Kỷ lục tang lễ
Tờ Times of Israel (TOI) dẫn nguồn kênh truyền hình nhà nước Iran ước tính rằng hàng triệu người dân Iran đã xuống đường các thành phố Ahvaz và Mashhad để thể hiện nỗi đau xót khi quan tài thiếu tướng Qassem Soleimani được đưa qua các con phố.
Theo các phóng viên, đây là sự kiện lớn nhất Iran kể từ đám tang hồi năm 1989 của Đại giáo chủ Ayatollah Ruhollah Khomeini - người thành lập nước Cộng hòa Hồi giáo.
Chiếc quan tài di chuyển chậm qua các tuyến đường chật cứng những người dân mặc trang phục đen và cầm theo tấm hình chân dung tướng Soleimani. Những người tham gia tang lễ cũng mang theo lá cờ đỏ Shiite, biểu tượng cho máu của người bị giết hại một cách bất công và đồng thời cũng là lời kêu gọi báo thù.
Đây là lần đầu tiên một cá nhân tại Iran được tổ chức quốc tang lớn như vậy tại nhiều thành phố cùng lúc. Thậm chí cố Đại giáo chủ Iran Khomeini cũng không có vinh dự đó trong lễ tang của ông vào năm 1989.
Đám tang với quy mô lớn chưa từng thấy được tổ chức ở Iran để tưởng niệm ông Soleimani. Ảnh: AFP
Theo TOI, vào thời điểm đó (ngày 6/6/1989), hơn 10 triệu người đã xuống đường để tham gia tang lễ và thi hài của ông Khomeini thậm chí còn bị trôi ra khỏi chiếc quan tài bật nắp. Nhiều người xung quanh đã tìm cách chạm vào thi hài ông Khomeini và tạo ra khung cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Cơ quan truyền thông Iran cho biết 8 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác đã bị thương trong tang lễ.
Các nguồn tin cho hay, ngày hôm nay (6/1), thi hài ông Soleimani sẽ được đặt tại nhà thờ Hồi giáo Musalla nổi tiếng cùng với những nhà cách mạng lớn trước đây của Iran.
Sau đó, ông Soleimani sẽ được đưa tới Tehran và Qom trước sự chứng kiến của người dân và được mai táng tại quê nhà ở Kerman.
Trong khi buổi tang lễ diễn ra và được phát sóng trực tiếp, người chủ trì tang lễ tuyên bố sẽ treo thưởng 80 triệu USD cho người nào có thể "lấy đầu ông Donald Trump":
"Iran có 80 triệu dân. Dựa trên con số này, chúng tôi muốn treo thưởng 80 triệu USD cho bất kì ai có thể lấy đầu ông Trump," người này nói.
Tướng Soleimani là chỉ huy của lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Vệ binh Cộng hòa Iran (IRGC). Ông dẫn đầu và lên kế hoạch cho các chiến dịch của Iran ở Trung Đông. Hôm 3/1 vừa qua, ông Soleimani thiệt mạng sau đợt không kích của Mỹ vào sân bay quốc tế ở Baghdad.
Sau vụ tấn công, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đã ra lệnh thực hiện không kích và cho rằng vị chỉ huy của Quds đang lên kế hoạch giết hại các nhà ngoại giao và quân đội Mỹ ở Iraq.
Tuyên bố trả thù
Khi thi hài ông Soleimani được đưa tới thành phố Ahvaz, người dân hô to những lời cầu nguyện của người Shiite và khẩu hiệu "Cái chết cho nước Mỹ".
Nhiều người cũng đem theo chân dung ông Soleimani bởi ông được coi là anh hùng của Iran trong chiến tranh Iran-Iraq hồi năm 1980-1988.
Vụ sát hại ông Soleimani đã khiến căng thẳng leo thang tới đỉnh điểm giữa Tehran và Washington. Nguy cơ một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông đang hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết.
Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố sẽ "trả thù quyết liệt" và quốc tang 3 ngày. Tại Tehran, các quan chức hô "Cái chết cho nước Mỹ" vài phút trước khi bắt đầu phiên họp của quốc hội. Tất cả các quan chức có mặt giơ nắm đấm lên không khí khi hô khẩu hiệu.
Iran đã đe dọa sẽ tấn công Nhà Trắng và gọi ông Trump là "tên khủng bố mặc vest" sau khi ông Trump tuyên bố sẽ tấn công hàng chục mục tiêu ở Iran.
Một nghị sĩ Iran có tên Abolfazl Abutorabi tuyên chiến: "Chúng ta có thể tấn công Nhà Trắng, chúng ta có thể phản ứng bằng cách tấn công lãnh thổ Mỹ".
"Chúng ta có sức mạnh, và chúng ta sẽ phản ứng vào đúng thời điểm. Đây là lời tuyên chiến, nếu do dự chúng ta sẽ thua".
"Nếu chúng tuyên chiến và chúng ta cầm hoa trong khi chúng cầm súng? Chúng ta sẽ sẽ bị bắn!" - nghị sĩ này nói.