Từ năm 1999 đến nay đã 22 năm, tôi thường xuyên lui tới Việt Nam, trong đó có ba khoảng thời gian tương đối dài mà tôi sống ở Việt Nam. Hai lần du học, một lần công tác.
Đối với Việt Nam, tôi có quá nhiều cảm nhận và nhận thức. Hãy nói từ cà phê trước. Uống cà phê là thói quen thường nhật của người dân Việt Nam. Ở các đô thị của Việt Nam, các quán cà phê rất phổ biến và rất khác biệt, với những phong thái và đặc sắc riêng biệt. Trên một con phố nhỏ, ngắn xuất hiện 5-6 quán cà phê là chuyện bình thường. Uống cà phê không phải là chuyện xa xỉ, một ly cà phê bình thường tính ra chỉ có giá khoảng vài nhân dân tệ.
Đối với bản thân tôi, điều thích thú nhất là thưởng thức kỹ lưỡng hương vị phong phú nồng đượm của cà phê Việt Nam bằng tâm thế thoải mái và dễ chịu. Tìm đến một quán cà phê vỉa hè trong một chiều cuối tuần, gọi ra ly cà phê phin, ngắm dòng người qua lại, vô lo vô nghĩ. Cà phê cứ tự nhiên nhỏ từng giọt tí tách xuống ly, thời gian trôi qua một cách tự do tự tại.
Dư vị của cà phê chưa dứt, tôi xin tiếp tục nói đến một món mỹ thực đại chúng của Việt Nam. Ở Hà Nội, phở là món ăn thịnh hành. Dù là trên phố đông nhộn nhịp hay trong các ngõ nhỏ lắt léo, bạn thường xuyên có thể bắt gặp các hàng phở xuất hiện với bàn ăn nhỏ bằng nhựa, cao khoảng nửa mét, bốn phía là những chiếc ghế nhựa còn nhỏ bé hơn.
Chỉ thấy đôi tay lão luyện của cô chủ chần bánh phở trong nước dùng nghi ngút, rồi vớt ra bánh phở đã mềm, đổ vào trong bát lớn, thêm chút hành hoa, tiêu xay, tỏi ớt. Cô lại bỏ thịt gà vào nước dùng đảo nhanh, cuối cùng bát phở nóng thơm phức đã đến trước mặt thực khách.
Trên bàn nhựa bày những tương ớt, giấm trắng, tỏi tươi và chanh... Bạn có thể tự mình thêm vào những gia vị ưa thích. Món phở bình dị sẽ lập tức tỏa ra mùi hương đầy cuốn hút. Bạn chỉ cần một tay cầm đũa, tay kia cầm thìa mà tận tình thưởng thức, chẳng cần bận tâm điều gì.
Trong vai trò phóng viên Trung Quốc thường trú tại Việt Nam, hầu như mỗi ngày "theo quán tính" tôi đều phải uống một ly cà phê phin, ăn một bát phở gà. Từ lâu tôi đã hòa nhập vào đời sống ẩm thực bản địa.
Khi người thân và bạn bè đến Việt Nam du lịch, tôi đều đưa họ đi trải nghiệm các loại mỹ thực khác nhau, mà cà phê cùng phở là những món nhất định không thể bỏ qua. Tôi cũng nói với mọi người rằng phở có thể ăn ngày ba bữa, nhưng cà phê không nên uống nhiều vì có thể khiến người ta mất ngủ, hai là khiến người ta "say".
Rất nhiều bằng hữu hỏi tôi: Anh đi thường trú ở Việt Nam, ăn món ăn địa phương có quen không? Thực ra, ẩm thực Việt Nam và Trung Quốc vừa có những nét đồng điệu và cũng có khác biệt. Các món ăn Trung Quốc nhấn mạnh đầy đủ các nhân tố sắc, hương vị. Do khác nhau về địa lý, khí hậu, sản vật, văn hóa,... hương vị ẩm thực cũng khác xa nhau. Các món ăn phương Bắc có khẩu vị đậm đà, ẩm thực phương Nam thì thanh đạm hơn.
Tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh Quảng Tây, địa phương giáp với Việt Nam. Các món ăn bản địa nổi tiếng như gà luộc, vịt quay, phở, bánh bao, lạp xưởng,... có cách thức chế biến và mùi vị rất gần gũi với Việt Nam. Trong đó, món ăn để lại ấn tượng sâu sắc cho tôi chính là gà luộc và vịt quay Lạng Sơn.
Cho nên, khi tôi thưởng thức các món ăn ở Việt Nam có thể nhận thấy một chút khác biệt trong đó, lại khiến tôi cảm nhận thêm phần thân thiết.
Tôi đã ăn bún ốc ở Phủ Tây Hồ, ăn bún bò Huế ở thành phố Huế, hay uống cà phê trứng. Ở Hà Nội, tôi từng đi qua phố Bát Đàn nhưng hàng phở nổi tiếng ở đây rất đông khách, lại nghĩ rằng còn ở Việt Nam lâu, nên đến giờ khi đã trở về Trung Quốc tôi vẫn chưa có cơ hội thưởng thức phở ở đây. Khi đại dịch Covid-19 qua đi và có cơ hội trở lại Việt Nam, tôi chắc chắn sẽ đến đây trải nghiệm.
Nhiều năm qua, tôi đã liên tục đi và về Việt Nam, đi đến nhiều tỉnh thành ở Bắc, Trung, Nam. Mỗi địa phương đều có đặc sản riêng, vì sao chỉ nói nhiều về cà phê và phở?
Có hai nguyên nhân. Thứ nhất là cá nhân tôi đúng là rất thích cà phê phin và phở gà. Thứ hai, từ cà phê và phở, tôi đã nhìn thấy sự phát triển và tiến bộ không ngừng của nền kinh tế-xã hội Việt Nam.
Tháng 9/2001, lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, du học 1 năm tại Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Khi ấy, các quán cà phê và hàng phở đều là những hàng quán manh mún nhỏ lẻ. Ngày nay, đã có những chuỗi thương hiệu vận hành quy mô.
Một địa phương có thể sinh ra những doanh nghiệp vận hành chuỗi thương hiệu thì chắc chắn là kinh tế thịnh vượng, xã hội ổn định, người dân bản địa sung túc mới giúp cho doanh nghiệp mở ra nhiều nhà hàng hơn, thông qua mô hình kinh doanh được quy phạm để thúc đẩy hiệu quả và quy mô kinh tế. Những chuỗi thương hiệu lớn trên thế giới phát triển cũng không nằm ngoài quy luật phát triển này. Thiết nghĩ, tại những nơi nhiều biến động, người dân không được an cư lạc nghiệp, làm sao có thể bồi dưỡng nên những doanh nghiệp như thế?
Điều quan trọng hơn là, tôi đã nhìn thấy hai nước - Việt Nam và Trung Quốc - đang có sự phát triển quốc gia đi trên quỹ đạo chính xác, kinh tế vững bước tăng trưởng nhanh chóng, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao.
Trong tương lai, tôi mong rằng nhân dân hai nước có thể tự tin và kiên định hơn để cùng nhau tiến về phía trước, dùng đôi tay cần cù để tạo nên cuộc sống mới tốt đẹp, hạnh phúc hơn.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại