Sẵn sàng bắn hạ tên lửa Nga
Phát biểu trên Đài Radio Rebeliant (Ba Lan) ngày 12/10, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski tuyên bố, căn cứ phòng thủ tên lửa của NATO tại Redzikowo (Ba Lan) có thể bắn hạ tên lửa Nga.
"Trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ đưa vào hoạt động căn cứ phòng thủ tên lửa tại Redzikowo gần Puck (một thành phố ở Pomeranian Voivodeship, trên bờ biển Baltic). Đây là căn cứ mà chúng tôi đã thống nhất với phía Mỹ" - Ông Sikorski nói.
Ngoại trưởng Ba Lan cho biết, ông đã đàm phán "để tên lửa có thể bắn hạ tên lửa của Nga bay tới Ba Lan, chứ không chỉ tên lửa của Iran bay tới Mỹ".
Theo ông Sikorski, Ba Lan từng ghi nhận một số tên lửa của Nga bắn từ khu vực thành phố St. Petersburg về phía các mục tiêu của Ukraine gần thành phố Lviv (cách không xa biên giới Ba Lan) đã bay qua Belarus và xâm nhập không phận Ba Lan.
Căn cứ tại Redzikowo được thiết kế để có thể phát hiện, theo dõi và đánh chặn tên lửa đạn đạo. Trước đó, Washington nói rằng, căn cứ này sẽ phục vụ mục đích bảo vệ Tây Âu, đặc biệt là trước tên lửa của Iran.
Tới tháng 7 năm nay, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz thông báo, căn cứ ở Redzikowo được chuyển giao cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) "không chỉ trở thành một hệ thống của Mỹ, mà còn là hệ thống của NATO".
Căn cứ phòng thủ tên lửa Redzikowo nằm cách biên giới Nga 165 km, có 3 hệ thống phóng thẳng đứng MK 41 VLS, mỗi hệ thống gồm 8 ống phóng với các tên lửa SM-3, 1 radar SPY-1D(V) và 1 hệ thống kiểm soát hỏa lực (FCS).
Lên kế hoạch tấn công quê nhà ông Putin
Trong một động thái đáng chú ý khác của Ba Lan, theo tuần báo Argumenty i Fakty (AiF, Nga) ngày 12/10, nước này và 3 quốc gia Baltic (Estonia, Lithuania và Latvia) đang thảo luận khả năng tấn công St. Petersburg - quê nhà của Tổng thống Nga Vladimir Putin và là thành phố lớn thứ hai của Nga.
Thông tin này được tiết lộ thông qua bài viết trên tờ Bild (Đức) với tiêu đề: "Đây là kế hoạch phản công. Chúng ta sẽ tấn công St. Petersburg, Moscow sẽ tê liệt".
Theo bài viết, khi phát biểu tại Hội nghị bảo vệ Baltic ở Vilnius, Lithuania hồi đầu tuần này, Tướng Ba Lan Rajmund Andrzejczak đã cảnh báo rằng: Ba Lan và các đồng minh sẽ ngay lập tức tiến hành cuộc tấn công tầm xa vào St. Petersburg (quê nhà của Tổng thống Nga Vladimir Putin và là thành phố lớn thứ hai của Nga) nếu Nga tấn công bất cứ quốc gia tiền tuyến nào của NATO.
Ông Andrzejczak lưu ý, chiến thắng của Nga ở Ukraine có thể gây ra những tác động nghiêm trọng về an ninh đối với khối quân sự do Mỹ lãnh đạo, đặc biệt là những nước có chung biên giới với Nga.
"Sau chiến thắng của Nga ở Ukraine, chúng ta sẽ có 1 sư đoàn Nga ở Lviv, 1 sư đoàn ở Brest và 1 sư đoàn ở Grodno" - Ông Andrzejczak nói, ám chỉ tới các thành phố ở cực tây của Ukraine và Belarus, gần biên giới Ba Lan.
Theo viên tướng, trong kịch bản này, Ba Lan và Lithuania sẽ bị lực lượng Nga bao vây.
"Do đó, Moscow cần phải bị ngăn chặn" - Ông Andrzejczak nói - "Nếu họ (Nga) tấn công dù chỉ một tấc lãnh thổ của Lithuania, chúng tôi sẽ phản ứng ngay lập tức ngay phút đầu tiên. Chúng tôi sẽ tấn công tất cả các mục tiêu chiến lược trong bán kính 300km, và chúng tôi sẽ tấn công trực tiếp vào St. Petersburg".
"Nga phải nhận ra rằng một cuộc tấn công vào Ba Lan hoặc các nước Baltic cũng có nghĩa là kết thúc của họ… Đó là cách duy nhất để ngăn chặn Điện Kremlin khỏi hành động như vậy. Để đạt được mục đích đó, Ba Lan hiện đang mua 800 tên lửa có tầm bắn 900 km" - ông Andrzejczak tuyên bố.
Moscow cảnh cáo tung đòn hủy diệt
Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Yuri Shvytkin gọi những lời đe dọa từ phía Ba Lan là "một hành động khiêu khích".
Ông cho rằng những tuyên bố như vậy chỉ dẫn tới sự leo thang căng thẳng giữa các quốc gia, đồng thời kêu gọi các chính trị gia phương Tây hãy "thay đổi luận điệu chống Nga".
"Theo tôi được biết, chính sách bài Nga của một số nhà lãnh đạo phương Tây đang ngày càng nhận được ít sự ủng hộ từ phía người dân của họ" - Tờ Izvestia của Nga dẫn lời ông Shvytkin.
Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Aleksey Zhuravlyov thì nhắc lại rằng, các cuộc chiến tranh do Warsaw phát động trong 500 năm qua đều "kết thúc thảm khốc".
"Ba Lan nên nhớ rằng, trong 500 năm qua, tất cả các cuộc chiến do họ phát động đều kết thúc thảm khốc. Đất nước của họ đã bị chia cắt bởi các quốc gia khá 3 lần. Còn Estonia - nước có quân đội yếu nhất châu Âu - tốt nhất nên giữ im lặng, bởi toàn bộ nước này có thể bị tên lửa Nga hủy diệt chỉ trong nửa ngày" - trang tin News.ru dẫn lời ông Zhuravlyov.
Vị quan chức nhấn mạnh rằng, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic "chẳng có gì đặc biệt" về mặt quân sự và được chấp nhận vào NATO chỉ để "làm Nga tức giận".
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng đề cập tới những lần lãnh thổ Ba Lan bị chia cắt trước đây là cảnh báo Warsaw "đừng đánh thức con quái thú (Nga)".
"Một người Ba Lan dũng cảm khác đã xuất hiện và đe dọa tấn công trực tiếp vào St. Petersburg. Ông Andrzejczak đáng lẽ phải nhớ lại những lần Ba Lan bị phân chia và đừng đánh thức 'con quái thú'. Ba Lan từng là một phần của Đế chế Nga, không rõ ông (Andrzejczak) có còn nhớ hay không?" - Ông Medvedev nêu quan điểm.
Chuyên gia khoa học chính trị Nga Ivan Mezyukho bày tỏ sự ngạc nhiên khi "các nước Baltic và Ba Lan lại đưa ra những tính toán như vậy".
"Nga không có bất kỳ hành động gây hấn nào, không đặt câu hỏi về toàn vẹn lãnh thổ của họ, không đe dọa họ bằng nhiều loại vũ khí khác nhau và thậm chí còn dung thứ cho chính sách đối ngoại bài Nga" - Ông Mezyukho nói.
Vị chuyên gia lưu ý rằng, với những tuyên bố như vậy, các nước phương Tây chỉ cho thấy rằng họ đang sống trong một "xã hội của những tấm gương méo mó".
"Trên thực tế, họ đang chống lại một quốc gia bảo vệ lợi ích của một thế giới đa cực, công bằng và phản đối hệ tư tưởng của chủ nghĩa Quốc xã" - ông Mezyukho nêu quan điểm.