Những hợp đồng vũ khí "thay đổi cuộc chơi"
Điều kỳ lạ nhất trong chuyến thăm bốn ngày của Quốc vương Saudi Arabia đến Moscow là việc Nga bán hệ thống phòng không S-400 hàng đầu cho một quốc gia vốn có quan hệ đối đầu lâu năm với mình.
Trong khi đó, với Iran – vốn được biết đến như một "đồng minh" của Nga theo cách gọi của truyền thông phương Tây, lại chỉ được mua hệ thống già cỗi và kém chất lượng hơn: S-300.
Không chỉ ưu ái với Saudi Arabia - cựu thù thời Chiến tranh Lạnh của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được tăng cường sức mạnh với bản hợp đồng S-400, mà như cựu quan chức Lầu Năm Góc Stephen Bryen mô tả sẽ "thay đổi toàn bộ cuộc chơi" ở Trung Đông.
Những bản hợp đồng mới đối với hệ thống chống tên lửa tân tiến của Nga đang cho thấy vị thế của Iran trong quan hệ với Moscow có thể sẽ rất khác trong vài năm tới - bình luận viên Spengler của tờ Asia Times nhận định.
Các nhà phân tích đều cho rằng, chính sách mua bán vũ khí trong nhiều năm của Nga đối với các cường quốc vùng Vịnh luôn đối lập với cách làm của Trung Quốc.
Theo đó, Bắc Kinh bán tên lửa đồng thời cho cả Iran cũng như Saudi Arabia, tuy nhiên cường quốc châu Á luôn bán loại tên lửa tiên tiến hơn cho Riyadh.
Trung Quốc làm như vậy với lý do muốn duy trì cán cân quyền lực ở thế cân bằng khi cho rằng, Saudi Arabia yếu hơn so với các đối thủ khác.
Trong những tuần gần đây, Nga bắt đầu chuyển sang chính sách cân bằng quyền lực chính trị cổ điển giống như vậy.
Không cần bá chủ
"Hòa bình có thể đạt được chỉ bằng quyền bá chủ hoặc bằng cách cân bằng quyền lực", câu nói của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger được cho là đúng trong trường hợp này.
Nếu quyền lực không đủ để thực hiện quyền bá chủ, một quốc gia chỉ có cách tìm kiếm một sự cân bằng trước tham vọng của các đối thủ tiềm năng.
Vương quốc Anh là một ví dụ điển hình đi theo nhận thức này. Trong quá khứ, Anh liên minh với Phổ chống Pháp trong cuộc chiến tranh Napoleon. Sau đó liên minh với Pháp chống lại Đức vào thế kỷ trước.
S-400 luôn được Moscow lựa chọn người mua rất thận trọng.
Anh không đủ sức trở thành một bá chủ trên lục địa châu Âu, vì vậy nước này tìm cách ngăn chặn cả Pháp lẫn Đức vươn lên đỉnh thống trị.
Cũng giống trong trường hợp trên, Nga hiểu bản thân chưa có đủ tiền đề để thay thế hoàn toàn Mỹ trong vai trò bá chủ khu vực, nhưng chính quyền Tổng thống Putin tự tin cho rằng, việc tác động đến cán cân quyền lực là điều họ dư sức làm được.
Bước đi của Moscow trong việc bán S-400 cho Saudi Arabia đã ngay lập tức đánh động tới Mỹ. Hoa Kỳ đã phản ứng vội vã bằng việc gửi lời chào mời mua hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD tới Riyadh.
Tuy nhiên, bình luận viên Spengler cho rằng, điều phối cán cân quyền lực Trung Đông của Nga sẽ gặp nhiều khó khăn khi Iran sẽ cảm thấy bức bối với quyết định trên và không muốn mình là một con rối của Moscow.
Tehran vẫn có tham vọng, ý chí của riêng mình và đang cảm nhận được một tương lai sẽ không còn nhận được sự ưu tiên hàng đầu đến từ Nga.
Ở những nơi khác trong khu vực, Nga đang phải nỗ lực duy trì vị thế ngoại giao đang đan xen phức tạp với nhiều thế lực.
Trưng cầu dân ý độc lập người Kurd ở Iraq hồi cuối tháng Chín đã đưa Nga vào một thế ràng buộc.
Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa đóng đường ống dẫn dầu từ Iraq đến Địa Trung Hải. Điều này sẽ trực tiếp đụng chạm đến lợi ích của Nga khi tập đoàn Rosneft có một khoản đầu tư 4 tỷ USD trong các mỏ dầu của người Kurd.
Moscow cho thấy sự đồng cảm với những khát vọng dân tộc của người Kurd, mặt khác lại kêu gọi cộng đồng này kiềm chế và cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ không chặn đứng các đường dẫn dầu.
Chiến lược tinh tế
Tổng thống Putin đang chuyển hướng sang cân bằng quyền lực ở Trung Đông.
Mỹ cũng giống như Anh khi trước đã làm không tốt trong việc cân bằng cán cân quyền lực chính trị ở Trung Đông. Do đó, không có minh chứng nào cho thấy Nga có thể làm tốt hơn trong vai trò mới.
Tuy nhiên, sự thay đổi trong lập trường của Nga từ một "người bảo hộ" trong khu vực trở thành trung gian cân bằng các lợi ích mâu thuẫn sẽ tạo nên một bức tranh rất mới ở Trung Đông.
Theo chuyên gia Nikolas K. Gvosdev – người đứng đầu trung tâm Địa lý Kinh tế và An ninh quốc gia tại học Viện Chiến tranh Hải quân (Mỹ), điều đáng lưu ý nhất là Moscow đã sử dụng tầm ảnh hưởng mới trong khu vực để ngăn cản Mỹ sử dụng Saudi Arabia như là một đòn bẩy chống lại nền kinh tế Nga.
Giờ đây, thay vì cạnh tranh chống lại Moscow, Riyadh đang tích cực phối hợp với người Nga nhằm tạo ra một mức giá "ổn định" về năng lượng để đảm bảo nguồn lợi nhuận đôi bên cùng có lợi.
Cách đây 4 năm, các chuyên gia như Tom Nichols và John Schindler cảnh báo, tình trạng không lưu trú thường xuyên của Mỹ ở Trung Đông đang tạo ra những điều kiện để Nga có thể nổi lên như là nhân tố chủ chốt trong an ninh khu vực.
Nga đã tích lũy những bài học ngoại giao có giá trị từ sự hiện diện của mình ở Trung Đông trong vòng bốn năm qua và hiện đang thực hiện các bước đầu tiên để áp dụng vào Đông Á.
Công chúng có thể nhìn thấy Moscow đang trở thành trung gian cân bằng giữa Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên với hy vọng những nỗ lực ngoại giao của mình sẽ mang lại lợi ích giống như ở khu vực Trung Đông.
Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã cố gắng để cạnh tranh một cách chính diện chống lại Mỹ và sau đó hiểu rằng bản thân còn yếu thế. Ngày nay, Nga đang tham gia vào một chiến lược tinh tế hơn đến từ sự cân bằng.