16 trận đấu trước khi gục ngã, Hà Nội FC đi vào lịch sử AFC Cup với tư cách là đội thi đấu nhiều trận nhất trong một mùa giải. Tỉ lệ số trận AFC Cup/V.League của đội bóng thủ đô là 16/26, tương đương 62%.
Thử tưởng tượng nếu một đội bóng Premier League ngoài 38 vòng đấu phải chơi thêm 62% số trận, tương đương 23-24 trận nữa trong một mùa giải tại cúp châu Âu. Con số thực sự khủng khiếp và có thể vắt kiệt bất cứ đội bóng nào, cho dù lực lượng dày đến đâu.
Hà Nội FC phải thi đấu tới 16 trận, tính cả AFC Cup và vòng loại AFC Champions League
Hà Nội FC đã trải qua một hành trình dài. Trên hành trình đó, các ngôi sao thay nhau tỏa sáng để kéo đội bóng tiến về phía trước. Khi thì là Quang Hải với những đường bóng "cầu vồng", lúc là Văn Quyết bằng các pha dứt điểm quyết đoán, rồi Omar, Oseni, Kebe, Hùng Dũng, Đức Huy...
Trận thua trước April 25 là xứng đáng, nếu xét về những gì 2 đội đã làm trong 2 lượt trận. Nhưng về mặt tổ chức của AFC, HLV Chu Đình Nghiêm và học trò có lý do để thắc mắc.
Việt Nam nằm thứ 17 trên BXH CLB châu Á (BXH dùng để đo lường sức cạnh tranh của CLB đến từ một liên đoàn) và có 2 suất vào thẳng vòng bảng AFC Cup 2019. Triều Tiên đứng thứ 30 và có 1 suất vào thẳng kèm 1 suất dự vòng play-off.
Về lý thuyết, Việt Nam nắm lợi thế hơn hẳn. Nhưng các CLB Việt Nam được đưa chung vào khu vực Đông Nam Á. Sau 6 trận vòng bảng, Hà Nội FC phải đá thêm tới 4 trận đấu kịch liệt nữa mới vào được vòng bán kết liên khu vực. Ngoài Việt Nam, Philippines, Singapore, Indonesia, Myanmar (xếp trong khoảng từ 21-25 châu Á) cũng chịu cảnh tương tự dù xếp trên Triều Tiên.
Không chỉ Hà Nội FC, bất cứ đội bóng Đông Nam Á nào vào đến bán kết liên khu vực AFC Cup 2019 cũng phải thi đấu nhiều hơn đại diện từ Triều Tiên (xếp thứ 30 châu Á) và Bangladesh (xếp thứ 33 châu Á) ít nhất 4 trận. CLB từ liên đoàn có thứ hạng tốt hơn phải thi đấu nhiều hơn, đây có lẽ là chuyện ít gặp ở các giải đấu quốc tế.
AFC Cup đã vậy, tại đấu trường AFC Champions League cũng tồn tại một rào cản mang tên "lượt đi-lượt về" từng được tờ FOX Sports Asia nhắc tới.
Hà Nội FC phải đá play-off trên đất Trung Quốc
Ở loạt trận play-off cuối cùng trước vòng bảng AFC Champions League 2019, 4 đại diện bị đánh giá yếu hơn đều phải thi đấu trên sân khách, trong một lượt trận duy nhất. 3/4 đội này đến từ Đông Nam Á.
Hà Nội FC có trận đấu kiên cường và dẫn trước Shandong Luneng. Nhưng chênh lệch về chất lượng cầu thủ khiến đội bóng thủ đô thua chung cuộc 1-4. Perak (Malaysia) và Chiangrai (Thái Lan) cũng đều thất bại.
Văn Quyết ghi bàn vào lưới Shandong Luneng
FOX Sports Asia cho rằng vòng play-off này nên được tổ chức 2 lượt trận, như vậy sẽ công bằng hơn. Thật kỳ quặc khi những đội chủ nhà vốn đến từ nền bóng đá lớn hơn, lực lượng, kinh nghiệm đều dày hơn mà lại được thêm cả lợi thế sân nhà. Cách sắp xếp như thế chẳng khác nào "chặn cửa" của các CLB đến từ giải đấu cấp thấp hơn, đặc biệt là Đông Nam Á.
Nên nhớ, sân nhà là điểm tựa lớn cho bất cứ đội bóng nào. Một ví dụ cụ thể là April 25, đội bóng đã vài năm không chịu thất bại nào trên sân nhà tại đấu trường châu lục. Ngay cả Barcelona hùng mạnh cũng có thể tan vỡ khi phải chịu sức ép to lớn trên Anfield của Liverpool.
Khi mà cách thức tổ chức các giải đấu của AFC vẫn chồng chéo và tồn tại những bất cập, giấc mơ chinh phục chiếc cúp AFC Cup, trở lại AFC Champions League đối với Hà Nội FC nói riêng và các CLB Việt Nam nói chung vẫn sẽ còn đặc biệt gian nan.
Quang Hải có thể vẽ một đường "cầu vồng" để đem về chiến thắng trong một trận đấu. Nhưng nếu cứ phải chơi với lịch thi đấu kỷ lục như mùa giải 2019, có vẽ thêm những "cầu vồng" nữa dường như vẫn chưa đủ.