Mỹ ồ ạt không kích vào Syria sau khi chính quyền Assad bị lật đổ
Theo tờ New York Times (Mỹ), Tổng thống Joe Biden tuyên bố, lực lượng quân sự Mỹ vừa tiến hành một loạt cuộc không kích ở Syria để ngăn chặn tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tái lập sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden nói: "Chúng tôi nhận thấy rõ ràng rằng, IS sẽ tìm cách lợi dụng bất cứ khoảng trống nào để tái thiết lập mối đe dọa và tạo ra một nơi trú ẩn an toàn cho chúng. Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra. Chỉ trong hôm nay (ngày 8/12, theo giờ địa phương), lực lượng Mỹ đã tiến hành hàng chục cuộc không kích chính xác nhắm vào các doanh trại và phần tử IS trong lãnh thổ Syria".
"Chắc chắn chúng tôi sẽ không cho phép IS tái thiết lập và lợi dụng tình hình hiện tại ở Syria" - Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Trong một tuyên bố riêng sau đó, Bộ Tư lệnh trung tâm của Mỹ (CENTCOM) cho biết, quân đội Mỹ đã tiến hành không kích chính xác nhằm vào 75 mục tiêu tại miền Trung Syria trong ngày 8/12, sau khi phe đối lập Syria giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus và lật đổ chính quyền Tổng thống Assad.
Theo CENTCOM, mục tiêu của họ là các doanh trại và các tay súng của tổ chức khủng bố IS.
"Chiến dịch không kích nhắm vào các thủ lĩnh, các tay súng và doanh trại của IS, nhằm làm suy yếu và đánh bại nhóm khủng bố này, từ đó ngăn chặn chúng tiến hành các hoạt động mở rộng, đồng thời đảm bảo IS không tìm cách lợi dụng tình hình hiện nay để tái lập ở miền trung Syria" - Tuyên bố của CENTCOM nêu rõ.
"Quá trình đánh giá thiệt hại trong các cuộc không kích đang được tiến hành. Không có dấu hiệu nào cho thấy có thương vong về dân thường" - CENTCOM lưu ý.
Tướng Michael E. Kurilla, người đứng đầu CENTCOM cảnh báo thêm rằng, "tất cả các tổ chức ở Syria nên biết rằng, chúng tôi sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm nếu hợp tác hay hỗ trợ IS theo bất kỳ phương thức nào".
Theo New York Times, các máy bay ném bom B-52, máy bay chiến đấu F-15 và cường kích A-10 đã tham gia vào chiến dịch không kích. Một quan chức Mỹ cho biết, 140 quả đạn và tên lửa các loại đã được sử dụng trong các cuộc không kích lần này, Washington không loại trừ các hoạt động tương tự trong tương lai.
Hiện chính phủ Mỹ đã liên lạc với tất cả các nhóm vũ trang khác nhau đang hoạt động tại Syria, bao gồm cả Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - lực lượng vừa dẫn đầu cuộc tấn công tại Syria, từng có liên kết với Al Qaeda và vẫn đang bị Bộ Ngoại giao Mỹ xác định là một nhóm khủng bố.
Ông Biden cho biết, ông sẽ cử các quan chức tới Trung Đông và sẽ đích thân trò chuyện với các nhà lãnh đạo trong khu vực những ngày tới. Tổng thống Mỹ đồng thời bày tỏ cam kết giúp đỡ Israel, Iraq, Jordan và Lebanon trong quá trình các nước này đối phó với những tác động lan rộng từ tình hình hỗn loạn ở Syria.
Đã rõ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang ở đâu
Liên quan tới tung tích của Tổng thống Bashar al-Assad - người đã rời khỏi Syria khi phe đối lập giành quyền kiểm soát Damascus, hãng tin Sputnik và Interfax (Nga) dẫn các nguồn tin từ Điện Kremlin cho hay, ông Assad và gia đình đã tới Moscow và được Nga cấp quyền tị nạn.
"Tổng thống Syria Assad và các thành viên trong gia đình ông đã đến Moscow. Nga đã cấp quyền tị nạn cho họ vì lý do nhân đạo" - Nguồn tin của Điện Kremlin nói.
Trước đó, trong thông báo tối 8/12, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã quyết định từ chức và rời khỏi đất nước trước tình hình biến động, để lại chỉ thị chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
"Sau khi đàm phán với một số bên liên quan đến cuộc xung đột Syria, ông Assad đã từ chức Tổng thống và rời khỏi Syria, đồng thời đưa ra chỉ thị chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Nga không tham gia vào các cuộc đàm phán này" - Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết thêm rằng, Nga ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria, nhưng các cuộc đàm phán nên được nối lại dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Hiện tại, các lãnh đạo phe đối lập Syria "đã đồng ý đảm bảo an toàn cho các căn cứ quân sự và các tổ chức ngoại giao của Nga" ở nước Cộng hòa Ả Rập này.
Theo giới chuyên gia, việc đạt được thỏa thuận đảm bảo an toàn cho căn cứ không quân Hmeymim ở tỉnh Latakia và căn cứ hải quân ở Tartus là "một sự nhẹ nhõm" với Moscow, sau khi các nguồn thân cận với Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo rằng, các căn cứ của Nga đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Cơ sở ở Tartus là trung tâm sửa chữa và tiếp tế duy nhất của Nga tại Địa Trung Hải. Moscow đã sử dụng căn cứ tại Syria làm trạm trung chuyển để đưa các nhà thầu quân sự của mình vào và ra khỏi Châu Phi.
Các nhà phân tích quân sự phương Tây nhận định, việc mất căn cứ ở Tartus sẽ là đòn giáng nghiêm trọng vào khả năng biểu dương sức mạnh của Nga ở Trung Đông, Địa Trung Hải và Châu Phi.