Được biết, sau 3 tháng triển khai công tác bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, sáng ngày 22 tháng 9 năm 2016, Hội đồng nghiệm thu sản phẩm sau sửa chữa - Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ đã tiến hành nghiệm thu và bàn giao trạm chuẩn bị tên lửa ИНГУЛ-А (tên tiếng Anh: INGUL-A) cho Học viện PK-KQ.
INGUL-A là thiết bị để kiểm tra, chuẩn bị tên lửa hàng không trước khi lắp đặt trên máy bay làm nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu. Sau khi nhận bàn giao, Học viện PK-KQ sẽ tiếp tục đưa sản phẩm vào khai thác, sử dụng, phục vụ quá trình huấn luyện thực hành đối với học viên đào tạo sỹ quan, chuyên ngành Kỹ sư hàng không.
Theo thông tin chính thức từ Phòng thiết kế cấp Nhà nước Kyiv mang tên "Luch" (Ukraine) - đơn vị nghiên cứu chế tạo, Ingul-A được thiết kế để kiểm tra, chuẩn bị các loại tên lửa không đối không, không đối đất, bom có điều khiển trước khi lắp lên các loại máy bay tiêm kích, cường kích của Không quân Nga.
Ingul-A chính thức được hoàn thành nghiên cứu và đưa vào sản xuất loạt từ năm 1977, không chỉ phục vụ trong Không quân Liên Xô mà còn được xuất khẩu sang các nước Đông Âu cùng nhiều quốc gia sử dụng máy bay chiến đấu của Liên Xô, trong đó có Việt Nam.
Có thể nói, Ingul-A là thành phần không thể thiếu của bất kỳ đơn vị không quân nào có sử dụng các máy bay chiến đấu họ Su, MiG, Yak vốn xuất xứ từ Liên Xô (Nga, Ukraine,... sau này).
Nhờ có thiết kế module (dạng container), với nhiều cầu phần chuyên biệt, đồng bộ, trạm có thể làm công tác kiểm tra, chuẩn bị cho tới 26 loại tên lửa (không đối không, không đối đất) và bom có điều khiển khác nhau, tức là gần như bao quát hết mọi loại vũ khí hàng không có trong biên chế.
Cũng theo Phòng thiết kế "Luch", trạm chuẩn bị tên lửa Ingul-A cuối cùng đã được xuất xưởng vào năm 1989, sau đó đã ngừng sản xuất để chuyển sang nghiên cứu và sản xuất những trạm chuẩn bị tên lửa thế hệ mới hơn.
Tên lửa R-60 ngoài cùng trên tiêm kích MiG-29 của Không quân Ấn Độ cũng được chuẩn bị bởi trạm Ingul-A.
Trạm chuẩn bị tên lửa Ingul-A đã và đang được trang bị cho các máy bay tiêm kích như MiG-21, MiG-23, MiG-29, Su-22, Su-27,...
Như vậy, có thể thấy, Nhà máy A-45 đã tự chủ hoàn toàn trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ đối với trạm INGUL-A ngay ở trong nước mà không phải đưa sang Ukraine hoặc Nga, tiết kiệm nhiều ngoại tệ cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo đúng kế hoạch, quy trình, chặt chẽ và an toàn tuyệt đối.
Trong khi đó, nơi khai sinh, chế tạo ra chính trạm INGUL-A là Phòng thiết kế Luch cũng đang chào bán dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa gồm các đầu việc:
- Tăng tổng niên hạn sử dụng;
- Giảm khối lượng công việc định kỳ kỹ thuật nhờ hợp lý hóa quy trình bảo dưỡng;
- Sửa chữa thay thế bằng các linh kiện, cấu phần hiện đại;- Đánh giá số lượng và cung cấp phụ tùng dự trữ kịp thời cũng như hồ sơ kỹ thuật kèm theo.