Một phi công của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc thực hiện một bài tập mô phỏng đối đầu với Đài Loan vào ngày 7-8 - Ảnh: TÂN HOA XÃ
Nhiều cuộc chiến tranh kinh hoàng nhất của thế kỷ 20 đã diễn ra ở châu Á : khu vực Thái Bình Dương, kéo dài từ Đông Dương đến bán đảo Triều Tiên, trải qua Thế chiến thứ 2.
Ngược lại, thế kỷ 21 chủ yếu là thời kỳ của hòa bình và cơ hội cho tăng trưởng kinh tế. Song, những căng thẳng gần đây trong khu vực cho thấy các cuộc xung đột "đang ngủ yên" ở châu Á có khả năng bị đánh thức.
Đài Loan
Khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan, phản ứng giận dữ của Trung Quốc khiến các nước trong khu vực không khỏi lo lắng.
Giới quan sát cũng lo lắng xung đột Nga - Ukraine có thể khiến Trung Quốc thực hiện các động thái gây căng thẳng với Đài Loan.
Ông Nick Marro, một nhà phân tích của Economist Intelligence Unit, nhận định nguy cơ xung đột ở eo biển Đài Loan có thể xảy ra do một tính toán sai lầm mà không ai mong muốn, "chẳng hạn như va chạm giữa máy bay chiến đấu Trung Quốc và Đài Loan".
Trung Quốc và Ấn Độ
Dãy Himalaya từng chứng kiến các cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, bắt đầu bởi một cuộc đụng độ ngắn năm 1962.
Gần nhất, năm 2020, 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc đã tử vong trong một cuộc đụng độ tại khu vực tranh chấp dọc biên giới giữa hai nước.
Ông Srikanth Kondapalli, hiệu trưởng của Trường Nghiên cứu quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru, cho biết xung đột lớn hơn giữa Ấn Độ và Trung Quốc "hoàn toàn có thể" xảy ra trong 5 năm tới.
Trung Quốc và Nhật Bản
Trung Quốc bắt đầu có nỗ lực rõ ràng về vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản từ năm 2008, khi các tàu hải giám Trung Quốc tuần tra các đảo phụ cận và vùng biển thuộc quần đảo này.
Tháng 9-2012, Tokyo quyết định mua lại 3 trong 5 đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư từ một chủ sở hữu người Nhật. Bắc Kinh đã phản ứng kịch liệt.
Dù Mỹ không tuyên bố quan điểm về chủ quyền quần đảo, chính quyền các đời của họ đều khẳng định Senkaku/Điếu Ngư nằm trong Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ và sẽ được bảo vệ nếu bị tấn công.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tham dự sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân đội Cách mạng nhân dân Triều Tiên vào ngày 27-4 - Ảnh: KCNA
Triều Tiên và Hàn Quốc
Bốn năm trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc đương thời Moon Jae In đã gặp gỡ tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm ngăn cách hai nước. Thế nhưng đại dịch COVID-19 bùng phát và quan hệ cũng không có tiến triển thêm.
Bình Nhưỡng sau đó tiếp tục tăng cường các chương trình vũ khí quân sự. Trong khi đó, tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng chọn nối lại các cuộc tập trận quân sự với Mỹ và tập trung vào việc ứng phó trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Triều Tiên.
Ấn Độ và Pakistan
Ấn Độ và Pakistan đã xảy ra 4 cuộc chiến kể từ cuộc chia cắt đẫm máu vào năm 1947, dẫn đến sự ra đời của 2 quốc gia. Ngày nay, các chuyên gia tin rằng bất chấp sự thù địch, Ấn Độ và Pakistan sẽ không rơi vào tình trạng chiến tranh trong 5 năm tới.
Ông Shuja Nawaz, một thành viên tại Viện nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng cả Ấn Độ và Pakistan đều không sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn diện, bởi các vấn đề kinh tế mà cả hai nước đang phải đối diện.
Afghanistan
Khi quân đội Mỹ rút lui sau hai thập kỷ chiếm đóng, Taliban đã giành quyền kiểm soát Afghanistan. Kể từ đó, Liên Hiệp Quốc ước tính bạo lực tại Afghanistan đã giảm xuống 18% so với mức trước đây.
Tuy nhiên, đất nước này còn có những vấn đề khác như nạn đói và tình trạng thiếu thuốc men tràn lan.
Với việc Taliban dường như không kiểm soát được nhiều khu vực, giới chuyên gia đánh giá các nước láng giềng như Pakistan, Iran, thậm chí là Trung Quốc, có thể cố gắng lấp đầy khoảng trống quản lý. Viễn cảnh này từng dẫn đến các cuộc chiến tranh ủy nhiệm trong quá khứ.