Sự tham gia của chiếc trực thăng tối tân Ka-52 của Nga vào các chiến dịch tại Syria đã gây ra nhiều sự chú ý trên các mặt báo Mỹ: The National Interest, khi chia sẻ về "Cá sấu" (Alligator), đã gọi nó là "duyên dáng" và "nguy hiểm chết người", còn Business Insider mang nó ra so sánh với chiếc AH-64 Apache của Mỹ.
Trên các phương tiện truyền thông Nga đã nói về sự độc đáo của chiếc trực thăng này. Nó có thực sự tốt như thế hay không?
Quá khứ hào hùng
Ka-52 là biến thể của chiếc trực thăng tấn công Ka-50 "Cá mập đen". Liên Xô đã cụ thể hoá chiếc Ka-50 thành một dòng trực thăng tấn công tương lai, chuyên săn diệt xe tăng, thiết giáp và các điểm hoả lực trên chiến trường.
Theo kế hoạch, Ka-50 sẽ thay thế các máy bay Mi-24, cỗ máy được coi là thiếu hiệu quả vốn ra đời từ những năm 1970.
Nhưng ở đây còn một lý do khác nữa – chính trong giai đoạn đó, Mỹ bắt tay vào công tác nghiên cứu và thử nghiệm chiếc AH-64 Apache nổi tiếng của mình, mà sau này đã trở thành một trong những cỗ máy được sản xuất nhiều nhất và đa năng nhất.
Đương nhiên, Liên Xô, vào thời điểm nóng nhất của cuộc chạy đua vũ trang, đã không thể để cho đối thủ cạnh tranh địa chính trị cho ra đời một chiếc trực thăng vượt trội về những tính năng so với tất cả các sản phẩm cùng đời khác.
Việc nghiên cứu chế tạo "lời đáp trả của Liên Xô" được giao cho Phòng thiết kế "Kamov".
Có thể, chính điều này đã đặt nền tảng cho sự thành công tổng thể của dự án: Phòng Thiết kế Kamov trong một thời gian dài từng thiết kế các trực thăng hải quân, và khi bắt đầu thiết kế sản phẩm mới, họ quyết định sử dụng kinh nghiệm của mình và chế tạo một cỗ máy từ ý tưởng hoàn toàn mới.
Và Ka-50 có thiết kế các cánh quạt đồng trục truyền thống của phòng thiết kế - đây là chiếc trực thăng lục quân đầu tiên với thiết kế kiểu này. Dù nó phức tạp hơn trong quá trình sản xuất, nhưng mang lại cho cỗ máy này sự ổn định cao và khả năng thao diễn tốt.
Trực thăng tấn công Ka-50 "Cá mập đen"
"Cá mập đen" đặc biệt so với các mẫu khác bởi việc sở hữu hệ thống phóng ghế thoát hiểm – công nghệ này lần đầu tiên được sử dụng trong lĩnh vực chế tạo máy bay trực thăng. Thực ra, cả tổ lái của Ka-50 chỉ có duy nhất một người: Người ta quyết định thay người điều khiển vũ khí bằng những tổ hợp ngắm bắn mới.
Kết quả là các kỹ sư đã thiết kế được cỗ máy, với nhiều tính năng vượt thời gian. Nhưng như thường thấy, chính thời gian lại mang đến cho nó nhiều điều bất lợi.
Quyết định mang tính nguyên tắc về việc sản xuất hàng loạt Ka-50 cho quân đội được đưa ra vào năm 1985, tuy nhiên "Cá mập đen" phải chờ đợi cả một thập niên trước khi nó được biến chế cho các lực lượng vũ trang. Và không phải của Liên Xô, mà của Nga.
Những khó khăn về nguồn vốn đã ảnh hưởng tới quá trình này. Các lực lượng vũ trang đã phải dừng công tác nghiên cứu chế tạo chiếc trực thăng-trinh sát Ka-50.
Thay vào đó, tổ hợp trinh sát và chỉ dẫn mục tiêu đã được chuyển sang nghiên cứu mới – Ka-52 với thiết kế 2 chỗ ngồi.
Nguyên mẫu Ka-52 "Alligator" bay đầu tiên đã cất cánh hai năm sau khi "Cá mập đen" được đưa vào khai thác – tháng 6/1997. Sau đó người ta đã tập trung cho nó, còn Ka-50 chỉ được sản xuất 17 chiếc.
Mọi thứ đều hướng tới điều tốt nhất
Cùng với đó, sự kế thừa của Ka-52 từ Ka-50 là rất cao: Theo một vài đánh giá, chỉ số này chiếm tới 85% các phụ tùng và thiết bị.
Đúng là trong mẫu mới có tận 2 chỗ ngồi cho phi công, nhưng các đặc điểm khác biệt chính, như hệ thống các cánh quạt đồng trục và thiết bị phóng ghế thoát hiểm vẫn được giữ lại – điều biến "Alligator" trở thành chiếc trực thăng chiến đấu sản xuất hàng loạt đầu tiên và duy nhất trên thế giới được trang bị hệ thống phóng ghế thoát hiểm.
Ngoài ra, cỗ máy mới vẫn sử dụng hệ thống động cơ, khung sườn, cánh, đuôi và phần vỏ thân và đuôi được làm chủ yếu bằng các vật liệu composite.
Sự khác biệt chính có thể nhìn thấy rõ là phần phía trước mới, với buồng lái 2 chỗ ngồi, và cũng như đàn anh của mình, nó được thiết kế chống đạn rất tốt để có thể chịu được đạn kích cỡ 12,7mm và mảnh đạn kích cỡ lên tới 23mm.
Yếu tố này, cùng với hệ thống điều khiển được thiết kế song song cho cả hai phi công, đã biến Ka-52 trở thành chiếc trực thăng được bảo vệ tốt nhất trên thế giới.
Trực thăng tấn công Ka-52
Hệ thống điện tử của "Alligator" hoàn toàn mới, thậm chí còn được thiết kế vài phương án bố trí thiết bị. Chiếc trực thăng này được lắp đặt hệ thống bảo vệ điện tử và ngắm bắn tối tân.
"Trái tim" trên Ka-52 là hệ thống radar định vị "Arblet", mà có thể phát hiện mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm, với khoảng cách lên tới 10km, tính toán lộ trình và cảnh báo về mối hiểm hoạ.
Còn hệ thống vũ khí của "Cá sấu" khá chuẩn mực đối với các trực thăng tấn công của Nga. Nó bao gồm súng máy cơ động 2А42 cỡ 30mm, các rocket không điều khiển 80mm và 120mm.
Tuy nhiên, trong bộ vũ khí thông thường của nó còn có tổ hợp tên lửa chống tăng "Vikhr", với các tên lửa có thể đạt vận tốc siêu thanh, giúp chúng vượt qua khoảng cách 4km trong vòng 9 giây – nhanh gần tương đương gấp 2 lần các phiên bản tương tự của Mỹ.
Ka-52 còn có biến thể tàu sân bay – đó là Ka-52K "Katran". Trên phiên bản này, người ta lắp đặt vũ khí tên lửa và radar mạnh hơn với tầm phát hiện các mục tiêu của hệ thống radar "Zuk-A lên tới 200km.
AH-64 Apache Mỹ cũng không thể sánh bằng
Để nhấn mạnh ưu thế của chiếc trực thăng tấn công tối tân Nga, có thể mang ra so sánh các tính năng kỹ-chiến thuật với những lá cờ đầu của quân đội các quốc gia khác.
Lấy ví dụ, Ka-52 có khả năng mang 2.800kg vũ khí chiến đấu, trọng lượng cất cánh tối đa của nó tương đương 10,8 tấn – phù hợp, nhưng vẫn ít hơn so với trực thăng tấn công Mi-28N cũng do Nga thiết kế chế tạo.
Vận tốc tối đa của "Alligator" nhanh hơn AH-64 tới 45km/h, tầm hoạt động thực tế - tối đa 40km. Át chủ bài thực sự của cỗ máy Nga là vận tốc nâng – 16m/s. Chỉ số này của Apache – chỉ không quá 12,3m/s.
Chỉ số duy nhất mà Ka-52 thua kém các đối thủ của mình – đó là trần bay thực tế. Của "Alligator" là 5500m, trong khi các đối thủ cạnh tranh của nó có thể bay ở độ cao lên tới hơn 6000m. Tuy nhiên điều này cũng không khiến cho ưu thế của nó giảm đi.