Những nghi vấn về việc Nga rút toàn bộ 12 chiếc Su-25 về nước
Hôm 15-3, Tổng thống Nga tuyên bố bắt đầu rút lực lượng tác chiến chủ lực của lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) khỏi Syria bởi nước này “đã đạt được mục đích ban đầu đề ra” là hỗ trợ quân đội của Tổng thống Syria giành lại được “thế chủ động trên chiến trường”.
Ảnh vệ tinh của phương Tây sau đó cho thấy, không quân Nga đã rút 3 trên 15 máy bay ném bom tiền tuyến Su-24, 4 trên 8 máy bay ném bom Su-34 và toàn bộ phi đội 12 máy bay cường kích Su-25, để lại toàn bộ máy bay chiến đấu Su-30SM và Su-35.
Nga còn triển khai thêm ít nhất 4 trực thăng tấn công Mi-28N và Ka-52 để nâng số trực thăng từ 4 lên 14 chiếc. Sau đó, số trực thăng này đã tham chiến hỗ trợ lực lượng mặt đất Syria.
Điều này có nghĩa là máy bay trực thăng đang đảm nhận nhiệm vụ của các cường kích Su-25. Nó cũng có nghĩa là Nga đang điều chỉnh cơ cấu lực lượng ở Syria, điều đặc biệt là các máy bay cánh cố định lại được thay bằng máy bay trực thăng tấn công.
Su-25 và trực thăng tấn công có khả năng khác nhau nhưng đều có nhiệm vụ chính là hỗ trợ mặt đất. Tuy nhiên, rõ ràng là Su-25 có khả năng mang tải vũ khí lớn hơn, tốc độ nhanh hơn, trần bay cao hơn so với các trực thăng như Mi-28N, Ka-52.
Bộ đôi trực thăng tân công tiên tiến Mi-28 (trên) và Ka-52 đã được Nga tung sang Syria.
Vậy tại sao nó lại bị rút về nước?
Một số ý kiến lí giải rằng, cường kích Su-25 là loại chiến đấu cơ cũ, đã hoạt động liên tiếp trong vòng 5 tháng qua và cần trở về để bảo dưỡng.
Thế nhưng, vì sao Moscow không điều động một biên đội Su-25 khác thay thế mà lại tăng cường thêm trực thăng tấn công.
Ý kiến khác cho rằng, do thỏa thuận ngừng bắn với phe đối lập được ký kết, đối tượng tác chiến của quân đội Syria chỉ còn IS và al-Nusra, phạm vi tác chiến của quân chính phủ thu hẹp lại tại các khu vực cụ thể, ở các tỉnh miền bắc và phía đông Syria.
Do đó, Nga cảm thấy không cần thiết phải sử dụng các máy bay ném bom và cường kích có phạm vi hoạt động rộng, khả năng tấn công hỏa lực lớn cấp chiến dịch để tránh lãng phí nhân lực, vật lực.
Thay vào đó là các trực thăng tấn công làm nhiệm vụ tấn công hỗ trợ bộ binh.
Tuy nhiên, đây có phải là nguyên nhân chính khiến Nga thay đổi các máy bay cánh cố định bằng các trực thăng tấn công hay không? Thế tại sao Nga lại không rút các loại tiêm kích bom khủng hơn là Su-34 và Su-24 để tránh lãng phí?
Các máy bay cường kích Su-25 của Nga ở Syria
Nghi vấn này được trang tin Nga Russia Insider lí giải như sau: Nguyên nhân nước này phải rút triệt để số máy bay cường kích là do lo ngại Su-25 sẽ bị các hệ thống tên lửa vác vai (MANPAD) của phiến quân Syria bắn rơi.
Và cách lí giải này đã được chứng minh là hợp lý nhất sau khi truyền thông Nga tuyên bố kế hoạch nâng cấp Su-25SM3 của không quân nước này và cho thấy rằng, các phiên bản Su-25 hiện nay không có khả năng đối phó với tên lửa phòng không vác vai.