Bất chấp những tranh cãi và chỉ trích về vi phạm nhân quyền và thử nghiệm vũ khí hạt nhân, Triều Tiên vẫn đang duy trì quan hệ ngoại giao với 164 quốc gia và 25 trong số đó có đặt Đại sứ quán tại Bình Nhưỡng, bao gồm cả Anh và Thụy Điển.
Giáo sư John Blaxland, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Đại học Quốc gia Úc nói rằng làm công tác ngoại giao ở Triều Tiên có đặc thù rất khác với những quốc gia khác. Ông cho biết: "Quan hệ ngoại giao với Triều Tiên khá hời hợt, khó khăn và không sâu sắc lắm".
Ông Blaxland còn nói thêm rằng các quan chức ngoại giao có rất ít cơ hội được trao đổi làm việc tích cực với các đối tác phía Triều Tiên.
"Những nhà ngoại giao bị giám sát chặt chẽ bởi lực lượng tuần tra và cảnh sát nên chúng tôi khá khó khăn để hoàn thành một nhiệm vụ của mình: tìm hiểu những gì đang diễn ra và báo cáo lại" – ông chia sẻ.
Tắt hết đèn sau 9 giờ tối
Ông Andry Yuwono, một nhân viên lãnh sự công tác tại Đại sứ quán Indonesia tại Bình Nhưỡng từ năm 2002 nói với hãng tin ABC rằng ông đã tìm được một ngôi nhà mới cho gia đình 4 người của mình.
Theo ông Yuwono, ông được tự do nói chuyện với người dân địa phương và có thể đi phương tiện công cộng hay đón taxi đi vòng quay thủ đô với một giám sát viên chính phủ. Tuy nhiên, nếu đi ra khỏi Bình Nhưỡng thì phải được sự cho phép đặc biệt và ngoài ra còn bị cấm đi đến một số nơi nhất định.
"Điều làm tôi ngạc nhiên khi mới tới là tất cả các nơi đều tắt đèn sau 9 giờ tối và chúng tôi không thể vào bên trong tất cả các cửa hàng trên đường" – ông Yuwono chia sẻ.
Con trai ông học tại một trường quốc tế ở Bình Nhưỡng từ cấp mẫu giáo đến cấp 3 với con em của các quan chức ngoại giao khác và được miễn hoàn toàn học phí.
Triều Tiên vẫn đang duy trì quan hệ ngoại giao với 164 quốc gia với 25 trong số đó có đặt Đại sứ quán tại Bình Nhưỡng. Ảnh: ABC
Ông Yuwono cho biết thêm: "Cuộc sống cũng khá bình thường… Chúng tôi có thể đi chợ mua đồ tạp hóa, chơi ở công viên với người dân địa phương, chỉ có điều không phải chúng tôi cứ muốn ngẫu hứng chụp hình là được. Chúng tôi có thể xem được các kênh truyền hình của Indonesia tuy là chỉ được vài kênh".
Vì sao ở Bình Nhưỡng vẫn có nhiều đại sứ quán như vậy?
Hầu hết các Đại sứ quán nước ngoài đều nằm ở một khu vực đặc biệt của Bình Nhưỡng gọi là Khu ngoại giao Munsu-dong. Nhưng 3 đại sứ quán lớn nhất là Đại sứ quán Nga, Trung Quốc và Pakistan lại không nằm trong khu này.
Hầu hết sự hiện diện ngoại giao của các quốc gia đều liên quan đến lịch sử quan hệ của đất nước họ với Bình Nhưỡng. Quan hệ của Nga và Trung Quốc với Triều Tiên có từ thời Chiến tranh lạnh trong khi quan hệ của Pakistan với nước này lại từ phong trào "bài Mỹ" trong những năm 1970.
Quan hệ giữa Triều Tiên với 2 nước Đức và Ấn Độ cũng có từ thời Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh Triều Tiên.
Trong khi đó Đại sứ quán Indonesia lại được thành lập sau khi nước này tham gia Phong trào Không liên kết vào năm 1961, ngoài ra còn là do quan hệ thân thiết giữa cựu Tổng thống Soekarno và nhà lãnh đạo Kim Il-sung. Kể từ đó Indonesia đã duy trì Đại sứ quán của mình để duy trì các quan hệ song phương về thương mại, chính trị, xã hội và văn hóa.
Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng. Ảnh: ABC
Đối với những quốc gia này, việc duy trì nhiệm vụ thương mại của họ là quyết định dựa trên cả yếu tố kinh tế học và an ninh quốc gia.
"Nếu đóng cửa một đại sứ quán rồi sau đó mở cửa lại thì sẽ tốn kém vô cùng về mặt thắt chặt an ninh vì trong khu vực đại sứ quán có rất nhiều thứ nhạy cảm. Một khi đã từ bỏ rồi thì nơi đó không còn đảm bảo nữa vì có thể bị chính quyền Triều Tiên gắn thiết bị nghe lén" – Giáo sư Blaxland giải thích.
Một số quốc gia thay vì đóng cửa đã chọn cách cắt giảm số nhân sự hiện diện ở Bình Nhưỡng xuống, chẳng hạn như Indonesia hiện chỉ có 4 người làm việc trong Đại sứ quán.
Trong khi đó, Đại sứ quán Úc ở Bình Nhưỡng được thành lập vào tháng 4 năm 1975 nhưng đã đóng cửa chỉ vài tháng sau đó do sự đổ vỡ quan hệ ngoại giao 2 nước. Đại sứ quán Triều Tiên tại Canbbera cũng đã bị đóng cửa vào năm 2008 sau sự cố Pong Su năm 2003 khi một tàu hàng của Triều Tiên bị bắt quả tang đang vận chuyển 125 kg heroin trên vùng biển Úc.
Một con đường ở Bình Nhưỡng vào buổi sáng. Ảnh: ABC
Làm quan chức ngoại giao ở Triều Tiên có an toàn?
Theo Công ước Vienna 1961 về Quan hệ Ngoại giao 1961 thì các đại sứ quán nước ngoài được xem là vùng an toàn ngoại giao và được miễn trừ tất cả hoạt động lục soát. Tuy nhiên, trong một số trường hợp rất hiếm hoi thì cũng có ngoại lệ xảy ra, chẳng hạn vụ khủng hoảng con tin năm 1979 ở Iran khi Đại sứ quán Mỹ bị đánh chiếm.
Nếu bạn tuân thủ theo những hướng dẫn thì bạn vẫn được an toàn ở một mức độ nhất định. Nhưng đó không đồng nghĩa với việc an toàn tuyệt đối.
Nhưng nhân viên Đại sứ quán Indonesia Yuwono lại nói rằng cho đến nay ông chưa gặp rắc rối gì đáng kể kể từ khi đến Triều Tiên sống hơn 10 năm trước. Ông nhận xét: "Cá nhân tôi thấy đây là đất nước an toàn, tỉ lệ tội phạm hầu như bằng 0. Tỉ lệ nghèo đói vẫn còn dưới mức trung bình nhưng tôi thấy rằng đất nước này có thể tự lo được".