JT O’Donnell là người sáng lập và Giám đốc điều hành của Work It Daily - một nền tảng trực tuyến giúp mọi người giải quyết những vấn đề lớn nhất trong sự nghiệp. Cô có hơn 15 năm kinh nghiệm trong việc tuyển dụng và giáo dục nghiệp vụ nghề nghiệp.
Các chuyên gia giao tiếp cho rằng, chúng ta chỉ có 1/10 giây để tạo ấn tượng với một người nào đó. Vì vậy, mỗi điều chúng ta nói trong cuộc phỏng vấn xin việc đều rất quan trọng. Chúng sẽ định hình cho nhà tuyển dụng xem liệu bạn phù hợp với công việc hay không. Và đôi khi, những câu trả lời chưa đủ sâu sắc để thể hiện giá trị của bản thân, thậm chí cực kỳ kém và khiến bạn bị đánh giá yếu hoặc trung bình.
Dưới đây là 6 câu trả lời cần tránh trong một buổi phỏng vấn:
1. Tôi là một người năng động và tích cực
Đây là câu trả lời quá quen thuộc cho câu hỏi về thế mạnh chuyên môn hay những điệm mạnh cá nhân của người ứng tuyển. Đó gần như là một câu trả lời vô nghĩa. Trường hợp may mắn nhất, người phỏng vấn sẽ yêu cầu bạn giải thích rõ và tình huống xấu nhất là bạn sẽ không có cơ hội để chứng tỏ những ưu thế của mình cho nhà tuyển dụng. Họ đã nghe hàng trăm người nói những câu tương tự và tất nhiên không phải ai cũng thực sự làm được như những gì mình nói, vì thế mà họ sẽ không coi đó là điểm nhấn của bạn và bỏ qua nó.
Một câu trả lời thích hợp hơn nên dùng là: “Tôi có thể và sẵn sàng đi đầu trong các dự án và sẽ hoàn thành nó hiệu quả với những sự chỉ dẫn từ các tiền bối đi trước”, tiếp theo là một dẫn chứng về thành công của bạn.
2. Tôi hy vọng trong năm năm tới, mình có thể ngồi ở vị trí giống anh/chị
Đừng nghĩ rằng đây sẽ là điểm nhấn của bạn với sếp tương lai, ngược lại, họ sẽ chỉ thấy bạn là một người lười biếng và thiếu suy nghĩ.
Mặt khác, nhà tuyển dụng có thể cho rằng bạn đang hình dung ra một vị trí cao hơn trong tương lai, nhưng là ở một công ty khác. Điều này sẽ tạo ra ấn tượng về sự thiếu cam kết.
Thay vào đó, hãy chỉ ra những định hướng phát triển của bản thân tại công ty này, và làm nổi bật một số kỹ năng chính cần thiết cho công việc và cách bạn có thể góp phần mình vào sự phát triển của công ty dựa trên những kỹ năng đó.
Điều này sẽ cho thấy rằng bạn không chỉ quan tâm đến sự thăng tiến trong sự nghiệp mà còn tận tâm giúp công ty phát triển trong dài hạn.
3. Tôi không thích người sếp trước kia của mình
Đừng bao giờ nói xấu sếp cũ trong buổi phỏng vấn bất kể bạn đã có trải nghiệm tồi tệ như thế nào.
Khi được hỏi về lý do bạn rời bỏ công việc, bạn có thể thẳng thắn thừa nhận rằng công việc đó không phù hợp với mình. Trung thực là đức tính tốt, tuy nhiên, hãy cẩn thận với cách diễn đạt của mình – nó sẽ quyết định đức tính trung thực của bạn sẽ để lại điểm nhấn tốt hay xấu trong mắt nhà tuyển dụng.
Thay vào đó, cũng có thể nói rằng mình đã nhận ra niềm đam mê và muốn chuyển đổi con đường sự nghiệp. Đề cập ít nhiều những kinh nghiệm học hỏi được từ công việc trước đây phù hợp với vị trí bạn đang ứng tuyển cũng sẽ tạo ra cho bạn những lợi thế.
Nếu trong trường hợp bị sa thải, hãy cẩn thận giải thích vấn đề thay vì quy trách nhiệm cho người khác và nói về những điều bạn đã rút kinh nghiệm và sửa chữa từ trải nghiệm đó. Điều này thể hiện sự tự nhận thức và khả năng phát triển từ những trải nghiệm tiêu cực.
4. Điểm hạn chế lớn nhất của tôi là quá cầu toàn
Câu trả lời này về cơ bản là cách diễn đạt khác rằng: Tôi không có điểm yếu. Nhưng nhân vô thập toàn, các nhà tuyển dụng cần những người biết mình biết ta, biết học hỏi và rút kinh nghiệm thay vì những người đến để nói về sự hoàn hảo hay cầu toàn với họ. Chính vì thế, câu trả lời này sẽ là cái hố khiến bạn đánh mất cơ hội.
Đây là một câu hỏi hành vi mà các nhà quản lý rất coi trọng, vì vậy hãy chuẩn bị một câu trả lời chuyên sâu. Các chuyên gia nhân sự luôn khuyên mọi người nên nhờ các sếp cũ và đồng nghiệp mà bạn tin tưởng đánh giá. Gửi cho họ danh sách các kỹ năng hàng đầu cần thiết cho vị trí ứng tuyển và yêu cầu họ cho điểm và đánh giá các kỹ năng từ mạnh nhất đến yếu nhất.
Cuối cùng, điều cần thiết là thành thật về những hạn chế của mình và đưa ra một số ví dụ về cách bạn lên kế hoạch khắc phục những điểm yếu đó.
5. Anh/chị có thể cung cấp cho tôi một số thông tin về công ty được không?
Bạn có tin hay không, ngay cả những ứng viên có năng lực nhất cũng hỏi câu hỏi này theo nhiều cách khác nhau (ví dụ: “Mục tiêu chính của công ty là gì?” Hoặc “Công ty làm gì?”). Nhưng đó lại thực sự là một sai lầm chí mạng trong buổi phỏng vấn.
Nhà tuyển dụng đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu thêm về lý lịch của bạn, vì vậy bạn cũng nên làm điều tương tự và dành thời gian nghiên cứu về nơi mình đang mong muốn làm việc. Việc vào cuộc phỏng vấn với ít thông tin về công ty là "điều xúc phạm" và sẽ dẫn đến ấn tượng rất kém đối với nhà tuyển dụng.
6. Nhân viên của công ty được cung cấp những quyền lợi gì?
Thật sự là không khôn ngoan nếu như bạn nhận bất kỳ công việc nào mà không biết lợi ích sẽ được hưởng. Nhưng đừng bao giờ đưa ra câu hỏi về điều này sớm trong quá trình phỏng vấn, vì nó sẽ chỉ khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ ý định thực sự của bạn.
Hãy nhớ rằng, một số cuộc phỏng vấn đầu tiên có mục đích chính nhằm xác định xem bạn có nên tiếp tục ứng cử vào vị trí này hay không. Vì vậy, các chủ đề liên quan đến đặc quyền và lợi ích sẽ không có ý nghĩa gì nếu bạn thậm chí không vượt qua được những vòng khảo sát đầu tiên.