Báo Nhật tiết lộ tham vọng đặc khu 16 năm trước của Triều Tiên bị phá sản vì một người Trung Quốc

Minh Khôi |

16 năm trước, Triều Tiên đã có kế hoạch xây dựng một đặc khu kinh tế tương tự Hồng Kông để thúc đẩy tăng trưởng.

Tham vọng 16 năm trước của ông Kim Jong Il

Nếu áp dụng hình mẫu "một quốc gia, hai chế độ" như Trung Quốc áp dụng với Hồng Kông, thành phố Sinuiju ở biên giới phía tây bắc với Trung Quốc sẽ có quyền tự chủ đầy đủ về lập pháp, tư pháp và hành chính.

Nhiều điểm có tính đột phá Bình Nhưỡng dự kiến áp dụng là kế hoạch sử dụng đồng USD làm đồng tiền của khu vực, đồng Yên Nhật Bản cũng được chấp nhận và công dân nước ngoài được phép nhập cảnh mà không cần thị thực.

Nhà cố lãnh đạo Kim Jong Il, thời điểm đó đã quyết định, 8 trong số 15 thành viên "nội các" của đặc khu hành chính Sinuiju sẽ là người nước ngoài.

Báo Nhật tiết lộ tham vọng đặc khu 16 năm trước của Triều Tiên bị phá sản vì một người Trung Quốc - Ảnh 1.

Ông Kim Jong Il có tham vọng xây dựng đặc khu kinh tế với nhiều điểm đột phá. Ảnh: Nikkei.

Năm 2002, ông Kim Jong Il rất muốn thiết lập đặc khu kinh tế ở thành phố phía bắc Sinuiju, nằm bên bờ sông Áp Lục, tại biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Ý tưởng này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách cho doanh nghiệp được phép hoạt động tự do hơn.

Một lĩnh vực mà Kim Jong Il muốn phát triển là nông nghiệp. Ông Kim đã đến thăm các cơ sở nông nghiệp gần Thượng Hải trong chuyến đi trước đó đến Trung Quốc, và rất ấn tượng với việc sử dụng công nghệ tiên tiến.

Khi trở về, ông đã yêu cầu tìm kiếm một người có khả năng phát triển nông nghiệp cho Triều Tiên.

Và người mà ông Kim Jong Il lựa chọn để lãnh đạo dự án là một doanh nhân người Hoa gốc Hà Lan tên là Yang Bin. Ông là người đang ứng dụng nông nghiệp Hà Lan tại thành phố Thẩm Dương, phía đông bắc Trung Quốc.

Bằng cách nào Yang trở nên thân thiết với nhà lãnh đạo Kim Jong Il vẫn còn là bí ẩn. Nhưng khả năng việc ông đã bơm khoảng 100 triệu USD vào Triều Tiên là một trong những nguyên nhân. Yang còn được đặt biệt danh là "con nuôi của ông Kim Jong Il", Nikkei tiết lộ.

Mùa thu năm 2002, Yang cho rằng khu kinh tế đặc biệt Sinuiju cần một thử nghiệm táo bạo hơn. Ông cho biết sự phát triển của khu vực nên được dẫn dắt bởi người nước ngoài, và khu vực cần sự tự chủ đáng kể. Lãnh đạo Triều Tiên chấp nhận các điều kiện.

Sau khi Yang gặp Kim Yong Nam, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên và là nhân vật quyền lực số 2 của quốc gia, một đạo luật cơ bản đã được ban hành để đảm bảo cho công thức "một quốc gia, hai chế độ" cho Sinuiju.

Ngay sau đó, ông Yang được bổ nhiệm làm quan chức cao cấp của khu vực hành chính đặc biệt Sinuiju. Tại thời điểm đó, ông cũng đã gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Il.

Sinuiju thậm chí còn chọn một nhân vật làm đại diện đặc biệt ở Nhật Bản. Bản thân ông Yang đã đến thăm Nhật Bản, vào khoảng đầu tháng 10/2002, để vận động hỗ trợ từ chính phủ và giới kinh doanh Nhật Bản.

Chưa hình thành đã phá sản

Tuy nhiên, Yang Bin đã bị bắt tại Trung Quốc trước khi dự án Sinuiju được tiến hành. Ông bị kết án 14 năm tù. Tờ Nikkei lý giải, ông là nạn nhân của mối quan hệ căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh vào thời điểm đó.

Lý giải điều này, tờ Nikkei của Nhật cho rằng, Bắc Kinh đã lo lắng. Sự xuất hiện của một khu vực hành chính đặc biệt tại biên giới giữa 2 nước có thể làm mất ổn định quản lý chính trị và kinh tế phía đông bắc của Trung Quốc.

Trung Quốc đặc biệt lo sợ rằng khu công nghiệp nặng ở phía đông bắc của nước này sẽ bị mất đi nguồn vốn nước ngoài khi cạnh tranh với Sinuiju, nơi có chi phí lao động rẻ hơn.

Ngay sau khi ông Yang được bổ nhiệm làm quan chức cấp cao của Sinuiju, Bắc Kinh đột nhiên quyết định giam giữ tỷ phú trẻ ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ông Yang bị truy tố về tội trốn thuế, hối lộ và lĩnh án 18 năm tù.

Bình Nhưỡng được cho là đã phản đối hành động của Bắc Kinh và liên tục kêu gọi thả ông Yang nhưng vô ích. Không có nhà lãnh đạo, kế hoạch khu vực hành chính đặc biệt bị gác lại một bên và Triều Tiên chuyển sự tập trung sang chương trình vũ khí hạt nhân.

Trước mối đe dọa bị loại bỏ, 3 tỉnh phía đông bắc Trung Quốc là Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang - được coi là điểm yếu của "công xưởng thế giới" - đã sống sót về mặt kinh tế.

Sau nhiều năm ở trong tù, vị doanh nhân nay đã 55 tuổi, gần như bị quên lãng, cho đến tháng này. Sự trở lại bí ẩn của ông đến Đài Loan đã khiến nhiều người lưu tâm.

Tháng này, lần đầu tiên sau 16 năm, ông Yang đã xuất hiện trở lại. Phương tiện truyền thông Đài Loan đưa tin, người từng được ông Kim Jong Il "chọn mặt gửi vàng" đã đến thăm Đài Loan để thúc đẩy sự phát triển của khu vực Sinuiju.

Theo truyền thông Đài Loan, mục đích chuyến thăm của ông Yang là nhằm tuyển dụng các thành viên cho việc phát triển đặc khu kinh tế Sinuiju. Ông Yang đã gặp một số lãnh đạo doanh nghiệp Đài Loan. Một số thông tin khác cho hay, các doanh nhân khác của Hàn Quốc cũng có mặt.

Điều gây tò mò là liệu Triều Tiên và Đài Loan sẽ có quan hệ mật thiết hơn hay không.

Báo Nhật tiết lộ tham vọng đặc khu 16 năm trước của Triều Tiên bị phá sản vì một người Trung Quốc - Ảnh 4.

Nhà máy điện hạt nhân Taipower Fourth của Đài Loan. Ảnh: Reuters.

Đài Loan được cho là đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về xử lý chất thải hạt nhân ở các nhà máy điện hạt nhân. Đài Loan được cho là đã bí mật tìm cách hợp tác với Bình Nhưỡng về vấn đề này.

Mặc dù khả năng hợp tác giữa 2 bên về vấn đề xử lý chất thải hạt nhân vẫn chưa được xác minh nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chuyến thăm này của ông Yang chỉ đơn thuần vì mục đích kinh tế hay còn nhiệm vụ nào lớn hơn?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang lên kế hoạch thăm Triều Tiên, động thái này cho thấy, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc, Triều Tiên, Mỹ và Đài Loan sẽ bước vào giai đoạn mới và căng thẳng hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại