Báo Mỹ: “Yếu huyệt” khiến máy bay Made in China chưa thể trở thành mối đe dọa với Airbus và Boeing

Tất Đạt |

Dù gây tiếng vang lớn với đơn hàng 100 chiếc máy bay trong thời gian gần đây, máy bay C919 chưa chắc đã trở nguy cơ lớn đối với Airbus và Boeing trong tương lai gần - chuyên gia cho hay.

Báo Mỹ: “Yếu huyệt” khiến máy bay Made in China chưa thể trở thành mối đe dọa với Airbus và Boeing - Ảnh 1.

Lấn sân các lĩnh vực lớn

Theo Barron’s, Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ về mặt công nghệ. Nền kinh tế số 2 đang thống trị chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời và xe điện. Nước này gần đây đã khẳng định vị thế trong ngành viễn thông với chiếc điện thoại Huawei mới nhất sử dụng chip 7nm.

Không dừng ở đó, Bắc Kinh tuyên bố hàng không dân dụng sẽ là lĩnh vực tiếp theo hướng ra thế giới. Chiếc máy bay C919 — sản xuất bởi Tập đoàn Máy bay Thương mại (COMAC) thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc – được cho là câu trả lời cho dòng máy bay tầm trung vốn là thị phần của Boeing 737 và Airbus A-320. Gần đây, China Eastern Airlines đã đặt đơn hàng tới 100 máy bay C919, đơn hàng lớn nhất từ trước tới nay cho dòng máy bay này.

Tờ China Daily viết: “C919 được kỳ vọng sẽ phá vỡ thế độc quyền trên thị trường của Boeing và Airbus”.

Tuy nhiên, tác giả trên tờ Barron’s cho rằng vẫn còn nhiều thách thức đối với máy bay thương mại sản xuất bởi Trung Quốc. C919 được cho là không thể ngay lập tức sánh được với những chiếc máy bay đã hoạt động từ nhiều năm nay. Scott Kennedy, cố vấn cấp cao về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Từ góc độ thiết kế, nó không thể sánh ngang với 737 hay A-320”.

Báo Mỹ: “Yếu huyệt” khiến máy bay Made in China chưa thể trở thành mối đe dọa với Airbus và Boeing - Ảnh 2.

Ngay cả khi điều đó có thể xảy ra, COMAC - với tư cách là nhà sản xuất của C919 - sẽ cần nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ nữa để bắt đầu sản xuất đủ nhiều. Scott Hamilton, người sáng lập công ty tư vấn hàng không vũ trụ Leeham, cho biết: “Airbus hoặc Boeing có thể sản xuất 100 máy bay mỗi tháng. C919 mà sản xuất được 2 chiếc 1 tháng đã là nhanh rồi”.

Máy bay mới cũng cần có chứng nhận an toàn bên ngoài Trung Quốc để bay tại thị trường quốc tế, khoảng cách hợp lí với máy bay này ở cự li khoảng hơn 5.500km. Shukor Yusof, người sáng lập công ty tư vấn Endau Analytics có trụ sở tại Malaysia, cho biết điều đó cũng sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều.

Ông nói: “Máy bay phải tính giờ và đáp ứng các bài kiểm tra nghiêm ngặt. Họ không thể vượt qua những rào cản này chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.”

Ảnh hưởng của C919

Dù vậy, sự xuất hiện của C919 vẫn là tin xấu đối với Boeing. Hamilton cho biết trước đây 1/4 doanh thu của gã khổng lồ của Mỹ tới từ Trung Quốc. Chiến tranh thương mại từ Washington đã khiến doanh số bán hàng của Boeing xuống chỉ còn mức nhỏ giọt.

Airbus dường như đã có chiến lược ngoại giao hiệu quả hơn. CEO Airbus Guillaume Faury đã tham gia chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tháng 4 và công bố dây chuyền lắp ráp mới tại nhà máy của công ty ở Thiên Tân, Trung Quốc. Đó có lẽ là lý do khiến cổ phiếu của Airbus gần như lấy lại mức trước đại dịch, trong khi cổ phiếu của Boeing giảm 40%.

C919 có thể không sánh được với 737 trên thị trường mở. Nhưng Trung Quốc, quốc gia có thể sẽ đặt hàng nghìn máy bay mới trong thập kỷ này, là một thị trường khác biệt. Ba hãng hàng không hàng đầu đều thuộc sở hữu nhà nước và sẽ có lựa chọn mua máy bay phụ thuộc nhiều vào chính phủ. Bắc Kinh cũng có thể “bắt tay” các quốc gia du lịch trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan để sớm được cấp giấy chứng nhận và đặt hàng cho C919.

Trong khi đó, khoảng 70% linh kiện của C919 đến từ các nhà cung cấp phương Tây, bao gồm các biểu tượng công nghiệp của Mỹ như General Electric, công ty hợp tác sản xuất động cơ với Safran của Pháp; Honeywell International cung cấp bánh xe và phanh; và chức năng điều hướng từ Rockwell Collins.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã từng đưa COMAC vào “tầm ngắm” trong những ngày cuối cùng của chính quyền Trump. Tuy nhiên, người kế nhiệm Joe Biden đã bỏ qua và giữ cho chuỗi cung ứng C919 nguyên vẹn. Chuyên gia Kennedy của CSIS nói rằng đó là một quyết định đúng đắn, bởi có rất ít khả năng công nghệ dân sự có thể cải tiến các máy bay quân sự của Trung Quốc. “Tôi chưa từng nghe ai trong quân đội nói C919 là một mối đe dọa”, ông nói.

Chế tạo máy bay là cuộc chơi lâu dài về mặt công nghiệp và cuối cùng, Trung Quốc quyết tâm sẽ làm chủ nó. Hamilton cho biết: “Phải mất 40 năm Airbus mới đạt được năng lực ngang bằng với Boeing. Trung Quốc sẽ cần phải trải 1 hoặc 2 thế hệ nữa mới bắt kịp (với 2 hãng này)”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại