Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Đức – chuyên gia nghiên cứu cao cấp MBS liên quan đến lộ trình thoái vốn của 12 doanh nghiệp lớn theo chủ trương của Chính phủ.
- Thưa ông, trong cuộc họp của Thủ tướng chủ trì về việc bán vốn Nhà nước tại DN, trong đó có tập trung đẩy nhanh việc thoái vốn tại 12 doanh nghiệp đều là những hàng "ngon" trên thị trường. Vậy nhà nước bán đi những doanh nghiệp làm ăn tốt nhất thời điểm này có đáng tiếc hay không?
- Nếu lật ngược lại vấn đề, theo quan điểm của tôi nếu nhà nước không bán các doanh nghiệp trên thì định giá của thị trường chứng khoán cũng không ở mức khá cao như hiện nay, với mức P/E của thị trường ở mức khoảng 16 lần.
Chính sự quyết liệt và rõ ràng của Chính phủ trong lộ trình thoái vốn đã giúp thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam, đưa định giá chứng khoán Việt nam lên gần hơn với ngưỡng thị trường mới nổi (P/E của các thị trường trong khu vực Đông Nam Á là ~ 20 lần). Riêng mức định giá cao này đã giúp vốn hóa của thị trường chứng khoán tăng khoảng 14 tỷ USD.
- Thủ tướng có chỉ đạo việc bán vốn phải theo thông lệ thị trường, thực hiện công khai, minh bạch và đấu giá. Theo ông phương thức này sẽ mang lại lợi ích thế nào?
- Theo thông lệ thị trường của nhiều đợt IPO và đấu giá cổ phần thoái vốn SCIC trước đây thì sẽ có một hoặc một số nhà đầu tư chiến lược và tham gia mua với giá tương ứng giá bán đấu giá. Việc thực hiện đấu giá minh bạch công khai sẽ giúp chúng ta có cơ sở mặt bằng giá để bán cho nhà đầu tư chiến lược với giá hợp lý nhất.
- Đối với 2 doanh nghiệp bia là Habeco và Sabeco, Thủ tướng yêu cầu phải niêm yết trên sàn mới bán vốn. Ông nghĩ sao về phương án này, nó sẽ mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?
- Habeco và Sabeco đã không lên niêm yết trong gần 10 năm qua với nhiều lý do. Việc đưa 2 doanh nghiệp bia lên sàn sẽ giúp các doanh nghiệp nhà nước khác đã cổ phần hóa mà vẫn không chịu lên niêm yết, thấy rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa các doanh nghiệp cổ phần hóa lên niêm yết.
Về phía Habeco hay Sabeco, việc niêm yết trước thoái vốn cũng sẽ giúp doanh nghiệp tạo được thanh khoản cổ phiếu, giúp cổ phiếu được định giá hợp lý (giá thị trường) và qua đó là một cơ sở để định giá cho khoản thoái vốn Nhà nước tại 2 doanh nghiệp.
- Ông bình luận gì về phương án bán vốn tại Sabeco và Habeco mà lãnh đạo bộ Công Thương đưa ra?
- Phương án bán vốn của Sabeco theo phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công Thương mới đây là rất đáng chú ý. Thay vì được bán thành nhiều lần, Sabeco có thể chỉ được bán thành 2 đợt để giảm vốn sở hữu nhà nước từ 88% xuống còn 0%. Nếu Sabeco có thể được thoái vốn quyết liệt như vậy thì câu chuyện tương tự cũng có thể sẽ xảy ra với Vinamilk.
Nếu chỉ là một nhà đầu tư dài hạn đơn thuần thì có lẽ sẽ chẳng nhà đầu tư nào muốn bán cổ phần chi phối những doanh nghiệp có sức tăng trưởng mạnh và hiệu quả hoạt động cao hơn hẳn các lĩnh vực đầu tư công như Sabeco hay Vinamilk.
Với động thái thoái vốn quyết liệt, chính phủ cho thấy sự quyết tâm trong việc rút khỏi các lĩnh vực kinh doanh mà không cần tới vai trò của nhà nước và sẽ chỉ làm những việc mà giới doanh nghiệp không được làm hoặc không muốn làm.
- Một vấn đề được đặt ra đấu tranh chống lợi ích nhóm trong bán vốn Nhà nước. Ông nghĩ thế nào về câu chuyện này?
- Việc niêm yết cổ phiếu rồi mới bán cổ phần chính là một cách để chống lại lợi ích nhóm khi một số nhóm lợi ích có thể thâu tóm doanh nghiệp với giá rẻ, do rất nhiều nhà đầu tư sẽ không tham gia các phiên IPO do lo lắng sẽ bị giam vốn.
Niêm yết cổ phiếu cũng giúp cho cổ phiếu minh bạch, giúp cho nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước có thể tham gia sở hữu và qua quyền sở hữu kiểm soát doanh nghiệp. Việc niêm yết cũng khiến cho giới truyền thông tiếp cận được thông tin đều đặn hơn và thể hiện được tiếng nói của mình.
Tóm lại, tôi tin rằng việc niêm yết cổ phiếu là một biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để chống lợi ích nhóm trong việc bán vốn Nhà nước.