Một nhà sinh vật học làm việc ngoài khơi biển Ross ở Nam Cực đã tình cờ phát hiện được hài cốt của loài chim cánh cụt Adélie. Hóa ra, những con chim cánh cụt này thực sự khá "cổ xưa", chúng đã chết từ hàng trăm năm trước và hài cốt mới xuất hiện do ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu.
Bốn năm trước, nhà sinh vật học Steven Emslie đang khảo sát đường bờ biển Nam Cực trên Mũi Irizar của Biển Ross khi ông bắt gặp tàn tích của chim cánh cụt Adélie. Ông nhận ra chúng bởi số lượng đá cuội bất thường chất đống trên khu vực, nơi những con chim cánh cụt này sử dụng để làm tổ.
Nhiều xác chim cánh cụt, hầu hết là con con, có vẻ đã phân huỷ nhiều, nhưng một số ít trông như chỉ mới chết gần đây.
Ngày nay, Biển Ross có gần 1 triệu cặp chim cánh cụt Adélie sinh sản, nhưng không có đàn chim cánh cụt nào đang hoạt động được quan sát thấy ở khu vực Mũi Irizar kể từ khi nó được nhà thám hiểm người Anh Robert Falcon Scott khám phá lần đầu tiên vào đầu thế kỷ 20.
Việc xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của hài cốt khẳng định sự nghi ngờ của Emslie - rằng hài cốt phải rất cũ, mặc dù vẻ ngoài còn tươi mới. Điều ông không ngờ chính là “tuổi đời" thật sự của chúng.
Xác một con chim cánh cụt có niên đại hơn 800 năm, với nhiều lông và mô vẫn còn nguyên vẹn
Kết quả cho thấy "những hài cốt thực sự cổ đại và ba thời kỳ sinh sống tập trung của chim cánh cụt Adélie được thể hiện", thời kỳ lâu đời nhất có niên đại cách đây khoảng 5.000 năm, trong khi gần đây nhất đã kết thúc khoảng 800 năm trước, theo bài báo đăng trên tạp chí Địa chất.
“Trong tất cả những năm tôi thực hiện nghiên cứu này ở Nam Cực, tôi chưa bao giờ thấy một địa điểm nào giống như thế này.”, Emslie nói.
Xương của chim cánh cụt Adélie trên bề mặt một loại đá cuội mà loài chim này dùng để làm tổ
Emslie cho biết các điều kiện sống lý tưởng cho chim cánh cụt là khoảng từ 4.000 đến 2.000 năm trước, vì đó là thời kỳ ấm với chất lượng môi trường biển rất tốt. Tuy nhiên, cuối cùng có thể do tuyết phủ dày lên trên mũi đất hoặc băng biển xâm lấn gây ra bởi nhiệt độ lạnh. Những con chim cánh cụt bị kẹt để lại những xác chết bị bao phủ bởi băng tuyết, bảo tồn chúng cho đến tận bây giờ.
Những xác chim cánh cụt cổ đại này chỉ mới lộ qua lớp băng tuyết, điều này giải thích cho vẻ ngoài còn nguyên vẹn của chúng. Không ngạc nhiên khi Emslie, tác giả duy nhất của bài báo, cho biết điều này có thể là do biến đổi khí hậu.
Như tờ báo chỉ ra, nhiệt độ hàng năm ở Biển Ross đã tăng 2,7 đến 3,6 độ F (1,5 đến 2 độ C) kể từ những năm 1980, trong khi các bức ảnh vệ tinh của khu vực được chụp từ năm 2013 cho thấy mũi đá ngày càng xuất hiện nhiều hơn khi băng tuyết tan chảy.
Tham khảo: Earther