Báo Nga: Ông Putin "bị qua mặt" - Hé lộ 6 tiếng cân não làm Iran "đau đớn" trước giờ ông Assad bị lật đổ

Minh Nhật |

6 tiếng sau khi các nhà ngoại giao mệt mỏi rời khỏi cuộc họp, họ thức dậy với tin tức gây sốc: Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sụp đổ.

6 tiếng căng thẳng trước giờ chính quyền Assad bị lật đổ

Tờ Guardian (Anh) ngày 8/12 dẫn nguồn tin nắm rõ tình hình tiết lộ, chỉ 12 tiếng đồng hồ trước khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ, các cường quốc giữ vai trò then chốt gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp đại diện 5 quốc gia Ả Rập bên lề diễn đàn đối thoại lớn diễn ra tại Doha, Qatar.

Mục tiêu của họ là đưa ra tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt các hoạt động quân sự, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Syria và tham vấn về giải pháp chính trị giữa chính quyền ông Assad và phe đối lập Syria. Đây là nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn các sự kiện đang diễn biến nhanh tới chóng mặt.

Bên cạnh đó, các nhà ngoại giao cũng lo lắng thảo luận về số phận của ông Assad, và nguy cơ xảy ra giao tranh sớm tại thủ đô Damascus.

Lực lượng đối lập Syria giành quyền kiểm soát thủ đô Damacus ngày 8/12. Ảnh: NPR

Tại cuộc họp, các đại diện ngoại giao của Nga nói rằng ông Assad "không linh hoạt", từ chối chấp nhận thực tế và sự cần thiết phải đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia hậu thuẫn cho lực lượng vũ trang đối lập đang đe dọa Damascus.

"Trong cuộc trao đổi, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tỏ ra đau đớn và mất tập trung" – Nguồn tin của Guardian cho hay.

6 giờ sau khi các nhà ngoại giao mệt mỏi rời khỏi cuộc họp, họ thức dậy với tin tức gây sốc: Chính quyền Bashar al-Assad đã sụp đổ, đánh dấu một trường hợp hiếm thấy, khi các nỗ lực ngoại giao "trở nên vô nghĩa" nhanh chóng đến vậy.

Trước đó, tại hội nghị ngày 7/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhận nhiều câu hỏi chất vấn về tương lai của Syria, và ông được yêu cầu giải thích về vai trò của Nga tại quốc gia này trong thập kỷ qua.

"Ngoại trưởng Nga tỏ ra bồn chồn khi được hỏi về tương lại của căn cứ hải quân tại Tartus và căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở Syria" – Guardian cho hay.

Ông nói mình "không có nhiệm vụ đoán" điều gì sẽ xảy ra, đồng thời lảng tránh các câu hỏi về việc ông Assad nhiều lần từ chối thực hiện Nghị quyết 2254 được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua năm 2015, nhằm thiết lập lộ trình cho quá trình chuyển tiếp chính trị ở Syria.

Ông Lavrov nhấn mạnh rằng, Moscow đang làm mọi cách có thể để ngăn chặn phe đối lập Syria thắng thế, đồng thời lấy làm tiếc cho người dân Syria nếu họ đi theo số phận của Libya và Iraq – hai quốc gia đã phải chịu đựng cuộc nội chiến kéo dài sau khi chính quyền bị lật đổ.

Báo Nga: Ông Putin bị "qua mặt"

Cùng đề cập về Syria, tờ EA Daily (Nga) dẫn đánh giá của tác giả Samih Saab đăng trên ấn phẩm hàng đầu Lebanon An Nahar, tiết lộ một trong những yếu tố khiến tình hình trở nên tồi tệ như hiện tại là do Thổ Nhĩ Kỳ đã không giữ cam kết của mình, khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin "bị qua mặt".

Không bao lâu sau khi chính quyền Assad bị lật đổ, con gái Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đăng hình ảnh cha mình lên mạng xã hội X kèm dòng chú thích: "Ông ấy đã chiến thắng".

Theo các nhà phân tích, sự sụp đổ của chính quyền Assad quả thật đánh dấu "chiến thắng lớn" cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trong quá khứ, Tổng thống Erdogan và Tổng thống Assad từng là bạn, song nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ cuộc nổi dậy bùng nổ tại Syria gần 14 năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là vì Iran, đối thủ địa chính trị của Ankara, ủng hộ chính quyền Assad.

Từ đó, Ankara trở thành nhà bảo trợ chính cho các nhóm Hồi giáo vũ trang đối lập của Syria. Ông Erdogan công khai tuyên bố ủng hộ các nhóm đối lập lật đổ ông Assad, trong đó có HTS và Quân đội Quốc gia Syria (SNA).

Khi phong trào Mùa xuân Ả Rập nổ ra tại Syria tháng 3/2011, ông Erdogan đã khuyên ông Assad từ chức theo yêu cầu của người biểu tình.

Theo EA Daily, Thổ Nhĩ Kỳ đã không giữ cam kết với Tổng thống Putin về việc kiềm chế HTS. Ảnh: Haberler

EA Daily cho biết, trong chiến dịch tấn công chớp nhoáng của phe đối lập Syria lần này, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nhân tố then chốt. Ông Erdogan đã nhiều lần nhắc lại điều kiện để chấm dứt cuộc nổi dậy, đó là: Tổng thống Assad phải đồng ý đàm phán với phe đối lập, dựa trên việc thực hiện nghị quyết số 2254 của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc.

Trước đó, cơ hội để phe đối lập Syria lên cầm quyền gần như đã chìm vào quên lãng khi quân chính phủ Syria giành quyền kiểm soát Aleppo năm 2016 và phát động cuộc tấn công nhằm vào lực lượng đối lập năm 2020, dưới sự bảo trợ của Không quân Nga và lực lượng Iran. Tình thế buộc ông Erdogan vội vã tới Moscow để ký thỏa thuận ngừng bắn.

Trong quá trình thỏa thuận, ông Erdogan "đã cam kết sẽ hạn chế ảnh hưởng của Hayat Tahrir al-Sham (HTS, nhóm vũ trang vừa dẫn đầu chiến dịch tấn công ở Syria)".

Tuy nhiên, trên thực tế, HTS tiếp tục xây dựng năng lực quân sự suốt những năm qua và châm ngòi cuộc tấn công vừa diễn ra tại Syria.

EA Daily bình luận, ông Erdogan tìm cách khai thác lợi ích tối đa từ cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời đặt cược rằng Moscow không thể gửi viện trợ quân sự cho Syria thông qua Biển Đen, nơi đang nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, hay qua eo biển Bosphorus do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát một phần và không cho tàu chiến Nga đi qua.

Khi ông Erdogan đồng ý "giảm leo thang" ở miền bắc Syria 4 năm trước, các nhóm đối lập Syria do Ankara hậu thuẫn đã ở trong tình trạng khủng hoảng liên tục. Nhưng ngày nay tình hình đã khác.

Tờ báo Nga tiết lộ, cá nhân ông Putin đã gọi điện cho ông Erdogan, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng liên lạc với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan trước. Tuy nhiên, tình thế đã buộc nhà lãnh đạo Nga đứng trước lựa chọn khó khăn.

Theo tờ Politico (Mỹ), sự sụp đổ của chính quyền Assad có thể giúp ông Erdogan thúc đẩy chương trình nghị sự địa chính trị của mình, mang đến cho ông cơ hội đạt được những mục tiêu chiến lược, bao gồm kiềm chế lực lượng ly khai người Kurd ở đông bắc Syria.

Một số nhà phân tích cho rằng, cục diện hiện nay có thể làm gia tăng căng thẳng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, ông Sinan Ulgen, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Đối ngoại có trụ sở tại Istanbul cho rằng, Nga đến nay chưa công khai cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ kích động lực lượng đối lập tấn công. Một phần là do Moscow "không muốn Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang chống Nga nhiều hơn" trong lập trường về xung đột Ukraine.

"Tôi không nghĩ điều này sẽ tạo ra điểm gãy trong quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ" – Ông Ulgen nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại