Do đó, Triều Tiên cũng phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hơn 80 dân thường Syria trong vụ tấn công hồi đầu tháng này.
Theo tờ USA Today: "Vụ tấn công kinh hoàng trong cuộc nội chiến ở Syria đã có sự nhúng tay của Triều Tiên. Chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bán vũ khí và đạn cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Assad".
Trước đó, một số nguồn tin cho rằng nhà cung cấp chính vũ khí hóa học cho Syria hiện nay là một quốc gia ở Đông Bắc Á. Thậm chí, tờ Defense One còn cho đăng bài báo với tựa đề "Chiến tranh ở Syria là mỏ vàng với Triều Tiên".
Cả hai tờ báo Mỹ đều đăng tải thông tin cáo buộc Triều Tiên cung cấp vũ khí hóa học cho quân chính phủ Syria dựa trên đánh giá của chuyên gia về Triều Tiên, Giáo sư Bruce Bechtol tại Đại học quốc gia Angelo thuộc bang Texas.
Theo ông Bechtol: "Tôi sẽ cảm thấy vô cùng ngạc nhiên nếu như chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ tấn công của quân chính phủ Syria hôm 4/4 ở thị trấn Khan Sheikhoun thuộc tỉnh Idlib, không phải là do Triều Tiên cung cấp".
Trong cuộc nghiên cứu về mối quan hệ quân sự giữa Triều Tiên và Syria hồi năm 2015, ông Bechtol cũng đã chỉ ra sự ràng buộc giữa hai quốc gia này trong việc hợp tác sản xuất vũ khí hóa học. Theo giáo sư Bechtol, ngay cả các cơ quan tình báo và CIA của Mỹ cũng sử dụng những thông tin nghiên cứu của ông này để xem xét mối liên hệ quân sự giữa Triều Tiên và Syria.
Hồi tuần trước, hãng tin Fox News cũng đã cáo buộc Triều Tiên và Syria có "lịch sử quan hệ lâu đời" trong việc chia sẻ công nghệ sản xuất vũ khí hóa học.
Quân đội Triều Tiên tổ chức tập trận hôm 26/4.
Thậm chí, một bản nghiên cứu dựa trên dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm cũng đưa ra kết luận rằng, Triều Tiên và Syria đã thực hiện chuyển giao công nghệ quân sự bao gồm vũ khí hóa học.
Thông tin quân đội chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường hôm 4/4 đã vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều. Ngay cả Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng phủ nhận thông tin trên khi cho rằng toàn bộ số vũ khí hóa học mà Syria từng sở hữu, đã được đưa đi tiêu hủy theo thỏa thuận do Mỹ và Nga làm trung gian hồi năm 2013.
Theo giới truyền thông Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un luôn cho rằng Mỹ có ý định lật đổ ông này. Đây cũng chính là lý do ông Kim hợp tác với chính quyền Tổng thống Assad, người mà giới lãnh đạo Mỹ muốn phế truất trong hơn 6 năm qua.
Sự hợp tác giữa ông Kim và ông Assad theo cách gọi của giới truyền thông Mỹ đã tạo thành "trục ma quỷ". Đây là thuật ngữ được cựu Tổng thống Mỹ G.W. Bush sử dụng lần đầu tiên vào năm 2002.
Sau vụ khủng bố 11/9, chính quyền của Tổng thống Bush đã liệt 6 quốc gia vào danh sách tài trợ và theo đuổi sản xuất các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt gồm Iraq, Iran, Triều Tiên, Syria, Libya và Cuba. Và 6 nước này được Mỹ coi là một "trục ma quỷ".
Cho đến nay, những tranh cãi về việc có hay không chuyện Triều Tiên chuyển giao vũ khí hóa học cho Syria vẫn chưa có hồi kết.
Một số cơ quan nghiên cứu vũ khí có uy tín từ Giáo sư Theodore Postol tại MIT cũng phản bác thông tin do chính phủ và giới truyền thông phương Tây cung cấp cho rằng, chất độc thần kinh sarin đã được sử dụng trong vụ tấn công hôm 4/4 ở Syria.
Theo họ, khả năng các tay súng Syria được phương Tây chống lưng muốn lợi dụng vụ tấn công để làm mất uy tín chính quyền của Tổng thống Assad đồng thời mở đường cho quân đội Mỹ tham chiến ở Syria.
Và chỉ sau 3 ngày xảy ra vụ tấn công ở tỉnh Idlib, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ ra quyết định cho phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân Shayrat ở Syria.
Theo Washington và các quốc gia đồng minh, vụ tấn công tên lửa nhằm vào Syria không phải là hành động xâm lược mà là hành động "trả thù chính đáng".
Đáng nói, Mỹ, Anh và Pháp đã phản đối lời đề nghị chính thức từ phía Nga, Iran và Syria về việc thành lập một nhóm điều tra ngay tại hiện trường ở thị trấn Khan Sheikhoun, nơi xảy ra vụ tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cũng nhấn mạnh các quốc gia phương Tây đã chứng minh một điều là họ không muốn tìm ra sự thật về chuyện gì đã xảy ra ở Khan Sheikhoun. Điều mà họ muốn chỉ là thay đổi chính quyền ở Syria.
Trong bối cảnh, căng thẳng giữa Mỹ và Syria chưa lắng dịu, quân đội Mỹ lại điều động nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu cùng tàu ngầm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa tới gần bán đảo Triều Tiên.
Theo Mỹ, hành động này là nhằm kịp thời đối phó trước những động thái khiêu khích từ Bình Nhưỡng. Ngay cả ông Trump và giới chức Mỹ cũng nhiều lên khẳng định Mỹ đã sẵn sàng thực hiện các vụ tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên.
Theo nhà báo Finian Cunningham của hãng tin RT, động thái quân sự của Mỹ gần Triều Tiên có thể được hiểu là nhằm ngăn chặn chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng phá vỡ lệnh cấm mà LHQ đã áp đặt.
Tuy nhiên, các cuộc tập trận quân sự mà Mỹ và các đồng minh trong khu vực đang tiến hành, lại là hành động không hợp lý và có thể làm bùng phát chiến sự bất cứ lúc nào.
Về phần mình, lý giải cho hành động điều động lực lượng quân sự và vũ khí tới gần Triều Tiên, chính quyền của Tổng thống Trump cho rằng, "Washington lo thời gian ngăn chặn nhà lãnh đạo Kim Jong-un làm chủ công nghệ phóng tên lửa hạt nhân tấn công lãnh thổ Mỹ đang sắp hết".
Nhà báo Cunningham nhấn mạnh, chính quyền của ông Trump chắc chắn đã lường trước được những hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra nếu như Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên.
Khác với việc Mỹ ném "mẹ của các loại bom" xuống Afghanistan để tiêu diệt các tay súng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, nếu Washington tấn công Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un sẽ đáp trả mạnh mẽ và tạo ra những hậu quả khôn lường cho Hàn Quốc, Nhật Bản, hai quốc gia đồng minh của Mỹ.
Cũng theo ông Cunningham, việc giới truyền thông Mỹ nghi ngờ Triều Tiên là nhà cung cấp vũ khí hóa học cho Syria, sẽ khiến Tổng thống Trump thận trọng trước những hậu quả khủng khiếp nếu Bình Nhưỡng dùng vũ khí hóa học đáp trả.
Tuy nhiên, những hành động quân sự gần đây của Mỹ đã khiến không ít chuyên gia đặt câu hỏi ai mới thực sự là "trục ma quỷ" và ai mới là mối đe dọa số 1 đối với nền hòa bình thế giới.