Bán mặt hàng cả thế giới cần, một công ty của Nga báo lãi hàng tỷ USD bất chấp lệnh trừng phạt

Minh Hằng |

Công ty này của Nga có lợi nhuận ròng lên tới 14 tỷ USD chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024.

Theo tờ Oilprice, Rosneft, công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga, có lợi nhuận ròng khoảng 5,4 tỷ USD trong quý I/2024, tăng tới 92,8% so với quý IV của năm 2023.

Theo báo cáo của Rosneft, doanh nghiệp này có sản lượng trung bình hàng ngày đạt 5,43 triệu thùng dầu trong 3 tháng đầu năm. Trong đó, có 3,85 triệu thùng/ngày là hydrocarbon lỏng. Mặc dù vậy, Rosneft vẫn phải thừa nhận rằng hoạt động của công ty bị ảnh hưởng như bị cắt đứt khả năng tiếp cận những thị trường tài chính lớn nhất vì các tác động bất lợi mà những lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra. Chính vì điều này khiến công ty tăng thêm gánh nặng nợ do chi phí trả nợ cao hơn.

Bán mặt hàng cả thế giới cần, một công ty của Nga báo lãi hàng tỷ USD bất chấp lệnh trừng phạt- Ảnh 1.

Ông Igor Sechin, giám đốc điều hành của Rosneft. Ảnh: Warsawinstitute

Ông Igor Sechin, giám đốc điều hành của Rosneft, chia sẻ, do lãi suất cao và tính thanh khoản hạn chế ở trên thị trường tái chính trong nước đã gây ra áp lực lên hiệu quả tài chính và điều này buộc công ty phải chuyển sang vay bằng những loại tiền tệ thay thế.

Trong năm 2023, lợi nhuận ròng của Rosneft đạt 14 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm 2022. Hơn nữa, kết quả tài chính khả quan trong 3 tháng đầu năm 2024 của công ty này cho thấy thành tích đáng ghi nhận, bất chấp những lệnh trừng phạt. Đặc biệt, từ tháng 1 – tháng 4/2024, tổng thu nhập của công ty trước lãi vay, thuế, đạt 9,4 tỷ USD.

Trên thực tế, công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga đã trở thành mục tiêu của nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào những nhà máy lọc dầu. Cụ thể, cơ sở của công ty tại Ryazan, cách Mátxcơva chưa tới 320 km, đã bị tấn công 2 lần. Cuộc tấn công lần đầu xảy ra vào giữa tháng 3 và lần gần đây nhất là vào đầu tháng 5.

Theo Reuters, do ảnh hưởng của cuộc tấn công này khiến công suất lọc dầu tại Nga giảm khoảng 660.000 thùng/ngày vào giữa tháng 4. Đầu tháng 4, phía Nga chia sẻ có thể sửa chữa được tất cả những thiết bị hư hỏng tại cơ sở này trong vòng 2 tháng.

Nga thu lời lớn nhờ bán dầu, bất chấp các lệnh trừng phạt

Bán mặt hàng cả thế giới cần, một công ty của Nga báo lãi hàng tỷ USD bất chấp lệnh trừng phạt- Ảnh 3.

Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga vẫn bán dầu cho nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc... Ảnh: Bloomberg

Trên thực tế, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, EU, G7 và những quốc gia đồng minh đã tiến hành áp đặt nhiều lệnh trừng phạt để hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của quốc gia này. Trong đó có lệnh cấm vận và giá trần đối với dầu thô của Nga là 60 USD/thùng. Ngoài ra, những sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu của Nga cũng bị nhiều hạn chế.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của các lệnh cấm vận, nhưng Nga vẫn là thị trường dầu mỏ hấp dẫn với nhiều quốc gia, trong đó có Ấn Độ.

Theo Reuters, Tập đoàn Reliance Industries của Ấn Độ và Công ty Rosneft của Nga đã ký hợp đồng cung cấp 3 triệu thùng dầu/tháng và thanh toán bằng đồng ruble. Thời gian hợp đồng là 1 năm.

Tập đoàn nổi tiếng của Ấn Độ được cho là sẽ tiến hành mua 2 lô hàng dầu thô Urals (với tùy chọn mua thêm 4 lô hàng mỗi tháng), với chiết khấu 3 USD/thùng so với mức giá dầu chuẩn của Dubai.

Đại diện Rosneft chia sẻ rằng, Ấn Độ là đối tác chiến lược của công ty.

Bán mặt hàng cả thế giới cần, một công ty của Nga báo lãi hàng tỷ USD bất chấp lệnh trừng phạt- Ảnh 5.

Reliance Industries của Ấn Độ và Rosneft của Nga ký hợp đồng mua bán dầu. Ảnh: Rosneft

Tập đoàn Reliance Industries đã đồng ý thanh toán tiền mua dầu của Nga bằng đồng ruble. Ngoài ra, nhiều nguồn tin cho biết, Ngân hàng HDFC của Ấn Độ và Gazprombank của Nga sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi cho những giao dịch giữa hai bên.

Kể từ khi những khách hàng phương Tây giảm mua vì những lệnh trừng phạt do chiến dịch quân sự tại Ukraine, Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba trên thế giới, đã trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga. Theo Reuters, Nga hiện là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Ấn Độ trong năm tài chính thứ hai liên tiếp 2023 – 2024, vượt qua từ Iraq, Saudi Arabia và UAE.

Theo ước tính của Reuters, doanh thu từ dầu khí của Nga trong năm 2024 sẽ cao hơn 30% so với năm 2023. Dù bị cấm ở phương Tây, nhưng dầu thô của Nga vẫn tìm được người mua ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Hiện nay, Nga chuyển từ việc sử dụng đồng USD sang những đồng tiền bản địa như đồng ruble, đồng rupee của Ấn Độ, đồng NDT của Trung Quốc… trong những hoạt động thanh toán xuyên biên giới đối với các đối tác. Đây được coi là nỗ lực của quốc gia này để tìm ra những cách khác tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, trong bối cảnh nhiều nước phương Tây thực hiện cắt đứt quan hệ thương mại và loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Bài tham khảo nguồn: Reuters, Oilprice, Politico

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại