Bạo lực gia tăng tại Afghanistan: Bài toán an ninh khi Mỹ và NATO rút quân

Phạm Hà |

Một loạt các vụ tấn công trên khắp Afghanistan kể từ ngày 1/5 - thời điểm quân đội nước ngoài đẩy mạnh rút quân theo thỏa thuận hòa bình với Taliban.

Sự leo thang bạo lực rõ rệt nhằm vào các tỉnh trọng yếu của Afghanistan là phép thử khó khăn cho năng lực của chính phủ và các lực lượng an ninh Afghanistan khi không có sự hỗ trợ quân sự nước ngoài.

Ít nhất 55 người thiệt mạng và hơn 150 người khác bị thương, hầu hết là các sinh viên nữ, trong vụ tấn công nhằm vào một trường học ở thủ đô Kabul hôm 8/5. Tổng thống Afghanistan - Ashraf Ghani đổ lỗi cho Taliban thực hiện vụ tấn công, trong khi nhóm vũ trang này lên tiếng phủ nhận cáo buộc.

Trước đó cũng xảy ra hàng loạt các cuộc tấn công chủ yếu tập trung vào các thị trấn ở các tỉnh mà Taliban đã hiện diện mạnh mẽ trong nhiều năm như Helmand, Zabul, Ghazni và Logar. Điều đáng chú ý là các cuộc tấn công diễn ra sau khi quân đội Mỹ bàn giao căn cứ địa phương cho lực lượng an ninh Afghanistan. Hiện có nhiều lo ngại các tay súng Taliban đang siết chặt vòng vây các thành phố hoặc tiến gần hơn đến các "giới hạn đỏ".

Các nhân chứng cho biết, lực lượng an ninh Afghanistan đã từ bỏ các vị trí sau khi các cuộc tấn công của Taliban bắt đầu: "Tình hình thật đáng lo ngại. Chúng tôi tin rằng sẽ có một cuộc nội chiến nếu quân đội nước ngoài rút ra khỏi quốc gia”.

"Taliban tuyên bố chiến đấu vì quân đội nước ngoài hiện diện tại Afghanistan. Tuy nhiên quân đội nước ngoài đang rút quân nhưng các vụ nổ vẫn diễn ra. Chúng tôi quá mệt mỏi với tình hình hiện nay".

Lực lượng an ninh Afghanistan phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của Mỹ và quân đội nước ngoài trong 2 thập kỷ qua để có thể đẩy lùi các cuộc tấn công của Taliban. Tình trạng bạo lực gia tăng sẽ là phép thử cho lực lượng an ninh Afghanistan cũng như đặt ra bài toán mới cho Mỹ hay NATO về việc đảm bảo an ninh cho Afghanistan sau khi quân đội nước ngoài rút quân hoàn toàn khỏi đây.

Để tránh viễn cảnh tình trạng bạo lực gia tăng tại quốc gia Tây Nam Á này, Mỹ đang thúc đẩy một nỗ lực ngoại giao, kêu gọi chính phủ và lực lượng Taliban đạt được một thỏa thuận trước khi việc rút quân hoàn tất vào ngày 11/9 tới.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: “Mỹ đang làm mọi thứ có thể để thúc đẩy ngoại giao, thu hút các đối tác khu vực và quốc tế để sử dụng ảnh hưởng và đòn bẩy của mình, tiến tới một kết thúc hòa bình cho xung đột, thúc đẩy các cuộc đàm phán và cuối cùng là chấm dứt xung đột. Điều rất quan trọng là Taliban phải thừa nhận rằng sẽ không hợp pháp và tồn tại nếu lực lượng này từ chối tham gia đàm phán và cố gắng đạt được quyền lực bằng vũ lực”.

Văn phòng chính trị của Taliban tại Doha phủ nhận lực lượng này phát động một chiến dịch tấn công mới, đồng thời khẳng định các cáo buộc là không đúng sự thật và “có động cơ chính trị”. Taliban mong muốn đạt được một giải pháp càng sớm càng tốt thông qua quá trình đàm phán đang được tiến hành hiện nay.

Tuy nhiên có một số nhận định các cuộc tấn công liên tiếp xảy ra trong bối cảnh quân đội nước ngoài rút quân là cách Taliban tìm kiếm sự nhượng bộ trên bàn đàm phán với chính phủ Afghanistan. Điều đáng lo ngại là Tổ chức khủng bố khét tiếng Al Qaeda mới đây tuyên bố sẽ chiến đấu chống Mỹ trên mọi mặt trận, với kế hoạch trở lại bằng cách hợp tác một lần nữa với Taliban. Có nhiều thông tin cho rằng, mặc dù đạt thỏa thuận hòa bình với Mỹ, nhưng Taliban vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ với Al Qaeda và có thể “tiếp tay” cho Al Qaeda chống lại Mỹ sau khi binh lính nước ngoài rút quân ra khỏi Afghanistan.

Mỹ và Liên minh hôm 8/5 ra tuyên bố kêu gọi nhanh chóng nối lại các cuộc hòa đàm trong nội bộ Afghanistan. Tuyên bố kịch liệt lên án tình trạng bạo lực đang diễn ra ở Afghanistan, trong đó phần lớn trách nhiệm thuộc về lực lượng Taliban", đồng thời cảnh báo rằng bất cứ cuộc tấn công nào của Taliban nhằm vào các binh sĩ nước ngoài trong giai đoạn này "đều sẽ phải đối mặt với sự đáp trả mạnh mẽ"./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại