Binh lính Taliban sau khi kiểm soát thủ đô Afghanistan. Ảnh: CNN.
Taliban vẫn hoàn Taliban dù Mỹ tìm cách sửa đổi
Trong vòng một năm kể từ khi Taliban chiếm được thủ đô Kabul (ngày 15/8/2021) và trong suốt gần 1/4 thế kỷ tồn tại của phong trào Hồi giáo này, không có điều gì thể hiện rõ bằng sự kháng cự của tổ chức này đối với sự thay đổi. Chế độ hiện nay ở Afghanistan khác chút ít về mục tiêu và chiến lược so với chế độ Taliban từng cai trị ở Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001 và phong trào nổi dậy chống lại chính quyền Afghanistan thân Mỹ sau đó. Kể cả khi nắm được chính quyền lẫn khi không cầm quyền, phong trào Taliban vẫn do từng ấy thủ lĩnh lãnh đạo. Định hướng trung thành của Taliban cơ bản vẫn nguyên vẹn như cũ. Các nguồn tài chính của họ cũng cơ bản như vậy. Ngoài ra, hệ thống tín ngưỡng thúc đẩy chủ nghĩa bảo thủ cực đoan và sự cứng nhắc của Taliban chưa bao giờ lệch khỏi trường phái giáo huấn Hồi giáo Deobandi dùng để nuôi dưỡng tinh thần các thủ lĩnh Taliban.
Trong năm qua, Mỹ và các cường quốc toàn cầu lẫn khu vực tìm kiếm phương thức gây ảnh hưởng lên hành vi của chế độ này - một chế độ mà ít người muốn lên nắm quyền và ít người tin tưởng.
Để tác động lên Taliban, Mỹ và phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt chủ yếu thông qua việc rút lại sự công nhận về chính trị và từ chối viện trợ tài chính và viện trợ phát triển cho Afghanistan. Với sự đồng thuận đặc biệt, cộng đồng quốc tế nhất quyết yêu cầu Taliban phải thành lập một chính phủ có tính bao trùm hơn, đại diện cho sự đa dạng của xã hội Afghanistan về chính trị, dân tộc và giáo phái. Hầu hết các quốc gia cũng kêu gọi chính quyền Kabul nới lỏng các chính sách xã hội có tính hà khắc cao, nhất là đối với phụ nữ. Các lệnh trừng phạt cũng nhắc nhở chế độ Taliban phải cắt đứt mối liên hệ với các tổ chức khủng bố khu vực và xuyên quốc gia.
Nhưng hiện nay người ta có thể tuyên bố tương đối chắc chắn rằng các lệnh trừng phạt với tư cách công cụ cưỡng ép đã thất bại trong nỗ lực thay đổi Taliban. Mặc dù Taliban háo hức đón nhận sự công nhận chính danh từ quốc tế cũng như viện trợ nước ngoài, chế độ này vẫn “bướng bỉnh” từ chối nhượng bộ trước các yêu cầu của quốc tế mà Taliban xem là yêu cầu họ từ bỏ độc quyền lãnh đạo và thỏa hiệp về niềm tin Hồi giáo. Ban lãnh đạo Taliban nhất quán bác bỏ chia sẻ các thành quả từ chiến thắng. mà khó nhọc họ mới giành được, với những người Afghanistan không đồng quan điểm phải tạo ra một nhà nước thuần túy Hồi giáo.
Ngày nay không khác mấy trước đây, Mỹ và cộng đồng quốc tế đã đánh giá thấp ảnh hưởng về hệ tư tưởng trong quá trình Taliban ra quyết định và trong việc khích lệ những người tin theo phong trào này. Họ thường ngạc nhiên trước cái giá mà Taliban sẵn lòng trả và những rủi ro mà phong trào này chuẩn bị đón nhận, cốt sao vẫn bám giữ được niềm tin tôn giáo và trung thành với những người cùng chung giá trị với họ.
Sức mạnh niềm tin Hồi giáo của Taliban và sự bất lực của Mỹ
Tổng thể, cùng với các nước khác, Mỹ thường hiểu không rõ lắm về Taliban. Giới ngoại giao thường xuyên xem sự cứng nhắc của phong trào này đơn giản là chiêu trò mặc cả. Trong khi đó, trên thực tế, Taliban tỏ rõ thái độ không khoan nhượng, không trao đổi. Có thể đạt được thỏa thuận, nhưng chỉ với điều kiện do phía Taliban đặt ra. Họ bước vào đàm phán không vì mục đích đạt các nhượng bộ mà là nhằm cung cấp diễn đàn cho Taliban thúc đẩy tính chính danh và đưa ra các yêu sách. Các nhà trung gian hòa giải với Taliban thường lưỡng lự chấp nhận thực tế có những vấn đề không thể bắc cầu qua được. Thực tế phần lớn thời gian trong các năm qua được dành cho việc tìm kiếm những người ôn hòa trong ban lãnh đạo Taliban nhưng những người này, dù cởi mở hơn với đối thoại, rốt cuộc vẫn kiên định về các niềm tin tôn giáo cốt lõi của họ không khác những người theo đường lối cứng rắn của tổ chức này.
