Trong video, một nhóm nhỏ lính Triều Tiên chuẩn bị ra tiền tuyến được các huấn luyện viên quân sự của Nga hướng dẫn cách đặt mìn.
Video được cho là ghi lại cảnh người Nga đang huấn luyện lính Triều Tiên và dạy tiếng Nga cho họ. Nguồn: Telegram
Buổi huấn luyện bị gián đoạn khi những người lính Triều Tiên mặc quân phục Nga dường như không hiểu họ phải làm gì. Một người lính trông khá trẻ chỉ vào một từ trên tờ giấy và hỏi huấn luyện viên người Nga của mình cách phát âm từ đó.
Cũng theo Telegraph, trong một video được đăng tải trên mạng xã hội X vào tháng 10, một người lính Nga đã cố gắng làm quen với một binh sĩ Triều Tiên, nhưng bị người này khước từ.
Người lính tự nhận mình đến từ vùng lãnh thổ ly khai Abkhazia thuộc Gruzia hỏi: "Anh - tôi, Abkhazia - Triều Tiên, bạn bè?"
"Tôi không quan tâm", người lính Triều Tiên trả lời bằng tiếng Nga, trong khi tiếng cười vang lên xung quanh.
Video được cho là ghi lại cảnh một người lính Nga đã cố gắng làm quen với một binh sĩ Triều Tiên, nhưng bị người này khước từ. Nguồn: X
Theo Telegraph, vào tháng trước, một quan chức tình báo Hàn Quốc tiết lộ rằng người Nga đang dạy cho các binh sĩ Triều Tiên khoảng 100 thuật ngữ quân sự cơ bản, chẳng hạn như "quay lại vị trí", "bắn" và "phóng".
Trong một cuộc điện thoại của binh sĩ Nga được tình báo Ukraine thu thập và công bố vào tháng 10, quân Nga từng bày tỏ sự nghi ngờ rằng sẽ có đủ phiên dịch viên cho binh sĩ nước ngoài tham chiến cùng họ. Một sĩ quan Nga hứa rằng sẽ chỉ định một phiên dịch viên cho mỗi nhóm 30 binh lính Triều Tiên, nhưng những người Nga khác trong cuộc gọi có vẻ hoài nghi.
Hôm 12/11, chính phủ Mỹ xác nhận rằng binh sĩ Triều Tiên đã bắt đầu tham gia các hoạt động chiến đấu chống lại lực lượng Ukraine tại tỉnh Kursk của Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết: “Hơn 10.000 binh lính Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã được gửi đến miền đông nước Nga và hầu hết trong số họ đã di chuyển đến vùng cực tây Kursk, nơi họ bắt đầu tham gia các hoạt động chiến đấu cùng với lực lượng Nga”.
Lực lượng Triều Tiên đóng vai trò gì trên tiền tuyến?
Theo hãng tin AFP (Pháp), Triều Tiên chưa bao giờ đưa quân ra nước ngoài chiến đấu trước đây. Sự hiện diện của binh sĩ Triều Tiên bên cạnh lính Nga để chiến đấu với lực lượng Ukraine đặt ra nhiều câu hỏi về chiến thuật và quân sự, khiến một số nhà phân tích tự hỏi về hiệu quả và mục tiêu cuối cùng của Triều Tiên.
"Mặc dù thương vong là một phần không thể tránh khỏi của chiến tranh, nhưng việc cử những người lính thiếu kinh nghiệm hoặc kém năng lực để tích lũy kinh nghiệm chiến đấu có ý nghĩa gì?", Yang Moo-jin - chủ tịch Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, Hàn Quốc - cho biết.
"Triều Tiên phải thể hiện hiệu quả chiến đấu và khả năng tác chiến của binh sĩ để tối đa hóa kết quả triển khai", chuyên gia Lim Eul-chul tại Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) cho biết thêm.
Sở hữu sức mạnh đáng gờm
Theo AFP, dù khó có thể đưa ra số liệu đáng tin cậy nhưng các nguồn tin phương Tây cho biết có khoảng 10.000 binh sĩ Triều Tiên được triển khai, trong khi Kyiv cho biết có 11.000 người. Con số này tương đương với tổn thất hiện tại của Nga trong khoảng 10 ngày giao tranh.
"Nếu Nga gặp vấn đề về nhân lực, họ sẽ cần nhiều quân Triều Tiên hơn nữa để giải quyết những thách thức này", tướng Australia đã nghỉ hưu Mick Ryan nhận định.
Tuy nhiên, những chuyên gia khác lại cho rằng lực lượng này là không thể bỏ qua miễn là những người lính Triều Tiên vẫn còn ở vùng Kursk.
"Sức mạnh của lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên nằm ở khả năng chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt, ngay cả khi thực phẩm và các nguồn lực khác khan hiếm", chuyên gia Lim đến từ Đại học Kyungnam nói. "Họ có khả năng phục hồi tinh thần mạnh mẽ".
Rào cản ngôn ngữ
Liệu người Nga và người Triều Tiên có thể cùng nhau tiến hành một cuộc chiến phụ thuộc vào phiên dịch viên hay không?
"Mặc dù phiên dịch viên vẫn sẽ hữu ích, nhưng khoảng cách về giao tiếp này có thể và sẽ là vấn đề trong các hoạt động chiến đấu", tướng nghỉ hưu Ryan nói với AFP.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, vẫn còn rất nhiều câu hỏi về mặt tổ chức: liệu người Triều Tiên có triển khai cả binh lính cấp cơ sở cũng như các bộ máy chỉ huy không? Họ sẽ tự chủ hay hợp nhất vào các đơn vị của Nga? Nhiệm vụ của họ là gì?
"Tình báo Ukraine đã tuyên bố rằng người Triều Tiên đã đến Nga với 500 sĩ quan và 3 vị tướng", nhà nghiên cứu Ivan Klyszcz tại Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế ở Estonia nói với AFP.
"Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp nếu các tướng lĩnh Nga và Triều Tiên có thể hợp tác với nhau, nhưng hiện tại vẫn còn quá nhiều điều chưa biết để có thể đưa ra kết luận", Klyszcz cho biết.
Bài học kinh nghiệm
Theo các chuyên gia, việc triển khai quân Triều Tiên trong cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ được theo dõi và phân tích từ mọi góc độ.
Binh sĩ Triều Tiên chưa từng tham chiến kể từ Hiệp định đình chiến với Hàn Quốc vào năm 1953, nên có thể sẽ gặp khó khăn trước lực lượng Ukraine đã chiến đấu trong hai năm rưỡi trở lại đây. Bởi vậy, "chia sẻ các bài học về chiến đấu hiện đại, đặc biệt là về việc sử dụng tích hợp máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo sẽ rất có lợi cho Triều Tiên", tướng nghỉ hưu Ryan nói.
Ông Ryan cũng chỉ ra những bài học giá trị cần thiết về "chiến tranh điện tử, chống lại hệ thống phòng không và những hiểu biết thu thập được từ vũ khí phương Tây bị thu giữ ở Ukraine".
Nhưng điều ngược lại cũng có vẻ đúng, theo nhà nghiên cứu Fyodor Tertitskiy tại Đại học Kookmin (Hàn Quốc). Ông cho rằng "Seoul dường như cảm nhận được cơ hội để thu thập thông tin tình báo về địch thủ lâu đời của mình".