Thị trường Tết Trung thu 2017 tại Hà Nội đã "ngấp nghé" từ sớm, ngay cuối tháng 6 âm lịch. Năm nay, thị trường ghi nhận có nhiều loại bánh trung thu handmade với những kiểu dáng độc đáo như: 12 con giáp, hình hoa nổi, hình các loài thú... không những vậy, giá cả còn khá mềm tùy vào yêu cầu của khách hàng đặt.
Ở thời điểm này, trên các trang mạng xã hội như Facebook cũng đã rầm rộ hoạt động mua bán. Do nhu cầu của khách hàng có từ rất sớm nên nhiều địa chỉ làm bánh trung thu handmade đã chuẩn bị trước cả tháng để bán cho khách.
Có kinh nghiệm làm các loại bánh nhiều năm, đặc biệt là bánh trung thu, mỗi dịp trung thu tới chị Minh Nguyệt (Cầu Giấy, Hà Nội) lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu từ khá sớm.
Những nguyên liệu đặc trưng làm bánh trung thu như: nhân, nước đường, bơ đậu phộng, baking soda... luôn do chị tự làm, chọn lựa để đảm bảo bánh ngon, ngọt, thơm, kiểu dáng vừa hiện đại nhưng lại đúng với hương vị truyền thống của Hà Nội xưa.
Theo chị, trào lưu làm bánh handmade lên ngôi là do người dân có thể được thoải mái đặt các loại bánh với kích cỡ, loại nhân, hình thù... khác nhau.
Chị Nguyệt cũng chia sẻ để bánh đỡ ngấy, lại có vị đặc trưng thì thay vì dùng đường xay, chị sẽ dùng đường gluco. Lạp xưởng chị nhập ở những đối tác uy tín ở Sơn La...
Về mẫu mã năm nay, chị cho biết hình 3D in hoa nổi, 12 con giáp và các hình con thú đang rất được ưa chuộng nên chị sẽ tập trung làm các mẫu này nhiều hơn so với các mẫu bánh truyền thống.
Mặc dù mở bán bánh trung thu handmade từ đầu tháng 7 nhưng chị vẫn không kịp cung ứng cho khách hàng, mỗi ngày chị nhận khoảng 70-80 đơn hàng.
Còn chị Phương Anh - nhân viên công sở ở quận Đống Đa, Hà Nội chuyên làm bánh trung thu hình 12 con giáp chia sẻ bánh trung thu kiểu dáng 12 con giáp đang thu hút sự quan tâm của người dân ở Hà Nội, đặc biệt là các bạn sinh viên do sự độc đáo, lạ mắt và dễ thương.
Về các loại nhân chuẩn bị cho mẫu bánh này, chị Phương Anh cho biết khá đa dạng với nhiều loại như: nhân thập cẩm, đậu xanh, khoai lang, khoai môn...
Mỗi chiếc có trọng lượng 50gr, giá 25.000 đồng/chiếc. Với những chiếc có trọng lượng lớn hơn khoảng 100gr thì giá sẽ cao hơn một chút, khoảng 35.000-40.000 đồng/chiếc. Mỗi ngày chị bán được hơn 100 chiếc. Theo Phương Anh, những loại bánh handmade thường không dùng chất bảo quản nên chỉ có thể dùng trong khoảng 4-5 ngày sau khi ra lò.
Theo ghi nhận trên thị trường hiện nay, bánh trung thu 12 con giáp được bán lẻ dao động từ 30.000-40.000 đồng/còn; Thú bento 10.000 đồng/con. Bộ 12 con giáp (mỗi chiếc 50gr) có giá 400.000 - 450.000 đồng, bộ 4 con tự chọn có giá 150.000 đồng/hộp, bộ 5 con 180.000 đồng/hộp...
Với bánh 3D in hoa nổi, năm nay thị trường ghi nhận có các loại bánh với nhân trà xanh, đậu xanh, lá dứa, cà phê, sữa dừa... giá từ 70.000 - 80.000 đồng/chiếc loại 100-125gr.
Loại bánh 3D in hoa nổi thường không có màu vàng của bánh nướng, màu trắng của bánh dẻo truyền thống mà thay vào đó chúng được tạo màu hiện đại, khá sặc sỡ mang nét riêng.
Với bánh trung thu truyền thống ở phân khúc thường tại các cửa hàng, năm nay mức giá không có nhiều thay đổi: Bánh nhân thập cẩm 40.000-45.000 đồng/chiếc 125gr, bánh nhân nhuyễn 30.000-40.000 đồng/chiếc 125gr, bánh dẻo 30.000 - 40.000 đồng/chiếc, hộp 6 bánh 125gr giá 250.000 đồng/hộp, hộp 6 bánh 150gr giá 300.000 đồng/hộp, hộp 4 bánh 125gr có giá 180.000 đồng/hộp, hộp 4 bánh 150gr giá khoảng 200.000 - 220.000 đồng/hộp...
Ở phân khúc cao cấp được bày bán tại các khách sạn lớn, bánh trung thu khá đa dạng với nhiều loại nhân như: nhân trà xanh, mơ khô, nhân hạt sen, hạt óc chó, trứng muối, nhân lá dứa, hạt sen, khoai môn, chà là, cốm, dừa non, hạt điều...
Mức giá mềm nhất cũng khoảng 400.000-500.000 đồng/hộp. Đơn cử như tại khách sạn Sheraton, hộp 4 bánh 180gr giá 810.000 đồng/hộp, hộp 2 bánh 180gr cũng gần 400.000 đồng/hộp, hộp 3 bánh loại 180gr kèm rượu vang có giá 1.500.000 đồng/hộp. Ngoài ra, mức giá đắt hơn nữa sẽ tùy theo trọng lượng bánh và rượu.