Thực tế tương tác với Taliban đã làm nổi rõ khó khăn trong việc đặt niềm tin vào Taliban. Trong suốt tiến trình đàm phán hòa bình, Taliban thường cố tình đánh lạc hướng các bên đàm phán và các bên quan tâm về ý đồ thực sự của họ. Do vậy, sau khi đạt được một thỏa thuận với Mỹ ở Doha, Taliban liền lập tức quay lưng với cam kết của họ về việc bắt đầu đàm phán nghiêm túc với chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani. Một khi nắm được chính quyền, chế độ Taliban đã vứt bỏ các lời hứa ân xá cho quan chức chính quyền cũ, cho phép báo chí hoạt động tự do và mở cửa trở lại trường học cho trẻ em gái. Chế độ Taliban cũng đều đặn tạo ra ấn tượng giả là họ đã rời bỏ al-Qaeda và các tổ chức thánh chiến, tổ chức khủng bố.
Hy vọng mong manh tan vỡ sau vụ ám sát thủ lĩnh al-Qaeda
Bất chấp các thực tế này, trong năm qua, Mỹ và chế độ Taliban đã đạt được một tạm ước. Dù việc công nhận chính trị vẫn là điều xa vời, hai bên đã có thể tổ chức các thảo luận nghiêm túc về những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Các cuộc hội đàm chủ yếu liên quan nhu cầu cấp thiết về lương thực và tài chính cho Afghanistan. Tuy nhiên, việc giới chức Taliban cho phép thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri tá túc ở ngay trung tâm Kabul có thể phá hủy nốt sự tin tưởng ít ỏi vừa được hình thành với ban lãnh đạo Taliban và đảo ngược các bước đi nhỏ hướng tới bình thường hóa quan hệ. Thủ lĩnh này mới đây bị Mỹ ám sát bằng tên lửa Hellfire Ninja.
Mỹ hiện nay có thể tìm kiếm các hành động trừng phạt mới nhằm vào các thủ lĩnh cấp cao của Taliban. Lệnh trừng phạt được bàn thảo nhiều nhất là việc loại bỏ miễn trừ lệnh cấm đi lại của Liên Hợp Quốc đối với các quan chức Taliban mà nhờ đó 15 thủ lĩnh cấp cao của Taliban đã được ra nước ngoài. Việc từ bỏ các lệnh cấm này ban đầu là nhằm giúp họ tham gia các cuộc đàm phán, sau đó được kéo dài để giúp họ dự các hội nghị quốc tế, cho phép họ đạt được sự công nhận chính trị gần như trên thực tế.
Nhưng vụ Mỹ phát hiện và phanh phui sự hiện diện của thủ lĩnh al-Qaeda Zawahiri ở ngay giữa thủ đô của Afghanistan có thể gây tác động tiêu cực diện rộng cho quan hệ với Taliban. Về mặt chính trị, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden có thể gặp khó khăn trong giải phóng 3,5 triệu USD bị đóng băng trong ngân hàng Mỹ cho ngân hàng trung ương của Afghanistan.
Còn những nới lỏng trước đó trong năm 2022 đối với các hoạt động thương mại và giao dịch thương mại có thể ngưng mở rộng, thậm chí có thể bị đảo ngược. Washington hiện nay có khả năng giảm bớt đầu tư cho các chương trình bị nghi góp phần củng cố chế độ Taliban. Đáp lại, Taliban có thể đưa ra các yêu sách cứng rắn hơn bằng cách kiểm soát chặt chẽ hơn các nỗ lực cứu trợ của các cơ quan quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.
Kinh nghiệm chỉ ra rằng “các khẩu đại bác ngoại giao quốc tế thông thường” sẽ không làm lay chuyển một phong trào được dẫn dắt bởi một bộ niềm tin tôn giáo cốt lõi cứng nhắc. Các lệnh trừng phạt và các áp lực khác không thể thành công với một Taliban luôn cảm nhận tín ngưỡng của mình đang bị thách thức.
Trong tương lai gần, Mỹ dường như không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận Taliban như họ vốn thế./.