Tượng Thành Cát Tư Hãn ở Mông Cổ (ảnh: The Guardian)
Bảo tàng Lịch sử Nantes, Pháp, cho biết, họ sẽ dừng tổ chức cuộc triển lãm đặc biệt về Thành Cát Tư Hãn – vị hoàng đế nổi tiếng của Mông Cổ – vô thời hạn.
Theo thông báo, bảo tàng Nantes đã lên kế hoạch cho buổi triển lãm đặc biệt này suốt 3 năm nhưng không thể thực hiện vì Trung Quốc “gây áp lực”.
Cuộc triển lãm này được tổ chức với sự hợp tác của Bảo tàng Nội Mông ở thành phố Hohhot, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc và Bảo tàng Lịch sử Nantes.
“Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi buộc phải dừng triển lãm. Quyết định này của chúng tôi dựa trên giá trị nhân văn của lịch sử và khoa học”, Bertrand Guillet – giám đốc bảo tàng Nantes – phát biểu.
Ông Guillet bày tỏ bất bình và cáo buộc giới chức Trung Quốc yêu cầu triển lãm không được gọi Thành Cát Tư Hãn là Thành Cát Tư Hãn, từ “Thành Cát Tư Hãn” (Genghis Khan) phải bị cấm sử dụng, từ “Đế chế Mông Cổ” (Mongol emperor) cũng bị cấm dùng.
Nhiều tài liệu, cổ vật, bản đồ của Đế chế Mông Cổ cũng không được sử dụng trong triển lãm.
Theo ông Guillet, nếu bảo tàng Nantes không làm theo yêu cầu trên, Trung Quốc sẽ không cho họ mượn hiện vật. Vì vậy, cuộc triển lãm buộc phải tạm dừng.
Bảo tàng Nantes tuyên bố họ không thể chấp nhận việc “viết lại lịch sử” về Thành Cát Tư Hãn.
Bảo tàng này cũng cáo buộc Trung Quốc thực hiện “kiểm duyệt lịch sử” và cho rằng, Bắc Kinh đang có “thái độ cứng rắn” đối với các dân tộc sống ở khu tự trị Nội Mông.
Thành Cát Tư Hãn (1162 – 1227) là người đặt nền móng cho Đế chế Mông Cổ nổi tiếng thế giới.
Ông tổ chức chinh phạt trên khắp lục địa Á – Âu và giành nhiều thắng lợi cùng đội kỵ binh khét tiếng của mình.
Cháu nội Thành Cát Tư Hãn – Hốt Tất Liệt – sau đó chiếm được Trung Hoa, thành lập nhà Nguyên. Thành Cát Tư Hãn được suy tôn là Nguyên Thế Tổ.
Bảo tàng Nantes cho biết, họ sẽ hợp tác với các đối tác ở Mỹ, châu Âu để tìm thêm hiện vật và cố gắng tổ chức một cuộc triển lãm “đúng nghĩa” về Thành Cát Tư Hãn trong thời gian sớm nhất.