Báo Indonesia khâm phục “kế hoạch lớn” của bóng đá Việt Nam, thừa nhận điểm yếu của đội nhà

Domino |

Trang Garuda Sport (Indonesia) đã có bài viết phân tích về tương quan giữa bóng đá Việt Nam và Indonesia.

Dù đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong vài năm qua, bóng đá Indonesia vẫn phải nhiều lần "ôm hận" khi đối đầu với các đại diện Việt Nam. Trước thềm Asian Cup 2023 – giải đấu mà 2 đội tuyển Việt Nam và Indonesia nằm cùng bảng, trang Garuda Sport (Indonesia) đã có bài phân tích về tương quan giữa bóng đá 2 nước.

Bài viết mở đầu với một loạt sự so sánh: "Tại khu vực Đông Nam Á, bóng đá Indonesia vẫn phải đứng dưới Việt Nam và Thái Lan. Trên BXH FIFA mới nhất, đội tuyển Việt Nam xếp thứ 94 trong khi Indonesia chỉ đứng thứ 146.

Tại cấp độ U16, U16 Indonesia từng 2 lần đánh bại U16 Việt Nam trong giải đấu năm 2022. Tuy nhiên, thành tích này không được duy trì ở các lứa trẻ khác. Ở các cấp độ U18, U22 và U23, Indonesia chỉ thắng được 1 trong 4 trận gặp Việt Nam.

Báo Indonesia khâm phục “kế hoạch lớn” của bóng đá Việt Nam, thừa nhận điểm yếu của đội nhà - Ảnh 1.

Dẫu vậy, các lứa trẻ vẫn còn làm tốt hơn cấp ĐTQG. Trong 10 lần gặp nhau gần nhất, đội tuyển Indonesia thắng 1, hòa 5 và thua tới 4 trận trước đội tuyển Việt Nam.

Chiến thắng gần nhất đã là từ trận bán kết lượt đi AFF Cup 2016 trên sân nhà với tỉ số 2-1. Sau đó, tuyển Indonesia chỉ biết hòa và thua".

Tiếp đó, Garuda Sport phân tích lý do dẫn đến thống kê đáng buồn của đội tuyển Indonesia khi gặp tuyển Việt Nam:

"Tại sao đội tuyển Indonesia lại khó thắng tuyển Việt Nam? Hãy nói về chất lượng cầu thủ. Phải thừa nhận rằng chất lượng cầu thủ Indonesia thua kém nhiều nước tại châu Á và Đông Nam Á.

Khi tuyển Indonesia thua 1-5 trước Iraq tại vòng loại World Cup, nhiều CĐV muốn LĐBĐ sa thải HLV Shin Tae-yong. Nhưng họ đã không để ý tới một thực tế rằng một số lượng lớn cầu thủ Indonesia không muốn ra nước ngoài thi đấu để nâng cao trình độ.

Ngoài ra, việc phát triển bóng đá trẻ cũng mang tới nhiều lo ngại. Ông Mochamad Iriawan – chủ tịch tiền nhiệm của LĐBĐ Indonesia – từng thực hiện kế hoạch 4 bước đầu tư cho bóng đá trẻ bao gồm: tổ chức các giải đấu trẻ, tổ chức các học viện, đào tạo đội ngũ HLV và kết hợp với các lò đào tạo quốc tế.

Tuy nhiên, kế hoạch này hiện chưa được mở rộng. Và việc đội tuyển Indonesia liên tục phải chờ đợi các cầu thủ nhập tịch là minh chứng cho việc LĐBĐ không quan tâm đủ đến bóng đá trẻ.

Một ví dụ trái ngược là LĐBĐ Việt Nam. Chương trình phát triển bóng đá trẻ được ông Philippe Troussier – hiện là HLV trưởng đội tuyển Việt Nam – xây dựng trong thời gian dài. Nhà cầm quân này từng dẫn dắt U19 Việt Nam và làm việc tại PVF – một trong những học viện bóng đá hàng đầu Việt Nam.

Báo Indonesia khâm phục “kế hoạch lớn” của bóng đá Việt Nam, thừa nhận điểm yếu của đội nhà - Ảnh 3.

HLV Troussier rất tâm huyết với bóng đá trẻ Việt Nam.

Nhiều CLB Việt Nam cũng có tư duy tiến bộ. Ví dụ như HAGL từng học hỏi mô hình của Arsenal. Theo HLV Troussier, LĐBĐ Việt Nam đang nỗ lực để hỗ trợ cho các cấp độ đội tuyển vì mục tiêu giành vé dự World Cup.

Dù từng có thời điểm bóng đá Việt Nam gặp khủng hoảng vì một số vụ việc, nhưng các kế hoạch đào tạo trẻ vẫn được tiến hành. Với nền tảng đó, đội tuyển Việt Nam đã thăng hoa khi HLV Park Hang-seo lên nắm quyền".

Kết lại, Garuda Sport cho rằng đội tuyển Indonesia ngoài chuyên môn còn phải cải thiện về mặt tâm lý nếu muốn tiến xa:

"Về mặt chiến thuật, đội tuyển Indonesia có thể bắt kịp đội tuyển Việt Nam. Nhưng việc cải thiện tâm lý các cầu thủ là một bài toán dành cho HLV Shin Tae-yong. Tâm lý dựa dẫm vào sân nhà và chờ đợi sự ưu ái từ các trọng tài cần phải bị xóa bỏ nếu đội tuyển Indonesia muốn cạnh tranh ở cấp châu Á và thế giới".

Báo Indonesia khâm phục “kế hoạch lớn” của bóng đá Việt Nam, thừa nhận điểm yếu của đội nhà - Ảnh 4.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại