Bạo loạn kinh hoàng ở New Caledonia, 3.200 người mắc kẹt
Hơn 3.000 người không thể di chuyển tới hoặc ra khỏi New Caledonia - một trong những vùng lãnh thổ hải ngoại lớn nhất của Pháp ở Thái Bình Dương. Các chuyến bay thương mại đã bị hủy bỏ do tình trạng bạo loạn đang lan rộng trong khu vực.
"Chính quyền New Caledonia thống kê có khoảng 3.200 người đang mắc kẹt (trên đảo này hoặc tại các quốc gia khác) do không có các chuyến bay tới và rời đảo" - Kênh truyền hình BFM TV của Pháp dẫn thông tin từ chính quyền địa phương cho hay.
Hiện New Zealand và Australia đang khẩn trương tìm cách ứng phó tình hình và đưa công dân của họ rời New Caledonia.
New Caledonia là lãnh thổ hải ngoại quan trọng của Pháp. Chính quyền Paris sáp nhập New Caledonia vào năm 1853 và trao quy chế lãnh thổ hải ngoại cho hòn đảo vào năm 1946.
Một chuỗi các cuộc bạo loạn đã bùng nổ sau khi người biểu tình phản đối việc Hạ viện Pháp biểu quyết thông qua dự luật cho phép những người Pháp sống tại New Caledonia trên 10 năm tham gia bầu cử địa phương tại vùng lãnh thổ này.
Họ lo ngại rằng dự luật trên sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tiếng nói của người dân bản địa, cũng như hạn chế mạnh mẽ phong trào đấu tranh đòi độc lập khỏi Pháp vốn đã âm ỉ tại hòn đảo này suốt nhiều năm.
Hàng trăm thủy quân lục chiến Pháp vũ trang hạng nặng vào cuộc
Theo tờ DW (Đức), trong ngày 18/5, bạo loạn tiếp tục diễn biến phức tạp tại New Caledonia. Ít nhất 1 người đã thiệt mạng và 2 người bị thương trong vụ bạo lực mới nhất diễn ra trên đảo.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) dẫn lời Tướng Nicholas Mattheos cho biết, vụ việc xảy ra ở vùng Kaala-Gomen, bắc New Caledonia. Một người đàn ông đã thiệt mạng sau khi bị bắn trong lúc cố trèo qua các rào chắn do người biểu tình dựng lên. Con trai ông này và một người bản địa Kanak đã bị thương sau vụ việc. Hiện cảnh sát Pháp chưa xác định được đối tượng liên quan tới vụ nổ súng.
Bạo loạn bắt đầu nổ ra tại Noumea từ ngày 13/5. Những người biểu tình đã cướp phá và đốt cháy các cửa hàng, hiệu thuốc, cũng như trạm xăng. Tính đến ngày 17/5, đã có ít nhất 5 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, trong đó có hơn 60 cảnh sát. Khoảng 200 phần tử bạo loạn bị bắt giữ.
Trước diễn biến vô cùng phức tạp, theo DW, trong ngày 18/5, hàng trăm lính thủy đánh bộ Pháp với trang bị hạng nặng và lực lượng hiến binh đã được điều động để tuần tra thủ phủ Noumea, New Caledonia.
Các phóng viên AFP tại quận Magenta ở Noumea cho biết, nhiều xe cộ và các tòa nhà trên địa bàn bị đốt cháy trong lúc lực lượng cảnh sát chống bạo động của Pháp đang tìm cách tái khẳng định quyền kiểm soát của chính phủ.
Người dân địa phương cho biết, họ đã nghe thấy tiếng súng nổ liên tiếp, tiếng trực thăng và "những vụ nổ lớn" trong đêm, dường như là những bình gas nổ tung bên trong một tòa nhà bị đốt cháy.
Trước đó, vào ngày 15/5, chính phủ Pháp đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở New Caledonia. Binh sĩ từ các lực lượng vũ trang Pháp đã được triển khai để bảo vệ các cảng và sân bay của hòn đảo, đồng thời 500 cảnh sát tăng cường đã được điều động để hỗ trợ lực lượng 1.800 nhân viên an ninh đang có mặt tại New Caledonia.
Các quan chức Pháp hiện cáo buộc một nhóm ly khai có tên CCAT đứng sau vụ bạo loạn. 10 nhà hoạt động của nhóm này đang bị quản thúc tại gia.
Nga phản ứng trước tình hình New Caledonia
Trong ngày 18/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Nga kêu gọi Pháp kiềm chế sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình ở New Caledonia và đảm bảo rằng nước này tôn trọng các quyền lợi, cũng như tự do của người dân trên đảo.
"Các hành động diễn ra đã biến thành bạo loạn hàng loạt lan rộng khắp hòn đảo, một số cư dân địa phương và sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng, trong khi hàng chục sĩ quan cảnh sát khác bị thương và hàng trăm người biểu tình bị bắt giữ" - Bà Zakharova nói về cuộc biểu tình của hàng nghìn người ở New Caledonia.
Nhà ngoại giao Nga kêu gọi Paris "kiềm chế sử dụng vũ lực quá mức chống lại người biểu tình, nhằm tôn trọng quyền và tự do của người dân bản địa New Caledonia và các vùng lãnh thổ hải ngoại khác nằm dưới sự kiểm soát của Pháp".
Bà Zakharova đồng thời cho biết rõ lập trường của Nga đối với các sự kiện diễn ra. Theo đó, Nga tin rằng "cuộc khủng hoảng ở New Caledonia là kết quả của những nỗ lực phi thực dân hóa chưa hoàn chỉnh của Pháp" và đây là "một sự xác nhận khác cho thấy chính sách của Pháp đối với các thuộc địa cũ (giờ đây gọi là lãnh thổ hải ngoại) đang đi vào bế tắc".
"Rõ ràng, những sự kiện bi thảm ở New Caledonia là kết quả của những mâu thuẫn lâu dài khi người Kanak - cư dân bản địa chiếm khoảng 40% tổng dân số tại New Caledonia - ngày càng không hài lòng với tình hình diễn ra" - Bà Zakharova nhấn mạnh.