đại, những con người sớm sở hữu hiểu biết trước thời đại về nhiều lĩnh vực, bao gồm thiên văn học và toán học, đặc biệt là hình học không gian, đã giúp họ xây nên những kỳ quan như ngôi mộ cổ nói này.

Mộ cổ Ai Cập 3.800 tuổi độc đáo: Mỗi năm tự bừng sáng một lần - Ảnh 2.

Cấu trúc đặc biệt của nhà nguyện - Ảnh: Trường Đại học Jaén và Málaga

"Ngày đông chí đánh dấu sự khởi đầu của chiến thắng hàng ngày của ánh sáng trước bóng tối, đỉnh điểm là ngày hạ chí"; "Sau ngày đông chí, ngày bắt đầu dài hơn, được hiểu là sự tái sinh. Khái niệm này được chuyển sang thế giới vật chất, cụ thế là chiếu vào bức tượng vị thống đốc đã chết" - hai nhà nghiên cứu María Dolores Joyanes Díaz và Alejandro Jiménez-Serano từ Trường Đại học Jaén và Málaga giải thích.

Ngôi mộ cổ Ai Cập này được phát hiện lần đầu vào năm 1885 bởi nhà Ai Cập học Sir Ernest Alferd Thompson Wallis Budge, tuy nhiên mãi đến giai đoạn 2008-2018 mới được khai quật. Các kết quả phân tích cho thấy ngôi mộ đã 3.800 tuổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại