Mutlaq al-Qahtani, một cố vấn cao cấp về chống khủng bố cho Ngoại trưởng Qatar, nói trên Al Jazeera hôm Chủ nhật rằng Qatar đã hậu thuẫn cho Taliban "theo yêu cầu của chính phủ Mỹ trước đây" và là một phần thuộc chính sách mở cửa của Qatar, để tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán, hòa giải và mang lại hòa bình".
Có thể hiểu cách mà ông Mutlaq al-Qahtani nói nhằm để cho thế giới thấy chính sách ngoại giao của Qatar từ trước đến giờ là “kiêm ái”, tức là duy trì hữu hảo với tất cả các bên trong thế giới Trung Đông phức tạp.
Nhờ vai trò như vậy thì Qatar mới có thể là cầu nối, nói chuyện với tất cả các phe phái và góp phần duy trì hòa bình cho khu vực.
Trên thực tế, Taliban đã mở một "văn phòng chính trị" tại Qatar vào năm 2013, nhưng sau đó chính phủ Qatar đã buộc văn phòng này phải ngừng hoạt động. Mặc dù vậy, “phía bên kia” vẫn cho là các nhà lãnh đạo Taliban đang ở Doha.
Hiện Qatar đang chịu áp lực mạnh mẽ từ các nước trong khối Ả Rập như Saudi, UAE, Bahrain và cả Mỹ. Qatar bị cáo buộc là kết thân với Iran, đi ngược lại với tinh thần của khối Ả Rập – Mỹ và bị lên án là tài trợ cho các nhóm cực đoan, bao gồm Taliban.
Đầu tuần trước, Ả Rập Saudi, Bahrain và UAE đã phát động lệnh bao vây ngoại giao Qatar.
Taliban mở văn phòng tại Qatar năm 2013
Trong chuyến thăm gần đây của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới Riyadh, ông kêu gọi các nước Ả Rập chống lại các phần tử cực đoan và "cô lập" Iran.
Đồng thời, ông Trump còn nói “Chúng ta phải ngăn chặn sự tài trợ cho khủng bố. Đáng tiếc Qatar luôn là nhà tài trợ cho khủng bố ở cấp cao nhất” và khẳng định: “đã đến lúc phải yêu cầu Qatar kết thúc chuyện tài trợ và các tư tưởng cực đoan của họ”.
Trước đó, Iraq cũng minh oan phần nào cho Qatar trước cáo buộc rằng Doha đã chi tiền cho các tay súng ở Iraq để đổi lại mạng sống của 26 con tin.
Hôm chủ nhật, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã phủ nhận các cáo buộc từ truyền thông của Saudi và UAE tuyên bố rằng Qatar đã trả một khoản tiền chuộc trị giá 500 triệu USD cho các nhóm vũ trang Hồi giáo Shia ở Iraq để phóng thích 26 người thợ săn Qatar bị bắt cóc.
Thay vào đó, ông Abadi cho biết chính phủ Iraq vẫn đang giữ khoản tiền này.
"Vâng, chúng tôi đã nhận được tiền chuộc và đang giữ chúng. Ngay lúc này, chúng tôi vẫn cất tiền trong ngân hàng trung ương Iraq", Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nói trên truyền hình.