Cử tri xã "tâm dịch" Mão Điền (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đi bầu cử bảo đảm an toàn phòng dịch. Ảnh: Thanh Thương/ttxvn
Bài viết đánh giá cao việc Việt Nam đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch nhằm đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đồng thời nhận định Quốc hội khóa mới được kỳ vọng cùng Đảng và Chính phủ hoạch định và triển khai chính sách đối nội và đối ngoại nhằm thực mục tiêu Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Đáng chú ý, bài viết đề cao sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và CH Séc.
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, bài viết cho biết, do dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại, nhằm đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra an toàn, Việt Nam đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng chống dịch, nhất là đảm bảo quy trình phòng chống dịch tại các điểm bầu cử như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay sát khuẩn.
Bài viết cho rằng đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng để người dân Việt Nam thể hiện tiếng nói đối với nhân sự ban lãnh đạo đất nước và kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương. Tại cuộc bầu cử, gần 70 triệu cử tri sẽ bầu 500 đại biểu Quốc hội, gần 4.000 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, hơn 20.000 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và hơn 240.000 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV diễn ra sau khi Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuối tháng 1 vừa qua. Do đó, Quốc hội khóa mới được kỳ vọng tham gia cùng chính phủ và đảng hoạch định và triển khai chính sách đối nội và đối ngoại nhằm thực mục tiêu Đại hội Đảng XIII đã đề ra, nhất là đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ 21.
Theo tác giả bài viết, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trên thế giới và ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó đáng chú ý là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Đặc biệt, EVFTA được kỳ vọng tạo động lực góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU, trong đó có CH Séc.
Về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và CH Séc, bài viết nhận định mối quan hệ hợp tác truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và CH Séc trong những năm gần đây, không ngừng được củng cố và tăng cường trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng. Điều này được thể hiện thông qua các chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, trong đó có chuyến thăm Việt Nam năm 2017 của Tổng thống Séc, chuyến thăm CH Séc năm 2017 của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, chuyến thăm CH Séc năm 2019 của Thủ tướng Việt Nam. Cộng đồng người Việt tại Séc ngày càng hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại, đóng vai trò là cầu nối quan trọng trong việc tăng cường sự hiểu biết và tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt - Séc.
Theo tác giả, CH Séc coi Việt Nam là đối tác truyền thống ở khu vực Đông Nam Á và là cửa ngõ để thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước ASEAN. Quốc gia thành viên EU đã tích cực ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 cũng như thúc đẩy Nghị viện châu Âu phê chuẩn hiệp định EVFTA. Đáng chú ý, ngay sau khi EVFTA được EP phê chuẩn vào đầu năm 2020, Hạ viện Séc là một trong số nghị viện các quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA).
Bài viết kết luận, thời gian tới đây, quan hệ giữa hai nước được kỳ vọng sẽ có bước phát triển lên tầm cao mới khi Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực và đi vào thực hiện.