Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, đây là kết quả khảo sát mới nhất của ECA International, tổ chức chuyên tư vấn về quản lý và bồi thường cho nhân viên trên toàn thế giới.
Theo đó, Bangkok đã tăng 75 bậc trong 2 năm qua và hiện đứng thứ 47 trong số 50 thành phố có chi phí đắt đỏ nhất thế giới.
Ông Lee Quane, Giám đốc khu vực châu Á của ECA International cho biết Bangkok lâu nay được coi là điểm đến giá rẻ cho khách du lịch, nhưng đã nhảy lên vị trí 47 trong số 50 thành phố có chi phí đắt đỏ nhất thế giới, với nguyên nhân chính là đồng baht mạnh.
Đứng thứ nhất về chi phí đắt đỏ tại châu Á cũng như trên thế giới là thủ đô Ashgabat của Turkmenistan. Thành phố này tăng vọt từ vị trí thứ 146 năm 2017 lên vị trí đầu danh sách này năm 2018 và tiếp tục giữ ở vị trí này, nguyên nhân do lạm phát cao và đồng nội tệ mạnh.
Trong bảng xếp hạng châu Á, xếp thứ hai vẫn là thủ đô Tokyo của Nhật Bản với lý do chính là đồng yen tăng giá so với USD. Tiếp đến là Hong Kong (Trung Quốc) cùng các thành phố Yokohama, Nagoya và Osaka của Nhật Bản.
Singapore xếp thứ 7 tại châu Á và xếp thứ 13 trên thế giới. Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đứng thứ 8, trong khi Macao và thành phố Thượng Hải của Trung Quốc lần lượt ở vị trí thứ 9 và 10.
Các quốc gia Trung Đông tiếp tục ghi nhận sự gia tăng chi phí sinh hoạt vì đồng nội tệ mạnh, trong đó đồng tiền nhiều nước gắn với đồng USD. Thành phố Tel Aviv của Israel lọt vào top 10 lần đầu tiên, giữ vị trí thứ 9, cùng thành phố Jerusalem xếp thứ 12.
Ngoài các thành phố của Thụy Sĩ tiếp tục nằm trong nhóm 10 thành phố chi phí đắt đỏ nhất thế giới, đa số các thành phố châu Âu đã không còn trong bảng xếp hạng kể từ năm 2018.
Tương lai chưa chắc chắn với việc Anh rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit, đã chứng kiến thủ đô London của Anh rơi xuống thứ 140, vị trí thấp nhất kể từ khi ECA bắt đầu tiến hành xếp hạng mức chi phí sinh hoạt vào năm 2005.
Thủ phủ tài chính New York của Mỹ lần đầu lọt vào top 20 kể từ năm 2015, tăng lên vị trí thứ 15 năm 2018. Thành phố Honolulu xếp thứ 20.
ECA International tiến hành nghiên cứu chi phí sinh hoạt trong hơn 45 năm, mỗi năm thực hiện hai cuộc khảo sát lớn để giúp các tập đoàn, công ty đa quốc gia tính toán chi phí sinh hoạt vào hệ thống lương cho nhân viên.